Kế hoạch đốt kinh Koran- cú sốc mới trong quan hệ Mỹ với thế giới Hồi giáo

Cập nhật lúc : 9:07 PM, 09/09/2010


(VOV) - Điều đáng lo ngại là động thái này diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi Afghanistan sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử và Mỹ cũng sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Những ngày qua, dư luận thế giới phản ứng gay gắt trước kế hoạch đốt kinh Koran của một mục sư người Mỹ nhằm tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 tại New York, Mỹ cách đây 9 năm.
Mặc dù đây chỉ là kế hoạch hành động của một bộ phận nhỏ người dân Mỹ song hệ luỵ của nó thì không nhỏ. Kế hoạch đốt kinh Koran thực sự là một cú sốc mới trong quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo.
Đây không phải lần đầu tiên cuốn kinh Koran trở thành cái cớ để những kẻ hận thù dùng làm vũ khí trả đũa nhau. Vào năm 2008, một lính Mỹ tại Afghanistan từng dùng súng bắn thủng một cuốn kinh Koran. Năm 2005, một thẩm tra viên của Mỹ đã vứt cuốn kinh Koran xuống toilet rồi xả nước để ép cung các tù nhân tại nhà tù ở Goantanamo.
Ngày 11/9, đúng ngày kỷ niệm 9 năm xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng trên đất Mỹ, mục sư Terry Jones tại một nhà thờ nhỏ ở bang Floria, Mỹ lại dự định đốt hàng trăm cuốn kinh Koran nhằm thể hiện sự phản đối đạo Hồi. Các hành động này xảy ra ở thời điểm khác nhau và địa điểm cũng khác nhau, song lại dẫn tới hệ quả giống nhau, đó là châm ngòi cho các hành động xung đột bạo lực giữa lực lượng Mỹ và Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới. Vì thế mà các hành động được cho là báng bổ Đạo Hồi của các công dân Mỹ bị dư luận phản đối gay gắt, không chỉ từ các nước Hồi giáo, mà từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả chính quyền Mỹ cũng coi đây là hành động thái quá và vi phạm các giá trị Mỹ.
Vậy thì tại sao, cách hành xử không đẹp với cuốn kinh Koran cứ lặp lại hết lần này tới lần khác? Điều đó chỉ có thể giải thích rằng “vết thương” của người Mỹ sau 9 năm vẫn chưa kín miệng và sự hằn thù đối với thế giới Hồi giáo là chưa thể xoá bỏ được.
Đành rằng việc đốt kinh Koran tại một nhà thờ nhỏ không thể là hành động đại diện cho toàn nước Mỹ, song phải thừa nhận rằng, sự thù hận vẫn như những ngọn lửa le lói và chực bùng lên bất cứ khi nào. Mục sư Terry Jones không phải không nhận ra những nguy hiểm cho cá nhân ông, cũng như cho nhà thờ của ông khi tuyên bố kế hoạch này bởi đã có hơn 100 lời đe doạ tấn công từ các phần tử Hồi giáo ngay sau đó.
Tuy nhiên, bất chấp những lời đe doạ và sự phản đối của cộng đồng quốc tế, ông Terry Jones vẫn kiên quyết thực hiện kế hoạch đốt kinh Koran vào tối 11/9. Điều đó, ở một khía cạnh khác lại cho thấy, một khi lòng hận thù lên cao thì sự nguy hiểm cũng không là gì cả.
Có thể nói, sự thất bại của Chính quyền Mỹ trong việc ngăn cản nhà thờ của mục sư Terry Jones đốt kinh Koran cũng đồng nghĩa với sự bất lực của Nhà Trắng trước các kế hoạch cải thiện quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo.
Từ khi lên nắm quyền tại Mỹ vào đầu năm 2009, Tổng thống Obama đã cam kết rất nhiều về một sự thay đổi quan điểm đối với các nước Hồi giáo, trên tinh thần xoá bỏ hận thù, tăng cường đối thoại. Song nhìn lại hơn 1 năm qua, mối quan hệ này vẫn chưa có bước đột phá nào. Giờ đây, kế hoạch đốt kinh Koran sẽ là cú sốc mới, khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa Mỹ và các nước Hồi giáo.
Điều đáng lo ngại là động thái này diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi Afghanistan sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử và Mỹ cũng sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Dư luận lo sợ một làn sóng bạo lực với tư tưởng bài Mỹ sẽ nổi lên vào thời điểm này, phá hỏng tiến trình dân chủ vốn đã hết sức mong manh tại Afghanistan. Điều đó sẽ làm khó cho Mỹ và Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO trong các kế hoạch rút chân khỏi chiến trường này bắt đầu từ năm tới.
Còn đối với Mỹ, những gì liên quan tới thế giới Hồi giáo vốn thường gây chia rẽ trong nội bộ chính trường nước này. Và chính quyền Obama sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện cam kết hàn gắn với thế giới Hồi giáo nếu không muốn mất điểm trong cuộc đua sắp tới./.
Thu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét