Thứ ba, ngày 13 tháng bảy năm 2010
Một thời Bến Nứa - Long Biên
Cách đây không lâu, vào ngày 10/ 3 /2009 tại cuối đường Yên Phụ khu vực gần cửa chợ Long Biên, giữa 2 làn đường Yên Phụ chính, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thuộc sở Giao thông vận tải đã khai trương bến xe buýt mang tên Long Biên.
Nơi này ngày xưa cách đây hơn 100 năm, khi chưa hình thành con đê như bây giờ, vốn là bãi đất rộng, là nơi để những bó nứa, những cây gỗ được đưa từ dưới sông Hồng lên để thành từng đống ở đây và được bày bán bán. Có lẽ vì thế người ta mới đặt tên gọi là Bến Nứa.
Ngày xưa bãi sông Hồng có nhiều bè tre nứa.
(Bến Long Biên ngày xưa, nơi để nhiều tre nứa, nên gọi là bến Nứa.)
Sau này, khi cầu Long biên được xây dựng xong vào năm 1902 và được xây thêm 2 làn ô tô và hệ thống đường dẫn lên cầu vào năm 1936, bến xe ô tô khách đi các địa phương phía Bắc và Đông Bắc được hình thành. Đầu tiên chỉ là dăm ba chiếc xe ca chở khách, dần dần lượng xe nhiều hơn, nhu cầu đi lại của nhân dân đông hơn, nơi đây trở thành một bến xe ca gọi là Bến Nứa.. Sau năm 1954, khi thành lập bến xe ô tô chở khách, bến được đặt tên là Long Biên.
(Bến Nứa Long Biên ngày xưa.)
Sở dĩ có tên Long Biên là vì bến xe ở ngay gần đầu cầu Long Biên, nên người ta đã lấy tên cầu đặt cho tên bến, nhưng trong dân gian người ta vẫn quen gọi là bến Nứa, hoặc Bến Nứa - Long Biên. Các bến xe khác như Kim Liên, Kim Mã cũng vậy. Bến xe Kim Liên là lấy địa danh làng Kim Liên và bến Kim Mã được đặt theo tên làng Kim Mã. Trong 3 bến xe này, bến xe Long biên là bến xe lớn nhất.
Hồi đó danh giới bến với phố Yên Phụ, được rào kín từ khu vực đối diện với đầu phố Hàng Than, đến giáp với đoạn đường vòng để lên cầu, đối diện với đầu phố Hàng Đậu. Bến có một nhà ngói 1 tầng rộng và thoáng vừa là nơi bán vé, vừa làm nhà chờ, khách mua vé qua cửa nhà chờ để ra điểm đỗ xe của tuyến cần đi, vì bến xe hẹp chiều ngang nên các xe ô tô khách đỗ thành một dãy giáp đê. Bến xe có 2 cửa lớn để cho ô tô khách ra vào bến. Hồi đó Đoàn xe Long Biên của Công ty xe khách Thống Nhất đặt văn phòng tại bến, bởi có nhiều xe đi liên tỉnh và kế cận.
Bến xe Long Biên lúc đó có vào khoảng trên 20 tuyến ô tô khách đi các huyện ngoại thành và 9 tuyến liên tỉnh như: Đông Anh, Phổ Yên, Đại Độ, Xuân Hoà, Bắc Ninh, Mẹt, Sặt, Gia Lương, Thiên Thai; Việt Trì, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Hòn Gai ( Quảng Ninh). Trước đây xe ô tô khách lấy khách tại bến thời đó chủ yếu là xe tải ifa của Cộng hoà dân chủ Đức, nhập vào nước ta theo dạng đầu máy và chassis, được đóng mới vỏ thân xe, lắp ghế ngồi tại Nhà máy ô tô Hoà Bình và Xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội, những chiếc xe ca lúc đó thường mang nhãn hiệu Ba Đình.
Phải nói rằng có một thời gian đó bến xe khách Long Biên khá nhộn nhịp với lượng khách thông qua bến là rất lớn, trong dịp nghỉ lễ Tết có ngày lượng khách đi thông qua bến tới vài vạn người, để chỉ đạo và điều phối xe để giải toả khách, vào dịp này xí nghiệp bến xe thường tổ chức giao ban hằng ngày tại văn phòng xí nghiệp tại 17 Hàng Đậu để nắm tình hình lượng khách đi tại 3 bến xe: Long Biên, Kim Liên và Kim Mà để tổ chức bán vé và huy động xe chuyên chở, phấn đấu không để khách tồn đọng trong ngày.
Hồi đó lực lượng chuyên chở hành khách ở bến xe chủ yếu là xe của Đoàn Long Biên của Công ty xe khách Thống Nhất, xe của các Tỉnh có tham gia nhưng lượng xe không nhiều, vì thế ngoài ga Hà Nội có lượng khách đông đi tàu, thì bến Long Biên cũng là một bến xe có lượng hành khách đi ngoại thành, các vùng kế cận và liên tỉnh nhiều nhất trong 3 bến xe nội thành.
Năm 1987, sau khi có cầu Chương Dương, đề hạn chế xe ô tô vào Nội thành gây mất mỹ quan đô thị, theo quyết định của UBND Thành phố, bến xe chở khách Long Biên được chuyển sang Gia Lâm. Bây giờ là bến xe phía Bắc. Bến xe mới này do Công ty xây lắp giao thông xây dựng. Lúc đó bến xe phía Bắc được xây dựng khá quy mô, đảm nhiệm chức năng như bến Long Biên., việc trung chuyển hành khách đi các tỉnh tại bến xe phía Bắc do xe buýt đảm nhiệm. Nhưng lúc đó xe buýt không nhiều và chưa có điểm dừng đỗ cố định như bây giờ. khiến cho mọi người mỗi khi đi xa là rất lo lắng. Tuy nhiên do hạn chế xe ca chở khách vào nội thành, đã giảm đáng kể tình trạng lộn xộn ở nội thành. Đến năm 1993 bến xe Kim Liên cũng chuyển xuống Giáp Bát, gọi là bến xe phía Nam. Bây giờ tại bến Kim Liên cũ là khách sạn NICKO. Đến năm 2005 bến xe Kim Mã cũng được chuyển đến Mỹ Đình, gọi là bến xe Mỹ Đình.
Bây giờ bến xe khách Long biên xưa trở thành bến xe buýt Long Biên. Đây là bến xe buýt lớn thứ 2 sau bến xe buýt cầu Giấy. Bến được xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 400.000 euro do Uỷ ban châu Âu, vùng Ile de France (Pháp) và thành phố Hanover (Đức) tài trợ. Bến dài 85m, rộng trên 50m, có thể tiếp nhận 3.000 xe buýt/ngày và hàng nghìn lượt khách, với 6 vị trí đón trả khách, 4 làn đường dành cho xe buýt. Điểm trung chuyển được nối thẳng với ga Long Biên và có điểm đỗ, đón trả khách cho taxi, điểm gửi xe đạp, xe máy.
So với bến xe khách Long Biên xưa, bây giờ bến xe buýt Long Biên ngày nay khang trang, hiện đại hơn nhiều so với bến cũ ngày xưa, với dãy nhà chờ và hệ thống đường ô tô ra vào đón trả khách. Như vậy cùng với hệ thống xe buýt nội thành và kế cận đang ngày càng phát triển với quy mô trên 1000 xe, phục vụ cho 70 tuyến, các điểm trung chuyển xe buýt, hay còn gọi là bến xe buýt như Cầu Giấy, Long Biên…đã và đang làm cho bộ mặt giao thông đô thị Hà Nội ngày thêm văn minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, của cán bộ công chức, học sinh sinh viên đi làm đi học.
Gần đây đoạn đường thông từ cửa chợ Long Biên ra đầu phố Hàng Đậu được bịt lại, nơi đây sẽ là một bến trung chuyển xe buýt lớn, phục vụ sự đi lại của nhân dân. Được biết Sở GTVT Thành phố Hà Nội đã và đang nghiên cứu mô hình vận chuyển xe buýt nhanh (BRT) do đó sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo một loạt các điểm trung chuyển xe buýt tại các bến xe Kim Mã, Mỹ Đình, Sơn Tây, Phùng, Liên Ninh, Thường Tín, Hà Đông và Ba La. /.
Chu Đức Soàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét