Nga đập tan âm mưu 'tạo phản' của Belarus và Kazakhstan

 baodatviet.vn:
Cập nhật lúc :7:59 AM, 29/01/2010
Belarus và Kazakhstan định hợp tác dầu khí, giảm phụ thuộc vào các mỏ dầu của Nga. Tuy nhiên, Moscow dễ dàng “đập tan âm mưu tạo phản".
Từ lâu, Nga là nhà cung cấp, tài trợ dầu và khí đốt chính cho các nước từng thuộc Liên Xô nhằm duy trì “tình cảm tốt đẹp” của những nước này đối với Moscow. Theo đó, các “tiểu quốc” như Ukraine, Belarus...được phép mua dầu thô và khí đốt của Nga với giá rẻ, tinh chế chúng rồi bán sang Tây Âu kiếm lời.

Lấy trường hợp Belarus làm ví dụ, trước ngày 1/1/2010, Nga bán cho Belarus 20 triệu tấn dầu trong năm 2009 với giá rẻ, miễn thuế. Minsk chỉ dùng 6,3 triệu tấn dầu miễn thuế này cho nhu cầu nội địa, số còn lại họ tinh chế rồi bán sang Tây Âu, thu hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm. Còn nếu tính tổng cộng các ưu đãi về thương mại trong lĩnh vực gas, dầu, hàng hóa khác thì Nga dành cho Belarus khoản ưu đãi lên tới…50 tỷ USD.

Nga bán rất nhiều dầu, khí đốt giá rẻ cho Belarus.
Tuy nhiên, từ ba năm qua, Belarus dần thay đổi, cho rằng những ưu đãi của Nga là quá ít và bắt đầu xa lánh Nga, tìm kiếm lợi lộc từ phương Tây.
Tới năm 2008, theo Christian Science Monitor, Belarus bắt đầu tham gia vào chương trình Đối tác phương Đông của Liên minh châu Âu, “chọc tức” Nga bằng cách từ chối đề nghị của điện Kremlin trong việc công nhận quy chế độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia và tới tháng 6/2009, họ lấy lý do “bận việc”, không tham dự cuộc họp thượng đỉnh về an ninh theo đề nghị của Moscow...
Những giọt đắng này tích dần và kết quả là Nga không thể "nhẫn nhịn" thêm nữa. Giờ thì họ tin rằng, Belarus không còn thân thiện như thủa nào, không xứng đáng nhận ưu đãi về dầu, khí đốt như trước.

Quan hệ Belarus - Nga không còn tốt đẹp như trước.
Kết quả là tới ngày 31/12/2009, khi hợp đồng dầu khí Nga – Belarus hết hạn, Nga đòi Belarus trả thêm 2,5 tỷ USD cho khoản dầu mà họ bán cho Belarus với giá ưu đãi; cũng như tỏ ý muốn mua cổ phần trong các công ty năng lượng Belarus...
Sang ngày 1/1, Nga giảm lượng dầu cung cấp cho Belarus, khiến nước này “run sợ” về một viễn cảnh lạnh giá như đầu năm 2009, khi Moscow dừng chuyển gas sang Kiev, khiến Ukraine, Liên minh châu Âu chìm trong băng tuyết hàng tuần liền.

Tuy nhiên, Belarus không dễ đầu hàng, chấp nhận đề nghị của Nga, khiến quan hệ song phương căng thẳng.

Châu Âu chìm trong băng giá hồi đầu năm 2009.
Trong khi Nga – Belarus tranh cãi về hợp đồng năng lượng mới, ngày 19/1, một trong những đồng minh trung thành khác của Nga là Kazakhstan nhảy vào cuộc khi đề nghị thay Moscow, cung cấp dầu cho Minsk. Đại sứ Kazakhstan tại Belarus tuyên bố: “Kazakhstan sẽ cung cấp dầu cho các nhà máy lọc của Belarus”.
Theo tạp chí Time, hành động của Kazakhstan là bình thường trong nền kinh tế tự do. Tuy nhiên, do Belarus, Kazakhstan thuộc vùng ảnh hưởng của Nga nên Moscow coi đề nghị của Kazakhstan là “lời đề nghị khiếm nhã”, việc Kazakhstan, Belarus liên kết là cuộc “tạo phản”.
Sức mạnh Nga
Trước “âm mưu” trên, Nga kiên quyết “trấn áp” và chỉ với vài động tác cứng rắn như "bỗng dưng cắt dầu" ngày 1/1, tăng giá dầu... thì tới sáng nay, điện Kremlin đã thành công khi buộc Belarus ký một loạt hiệp định, chấm dứt những tranh cãi về giá dầu.
Phó thủ tướng Nga Igor Sechin cho biết, các văn kiện mới ký bao gồm “nhiều điều khoản bổ sung vào một hiệp định hai bên ký trước đó về việc vận chuyển dầu từ Nga sang Belarus, định giá dầu và tuyên bố chung về việc trung chuyển dầu từ Nga qua Belarus sang châu Âu”.
Ông Sechin cũng dẫn lời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev rằng, các hiệp định song phương vừa ký hôm qua “phù hợp với lợi ích của các công ty năng lượng Nga và điều chỉnh hợp lý lượng dầu Nga chuyển cho Belarus”.
Belarus cần khoảng 8 triệu tấn dầu mỗi năm cho nhu cầu nội địa trong khi họ chỉ sản xuất được khoảng 1,7 triệu tấn. Đồng thời, mỗi năm họ xuất khẩu khoảng 14 triệu tấn dầu sang Tây Âu sau khi mua của Nga với giá rẻ.
Phó thủ tướng thứ nhất của Belarus là Vladimir Semashko thì phải "ngậm ngùi" thông báo, Minsk sẽ chỉ nhận 6,3 triệu tấn dầu miễn thuế dùng cho nhu cầu nội địa trong năm 2010. Lượng dầu còn lại mà họ bán sang Tây Âu sẽ phải mua với giá cao hơn.
Belarus sẽ phải mua hàng triệu tấn dầu của Nga với giá thị trường.

Kết quả những hợp đồng trên cho thấy, cuộc “tạo phản” tới sáng nay đã thất bại thê thảm. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là kế hoạch "phản loạn" không có cơ sở. Thứ nhất, Kazakhstan cách xa Belarus chứ không gần như Nga, do đó họ không thể cung cấp lượng dầu lớn cho Minsk như Moscow đang làm.
Chưa dừng lại, dù hướng Tây nhiều hơn trước nhưng tới nay, an ninh Belarus hiện vẫn phụ thuộc lớn vào Nga. Điều này được chứng tỏ qua lời thừa nhận của Tổng thống Belarus là ông Lukashenko rằng, việc gây căng thẳng với Nga giống như Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko đã làm, có thể khiến sự nghiệp chính trị của ông chấm dứt.
Do đó, dù phương Tây tiếp tục cáo buộc Nga đang sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị để gây sức ép lên Ukraine và Belarus, những quốc gia trung chuyển nhiều dầu, khí sang phương Tây; rằng hành động của Nga sẽ khiến nhiều nước nhỏ như Azerbaijan, Armenia, thậm chí là Turkmenistan kết thân với phương Tây hoặc Trung Quốc... thì một thực tế vẫn đang tồn tại sừng sững tại châu Âu: Nga vẫn là cường quốc, ít nhất là trong lĩnh vực năng lượng và vị trí của họ chẳng dễ bị thách thức.
Trước khi ký những văn kiện mới vào sáng nay, Nga đề nghị bán cho Belarus 6,3 triệu tấn dầu miễn thuế để Minsk dùng cho nhu cầu nội địa. Lượng dầu còn lại (khoảng 14 triệu tấn) mà Belarus mua của Nga, tinh chế trong nước rồi bán sang châu Âu, sẽ phải mua với giá cao hơn.
Về phía Belarus, nước này đề nghị Nga cung cấp 30 triệu tấn dầu miễn phí và đe dọa sẽ tăng phí trung chuyển dầu từ Nga qua Belarus sang châu Âu từ mức 3,9 USD lên 45 USD mỗi tấn.

Nam Việt (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét