Quan hệ Mỹ - Trung tan băng?

Cập nhật lúc : 2:54 PM, 09/09/2010

(VOV) - Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng, những dấu hiệu “nồng ấm” này chỉ mang tính thời điểm, phục vụ cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào đầu năm 2011 tới.

Về cơ bản, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vẫn luôn duy trì ở mức “khi cần mới tìm đến với nhau”, “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Câu nói này luôn đúng trong mọi thời điểm và nhất là khi được dùng để ví von mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mỹ và Trung Quốc cũng không nằm ngoài quy luật này. Sau căng thẳng liên quan đến vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, tập trận chung Mỹ - Hàn tại Hoàng Hải liên tiếp mấy tháng qua, chuyến thăm Trung Quốc của hai quan chức Mỹ là Chủ tịch Hội đồng kinh tế Mỹ Larry Summers và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Thomas Donilon hôm 7/9 được đánh giá là chuyến thăm hàn gắn những căng thẳng của hai quốc gia nằm đối diện nhau qua bờ Thái Bình Dương.

Tại cuộc gặp, các quan chức Bắc Kinh và Washington đã dành cho nhau những lời ca tụng “không thể tốt hơn”. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc một mực khẳng định “sự tin cậy chiến lược là nền tảng cho quan hệ hợp tác Trung - Mỹ. Trung Quốc luôn sẵn sàng hợp tác với Mỹ”. Đáp lại, ông Larry Summers và ông Thomas Donilon cũng nồng nhiệt nói rằng “mối quan hệ Mỹ - Trung lành mạnh không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà thậm chí là cả thế giới”. Ngay cả Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng phải lên tiếng rằng “Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với nhau để có thể giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề cũng như thống nhất một nền móng chung cho một quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai”. Dường như trong những lời ca tụng này, không còn thấy bóng dáng của những tranh cãi gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington, vốn tồn tại suốt từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng, những dấu hiệu “nồng ấm” này chỉ mang tính thời điểm, phục vụ cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào đầu năm 2011 tới. Như vậy, có thể xem chuyến thăm Trung Quốc lần này của hai quan chức Mỹ chỉ là cái cớ “làm lành”, để tạo ra “bầu không khí thân tình cởi mở” giữa Washington và Bắc Kinh trước thềm cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước. Một khi chuyến thăm chỉ là cái cớ “làm lành” thì lẽ dĩ nhiên những mục đích cuộc gặp mà hai bên trả lời với báo chí rằng để “khắc phục những khó khăn và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi ổn định” cũng chỉ dừng lại ở những câu nói mang tính ngoại giao.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Thomas Donilon (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 8/9

Điều này không có gì là lạ bởi những cuộc gặp hay đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc từ trước tới nay vẫn được giới phân tích nhận định là mang tính “biểu tượng” nhiều hơn là những kết quả cụ thể. Bởi thực chất, với tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” tại các cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh và Washington như hiện nay, thì khó biết bao giờ hai bên mới đi đến được cái đích thu hẹp bất đồng. Vì thế, dư luận chỉ xem các cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước vẫn là một cơ chế phòng ngừa rắc rối, đổ vỡ chứ không phải để giải quyết vướng mắc giữa các bên.

Cho dù Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định sau chuyến thăm Trung Quốc của hai quan chức Mỹ hôm 7/9 rằng, đối thoại và hợp tác vẫn là xu thế chính trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay, song điều này cũng khó có thể xóa nhòa quan điểm “Mỹ và Trung Quốc không thể nhất trí với nhau trong mọi vấn đề”. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Washington cũng không thể kéo căng mãi một cái dây đàn, “khi cần, hai bên vẫn phải tìm đến với nhau” và vẫn phải cố gắng chung sống cùng nhau trong những sự khác biệt./.

Ngân Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét