Quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ: “Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tối quan trọng với Mỹ. Do đó, chúng tôi tiếp tục đưa tới đây những gì tốt nhất của quân đội Mỹ như máy bay C-17, F-22 và giờ là RQ-4 Global Hawk”.
Không quân Mỹ hiện hoàn tất việc xây dựng hầm chứa trên và các cơ sở cần thiết khác tại căn cứ Andersen. Do đó, ba máy bay RQ-4 Global Hawk có thể bắt đầu hoạt động từ đầu năm tới. |
Cũng theo nguồn tin này, việc triển khai các máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk sẽ cho phép Mỹ nâng cao hiệu quả làm việc với các đồng minh và đối tác, qua đó thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực. Ngoài ra, chúng có thể giúp Mỹ đối phó với những sự kiện bất ngờ, trong đó có hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
RQ-4 Global Hawk là máy bay không người lái, có khả năng bay ở độ cao 18 km. Nó được trang bị camera công nghệ “cực cao” và máy nghe trộm “siêu nhạy”. Ngoài ra, phi cơ có thể hoạt động liên tục 28 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu. |
Guam là một phần lãnh thổ của Mỹ, chỉ cách Tokyo khoảng 2.500 km về phía Nam và gần biển Đông hơn nữa, thuộc "chuỗi đảo thứ 2". |
Trong khi đó, theo nguồn tin của AP, quân đội Mỹ chuẩn bị tập trận quy mô lớn Lá chắn dũng cảm gần đảo Guam trong tháng này.
Ham đội Thái Bình Dương hôm qua thông báo, một tàu sân bay, nhiều tàu lưỡng cư, lính thủy đánh bộ và không quân…sẽ tham dự sự kiện này.
Mỹ chuẩn bị tập trận lớn. Ảnh minh họa. |
Chỉ trong vài tháng gần đây, Mỹ liên tục tập trận với các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là những nước nằm gần Trung Quốc; cũng như tăng cường tàu chiến, máy bay áp sát nước này.
Trước khi tăng cường RQ-4 Global Hawk tới Guam, Nhà Trắng đồng ý bán cho Đài Loan 6,4 tỷ USD hàng loạt máy bay trực thăng chiến đấu Black Hawk, nhiều hệ thống vũ khí hiện đại khác; cũng như cân nhắc giúp Đài Bắc thiết kế, sản xuất tàu ngầm tân tiến... để thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh.
Ngày 21/5, Mỹ thông báo triển khai tới căn cứ không quân Andersen, Guam và căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản 24 siêu chiến đấu cơ F-22 Raptor, máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 “đáng sợ” nhất thế giới”, có thể tàng hình, tấn công mặt đất và tác chiến trên không, cũng như thu thập thông tin tình báo và tác chiến điện tử. Việc này càng đáng chú ý hơn khi đây mới là lần đầu tiên F-22 được triển khai tới Tây Thái Bình Dương, gần Trung Quốc.
Tới ngày 5/7, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí cho Indonesia, quốc gia đang muốn mua máy bay chiến đấu F-16 và máy bay vận tải C-130H Hercules.
Không chỉ gián tiếp chuyển vũ khí cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh Trung Quốc, Mỹ còn trực tiếp răn đe "con rồng châu Á". BBC đưa tin, trong lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Đông Hải, vào ngày 6/7, Mỹ điều ba tàu ngầm thuộc loại lớn nhất trong Hạm đội 7 tới các cảng ở châu Á – Thái Bình Dương.
Đó là các tàu USS Michigan được điều tới Pusan của Hàn Quốc, tàu USS Ohio tới vịnh Subic của Philippines và tàu USS Florida tới Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Ba tàu này mang tổng số 462 tên lửa Tomahawk chuyên tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Một quan chức quốc phòng lâu năm ở châu Á được trích lời nói: "Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang kiên quyết duy trì vị thế thống lĩnh về quân sự ở khu vực”.
Giải thích cho những hành động quân sự dồn dập, lộ liễu như trên của Mỹ, các nhà nghiên cứu chính trị đưa ra nhiều nhận định khác nhau.
Theo Manichi Daily News, đây được coi là động thái của Mỹ nhằm tăng cường giám sát khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bảo đảm an ninh cho tàu thuyền Mỹ trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại khu vực, điển hình là biển Đông và biển Hoa Đông.
Còn một số nhà phân tích nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang kiên quyết duy trì vị thế thống lĩnh về quân sự ở châu Á. Mỹ muốn cảnh cáo Bắc Kinh và trấn an các nước khác trong khu vực, kể cả đồng minh lẫn không đồng minh của Mỹ, trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, nhất là hải quân.
Còn theo BBC, Mỹ lo ngại nên tăng cường sự hiện diện, liên tục chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc tại Đông Hải và Nam Hải. Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Partick Walsh tuyên bố, các hoạt động của hải quân Trung Quốc "gây quan ngại cho tất cả các bên hiện có mặt ở Thái Bình Dương".
Đô đốc Walsh cho rằng các chuyến bay trực thăng của hải quân Trung Quốc lại gần tàu chiến của Nhật Bản ở Đông Hải và Tây Thái Bình Dương hồi tháng 4 là "vô trách nhiệm". Ông cũng bày tỏ quan ngại về thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông.
Về việc cho rằng Trung Quốc bắt đầu mô tả biển Đông như một trong các "mối quan tâm chủ đạo", Đô đốc Walsh khẳng định: "Đây là vấn đề khiến chúng tôi hết sức quan ngại".
Lực lượng làm Mỹ cũng như nhiều nước lo ngại nhất chính là hải quân Trung Quốc bởi nước này đã và đang đầu tư mạnh cho hải quân. Tới nay, Bắc Kinh có tới 75 tàu chiến loại lớn, 62 tàu ngầm, trong đó là 10 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và ba chiếc được trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa và đang đóng tàu sân bay. Chưa dừng lại, Trung Quốc còn liên tục củng cố quan hệ hải quân với những quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Seychelles, Mauritius và Madagascar ...khiến nhiều nước lo ngại. Theo một nguồn tin của hãng Kyodo, chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc năm 2010 cao gấp 1,5 lần so với công bố chính thức của nước này (khoảng 80 tỷ USD), chiếm khoảng 2,5% GDP. “Đáng ngại” hơn nữa là dự kiến, con số này sẽ tăng gấp hai trong những năm sau năm 2010 và tăng gấp ba sau năm 2020.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét