Trung – Nhật căng thẳng vì tranh chấp đảo


Thái Bình
Thứ Sáu, 10/9/2010, 19:26 (GMT+7)
Phóng to

Thu nhỏ

Add to Favorites

In bài

Gửi cho bạn bè


Tàu đánh cá Trung Quốc (tàu lớn) và tàu tuần duyên Nhật Bản đụng độ hôm thứ ba, gây căng thẳng giữa hai nước. Ảnh AP
(TBKTSG Online) – Căng thẳng giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản chung quanh vấn đề chủ quyền một quần đảo trên biển Hoa Đông càng lúc càng nghiêm trọng sau khi một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị tàu tuần duyên Nhật Bản bắt giữ hôm thứ Ba.
Ngoại trưởng Trung Quốc hôm nay (thứ Sáu 10-9) yêu cầu Nhật Bản phải thả ngay lập tức thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung Quốc bị phía Nhật bắt sau vụ đụng độ với hai tàu tuần duyên Nhật gần một quần đảo đang tranh chấp giữa hai nước. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã nêu yêu cầu với Đại sứ Nhật Bản Uichrio Niwa sau khi ông này bị triệu tập lần thứ ba liên quan tới vụ việc này.
Vụ đụng độ xảy ra hôm thứ Ba (7-9-2010). Hãng tin AP dẫn thông tin của lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, tàu đánh cá Trung Quốc đã không nghe theo cảnh báo của tàu tuần duyên yêu cầu rời khỏi khu vực, cũng không dừng lại để kiểm tra. Kết quả là thuyền trưởng Zhan Qixiong, 41 tuổi, của tàu đánh cá Trung Quốc bị phía Nhật bắt và chuyển cho cơ quan công tố điều tra hình sự, 14 thủy thủ còn lại bị tạm giữ trên chiếc tàu đậu ở ngoài khơi và có thể bị triệu tập làm nhân chứng.
Vụ việc xảy ra ở gần đảo Kuba – một đảo nhỏ nằm phía bắc quần đảo mà Nhật đang quản lý nhưng có sự tranh chấp của Trung Quốc và Đài Loan. Người Nhật gọi quần đảo này là Senkaku, còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm giữa Đài Loan và Okinawa, cách đảo Đài Loan khoảng 190km về phía đông.
Ngoại trưởng Dương bảo Đại sứ Niwa rằng thuyền trưởng, thủy thủ đoàn và chiếc tàu cá phải được thả ngay lập tức. Ông Dương “nhấn mạnh rằng, quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư và quyền lợi người dân là rất vững chắc và kiên định”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Trong lúc đó tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada hôm nay nói với báo giới rằng ông rất tiếc về việc Đại sứ Niwa bị Ngoại trưởng Dương triệu tập, nhưng “Chúng tôi chỉ thực hiện những công việc phù hợp với luật pháp, bởi vì đã có sự cố ý ngăn cản việc thi hành công vụ trong vùng lãnh hải của chúng tôi”, ông Okada nói.
<a href='http://d1.openx.org/ck.php?n=a7abac81&amp;cb=INSERT_RANDOM_NUMBER_HERE' target='_blank'><img src='http://d1.openx.org/avw.php?zoneid=138489&amp;cb=INSERT_RANDOM_NUMBER_HERE&amp;n=a7abac81' border='0' alt='' /></a>
**
Hôm qua thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Khương Du cũng tố cáo việc Nhật Bản thực thi pháp luật ở khu vực quần đảo này là “phi lý, phi pháp và không có hiệu lực”. Bà Khương Du nhắc lại luận điểm rằng quần đảo Điếu Ngư là phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc và cho biết nước này sẽ điều động tàu ngư chính có vũ trang ra vùng biển đó để bảo vệ ngư dân của mình.
Vụ việc này còn làm bùng lên một làn sóng chống Nhật mang tính dân tộc trên báo chí Trung Quốc. Báo China Daily đăng liên tiếp mấy bài xã luận nhận định vụ việc này sẽ làm xấu quan hệ giữa hai nước và kêu gọi Trung Quốc có lập trường cứng rắn chống lại “mọi đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”, “nỗ lực ngoại giao với Nhật Bản chỉ phí thời gian”. Một vài tờ báo còn đề cao người thuyền trưởng bị bắt như một anh hùng; có báo loan tin rằng bà nội của thuyền trưởng Zhan Qixiong đã bị đột tử vì bị sốc khi nghe tin cháu bị bắt…
Trong khi đó, tại Tokyo, báo Yomiuri Shimbun có lượng phát hành lớn nhất Nhật Bản hôm nay đăng bài nhận định việc bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc là hợp lý trên cơ sở quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền Nhật Bản cả về lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Theo báo này, quần đảo Senkaku không có người sinh sống đã được triều vua Minh Trị xác lập chủ quyền năm 1895 mà không có sự phản đối của quốc gia nào; Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản thông qua tại hội nghị quốc tế San Francisco năm 1951 sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai cũng không liệt kê quần đảo này trong danh sách những vùng lãnh thổ mà Nhật phải từ bỏ chủ quyền.
Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu lên tiếng đòi chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) vào đầu thập niên 1970 sau khi trữ lượng dầu khí lớn ở đáy biển khu vực này được phát hiện, do đó theo báo Yomiuri, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan là không có cơ sở.
Báo này cũng cho rằng việc Trung Quốc điều động tàu ngư chính có vũ trang ra vùng biển này, giống như họ đang làm ở vùng biển Đông, là vi phạm an ninh lãnh thổ của Nhật Bản và có thể dẫn tới những xung đột nghiêm trọng hơn.
Cũng theo báo Yomiuri, thuyền trưởng Trung Quốc có thể sẽ được trả tự do trong vài ngày tới nếu ông ta nhận lỗi và nộp phạt, nếu không thì có thể bị truy tố trước tòa án.
(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét