Bao giờ giáo viên sống được với nghề? - Diễn đàn - bạn đọc - Dân trí

Thứ Năm, 09/09/2010 - 10:50

Với đơn vị tính lương tối thiểu mới (730.000 đồng), cộng với phụ cấp đứng lớp, trung bình là 30-35%, một giáo viên mới ra trường hệ cao đẳng dạy THCS, nhận được mức lương chưa đầy 2 triệu đồng mỗi tháng.

Đối với tôi, giáo viên THPT, thuộc hệ đại học, tính đến nay đã có thâm niên 14 năm trong nghề, đang hưởng hệ số lương 3,33, cộng phụ cấp 30%, cộng phụ cấp chức tổ trưởng tổ chuyên môn 0,25%, mỗi tháng, tôi lĩnh được 3,2 triệu đồng (chưa kể các khoản bị trừ). Hết khung lương của bậc giáo viên THPT là 4,99, ứng với tiền lương: 4,3 triệu đồng. Nhưng để nhận được mức lương đó thì đầu thầy cô đã đủ hai thứ tóc, sắp về hưu rồi. Còn giáo viên cấp tiểu học và mần non, mới bước vào nghề, giỏi lắm thì được 1,4 -1,6 triệu đồng. 3,2 triệu đồng tiền lương mỗi tháng này, tôi đâu chỉ sống cho tôi mà còn cho gia đình, với 2 đứa con nhỏ nữa. Trong thời buổi vật giá đắt đỏ, leo thang liên tục như hiện nay, mà chỉ có từng ấy lương, không biết làm gì thêm, thì cuộc sống khá chật vật, khó khăn. So với công chức ngành khác thì hệ số lương, phụ cấp của thầy cô giáo có cao hơn. Nhưng nhìn vào thực tế thì công chức Nhà nước khác có cuộc sống, vật chất ổn định, đầy đủ hơn. Bởi lẽ, ngoài lương ra, trong công việc, trong điều kiện có thể, họ còn biết lách chỗ này, lận chỗ kia, để kiếm thêm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Do đó áp lực từ cuộc sống vật chất, đồng lương dành cho đội ngũ giáo viên ngày càng gia tăng. Mặc dù trong những năm qua nhà nuớc đã có sự quan tâm hơn về đời sống vật chất, cụ thể là chế độ lương cho đội ngũ thầy cô giáo nhưng vẫn còn quá thấp, chưa đảm bảo cho cuộc sống của bản thân, gia đình họ với những nhu cầu cần thiết. Gần đây, ở nhiều địa phương có tới hàng trăm giáo viên mần non xin nghỉ dạy luôn, vì lương bổng không đủ lo riêng cái ăn 3 bữa cho bản thân họ. Ngày Tết, phần lớn giáo viên không biết thưởng Tết là gì. Nếu có thưởng, cũng chẳng đáng là bao, chỉ được vài trăm ngàn đồng là cùng. Báo chi đưa tin: riêng thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, có đến 11.000 giáo viên vẫn chưa mua, làm được nhà, đang phải ở nhà thuê hoặc nhà cha mẹ. Thật tội nghiệp và đắng lòng, khi đọc và nghe những thông tin ấy. Đội ngũ giáo viên làm sao yên lòng, yên tâm dấn thân vào nghề nghiệp bằng tất cả năng lực và đam mê của mình, khi cuộc sống áo cơm vẫn còn nhiều lo lắng, biết xoay xở sao khi mọi người đang bon chen làm ăn kinh tế và đã có số người giàu lên trông thấy.

Điều kiện, cơ hội để kiếm thêm, làm thêm đúng với nghề nghiệp, chuyên môn của mình đối với phần đông thầy cô giáo, nhất là vùng nông thôn, ngày càng bị thu hẹp đáng kể. Trước đây, khi trường lớp còn thiếu giáo viên, thầy cô giáo còn được tính thừa tiết, nhờ dạy thêm tiết, thêm lớp. Nay đủ, thừa giáo viên, có muốn dạy thừa tiết cũng chẳng được. Trong một thời gian dài, theo thông tư 49 của Bộ giáo dục, giáo viên có chấm bài thừa thì được qui ra tiết, có tiền chấm bài. Hằng năm, bình quân, mỗi thầy cô giáo cấp 2 và 3, cũng nhận được vài ba đến năm bảy triệu đồng từ khoản này, giải quyết được một phần khó khăn của cuộc sống. Nhưng đến tháng 12 năm 2009, Bộ giáo dục ra qui định mới về chế độ làm việc đối giáo viên, lấy lý do, chấm bài nhiều hay ít đều nằm trong quá trình lao động, làm việc của giáo viên, nên hủy bỏ thông tư 49, chấm dứt việc tính tiết thừa chấm bài dư của thầy cô. Đồng nghĩa, kể từ đó, giáo viên không còn được hưởng tiền chấm bài thừa nữa. Giáo viên, cán bộ quản lý nhiều nơi rất bức xúc và phản ứng mạnh trên báo chí, nhưng Bộ giáo dục và Cục Nhà giáo vẫn " im hơi lặng tiếng."

Biết giáo viên nghèo, thu nhập thấp, nên Chính phủ đã đồng ý, giao cho các Bộ có liên quan tính thâm niên công tác cho nhà giáo , từ ngày 1 tháng 1 năm 2010. Điều kiện được tính thâm niên là phải công tác trong ngành giáo dục được 5 năm trở đi , từ năm thứ 6, thêm 1% lương cho mỗi năm. Tôi thiết nghĩ, cấp trên, đừng chi li quá mức, các giáo viên trẻ mới vào nghề cũng nên được tính thâm niên để đông viên, khích lệ họ. Hơn nữa, 1% lương mỗi năm, chẳng thấm thấp vào đâu. Kiểu quan tâm nhỏ giọt như thế, khó yên lòng thầy cô giáo.

Nhiều thầy cô giáo phổ thông hiện nay tranh nhau đi học lên, lấy bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, ngoài việc nâng cao trình độ, chuyên môn, cơ hội phát triển, thăng tiến, họ còn hướng tới mục đích thiết thực là lương bổng sẽ được thay đổi khá lên theo bằng cấp.

Xuất phát từ lợi ích kinh tế, môi trường giáo dục, nội bộ cán bộ giáo viên giờ đây không còn được trong lành, thuần khiết như ngày xưa. Những mâu thuẫn, xung đột âm ỷ, không khoan nhượng từ các vụ đấu đá, tranh giành chức quyền...nảy sinh. Lợi dụng nhu cầu cần việc làm, thuyên chuyển nhiều cán bộ quản lý giáo dục giở thoái hóa vòi vĩnh, kiếm ăn....Phải nói ngay rằng, vấn đề tiêu cực, tham nhũng của ngành giáo dục hiện nay cũng bức bối chẳng kém gì các lĩnh vực khác. Phải chăng nguyên nhân của nó là do lương bổng thấp?

Dạy thêm là cách làm tốt nhất để họ sống đủ, như các công chức ngành, nghề khác.Đương nhiên,đã dạy thêm là phải tốn công sức, thời gian dành cho nó, thì ít nhiều cũng làm ảnh hưởng tới công việc giảng dạy và quản lí học sinh ở trên lớp, trên trường. Số thầy cô giáo dạy thêm được đâu phải nhiều, chủ yếu ở các môn tự nhiên (cấp 2-3), chủ yếu ở các khu vực có điều kiện kinh tế tương đối ổn định. Nhiều giáo viên môn giáo dục công dân, sử, địa, văn, công nghệ...có muốn dạy thêm để tăng thu nhập cũng đâu dễ.

Tôi và nhiều thầy cô giáo vẫn còn nhớ cách đây 4 năm, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi mới lên chức Bộ trưởng Bộ giáo dục từng hứa hẹn , sẽ tăng lương cho giáo viên, để thầy cô giáo sống được với nghề. Nhưng đến nay điều hứa ấy chưa thành hiện thực. Trong cuộc đối thoại trực tuyến, vào cuối tháng 8 năm 2009, Lê Kiều Nhi - Nữ 23 tuổi - Giảng viên, cũng có hỏi ông Nhân về vấn đề trên. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trả lời khá hay. Còn chuyện làm thì hãy đợi đấy.

Báo cáo về phát triển con người của Liên hiệp quốc (UNDP) đánh giá: Việt Nam tụt hậu so với Trung Quốc 10 năm, Thái Lan 15 năm, Malaysia 20 năm, Hàn Quốc 25 năm, Singapore 35 năm, Nhật Bản 40 năm. Hiện nay, mức đầu tư cho GD-ĐT tính theo đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/8 của Thái Lan và chỉ bằng 1/20 mức trung bình của các nước phát triển. Trích ra đây, mấy số liệu so sánh trên, để thấy rằng, chúng ta cần phải cố gắng nỗ lực rất lớn mới theo kịp các nước trong khu vực, nhất là trong đầu tư phát triển giáo dục, khoa học công nghệ.

Theo giáo sư Nguyễn Xuân Hãn ( Đại học quốc gia Hà Nội), phân tích, tính toán: "với nguồn tiền đầu tư của Nhà nước và Nhân dân cho giáo dục hiện nay, nếu ngành giáo dục biết chi tiêu có kế hoạch, biết cách chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực, thì khoản chi lương giáo viên, giảng viên cũng đã phải gấp 2 đến 3 lần như hiện nay." Vậy thì thu nhập, lương bổng của đội ngũ thầy cô giáo lâu nay vẫn thấp, là do đâu? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo bộ GD &ĐT.

Nói tóm lại, muốn chất lượng giáo dục nuớc nhà được cải thiện, nâng lên, ngang bằng với các nước trong khu vực, trong nhiều biện pháp hữu hiệu cần được triển khai , thực hiện một cách đồng bộ, triệt để thì không thể thiếu biện pháp tăng lương thỏa đáng cho đội ngũ giáo viên. Có đời sống vật chất tương đối đầy đủ, nhất định đội ngũ giáo viên - nhân tố quan trọng hàng đầu của nền giáo dục, sẽ có những chuyển biến tích cực. Câu nói của người xưa: "Có thực mới vực được đạo", luôn đúng trong mọi trường hợp.

Đỗ Tấn Ngọc

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh-Quảng Ngãi

LTS Dân trí - Một vấn đề không mới nhưng vẫn là vấn đề cấp bách trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta. Đấy là việc tăng lương tới mức có thể đủ sống ở mức trung bình khá trong xã hội để cho đội ngũ giáo viên có thể yên tâm gắn bó với nghề, đem hết sức lực và tâm huyết làm tròn nhiệm vụ cao quý “trồng người”.

Giải quyết vấn đề hệ trọng này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Giáo dục- Đào tạo mà còn đòi hỏi sự nhất trí cao thể hiện bằng quyết sách của Quốc hội và Chính phủ.

Chính sách lương bổng thật ra đã tồn tại sự bất hợp lý đến mức vô lý đối với hầu hết đội ngũ viên chức nhận lương từ nguồn ngân sách Nhà nước, Nhưng hiện nay, chưa thể giải quyết ngay một lúc thì trước hết nên ưu tiên giải quyết đối với ngành giáo dục. Đấy chính là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, một lĩnh vực họat động chiếm vị trí quốc sách hàng đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét