Một nông dân Đồng Nai quyết kiện Vedan đòi 17 tỷ đồng

Thứ sáu, 10/9/2010, 20:11 GMT+7

Bà Trần Thị Ái Ngọc, nông dân huyện Long Phước, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai vẫn quyết tâm kiện Vedan ra toà dù chiều nay công ty này đã ký thỏa thuận bồi thường gần 120 tỷ đồng với Hội nông dân tỉnh.
> Nông dân Đồng Nai 'nhắm mắt' nhận bồi thường của Vedan

Trước 2 ngày khi thời hiệu khởi kiện Công ty bột ngọt Vedan ra tòa (2 năm sau khi sự việc Vedan bị phát hiện, 9/2008) hết hiệu lực, Hội nông dân tỉnh Đồng Nai đã cùng Vedan ngồi lại để ký thỏa thuận bồi thường gần 120 tỷ đồng.

Phía Vedan có luật sư Hoàng Như Vĩnh, Trần Văn Khanh, Tổng giám đốc Vedan Yang Kun Hsiang, đại diện cho Đồng Nai là hội nông dân tỉnh và huyện (không có luật sư). Buổi ký kết thoả thuận bồi thường phải dừng giữa chừng để Vedan hội ý về trường hợp chỉ còn 1 người kiện.

Tổng giám đốc Vedan Việt Nam mướt mồ hôi vì vẫn còn một người dân kiên quyết kiện ra toà. Ảnh: Kiên Cường

"Bà Ngọc, đại diện cho doanh nghiệp Viễn Đông có 28 ha, theo tính toán của Viện Môi trường, bà Ngọc chỉ được đền bù gần 900 triệu đồng, nhưng bà này đòi 17 tỷ đồng theo tính toán của riêng mình nên vẫn kiên quyết kiện. Khoảng 3h chiều hôm qua chúng tôi vẩn gọi điện cố gắng thuyết phục thêm lần nữa nhưng không thành", ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch hội nông dân huyện Long Thành cho biết.

Nhiều ý kiến đưa ra nhằm giải quyết ổn thoả vấn đề này được ghi nhận, cuối cùng, sau gần 3 tiếng bàn bạc, Vedan và Hội nông dân đã ký thoả thuận bồi thường cho hơn 5.000 hộ dân với số tiền là gần 120 tỷ đồng. Trường hợp bà Ngọc được lập thành một mục riêng trong văn bản.

Cụ thể, 50% số tiền trong gần 120 tỷ đồng cùng 1 tỷ đồng tiền chi phí khảo sát môi trường của các cơ quan chức năng sẽ được Vedan chuyển giao cho Đồng Nai trong vòng 7 ngày kể từ hôm nay.Thư bảo lãnh của ngân hàng cũng được chuyển trong đợt này nhằm đảm bảo Vedan chi trả nốt số còn lại trước ngày 14/1/2011.

Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đồng Nai Trần Như Độ vui mừng sau khi biên bản được ký. Ảnh: Kiên Cường

Về trường hợp công ty Viễn Đông, văn bản nêu rõ hai bên sẽ vẫn tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận và thực hiện đúng như những nội dung đã cam kết như trên (trước đó Vedan khẳng định sẽ chỉ trả tiền bồi thường khi không có bất cứ người dân nào khởi kiện).

Trong trường hợp Công ty Viễn Đông không đồng ý nhận tiền, các bên tham gia ký kết biên bản này sẽ phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng sẽ giải quyết sau.

"Nếu Công ty Viễn Đông tiếp tục khởi kiện, thì vụ việc sẽ do tòa Án giải quyết. Khi đó, Vedan Việt Nam sẽ là bị đơn. Các bên tham gia ký kết biên bản thỏa thuận này, cùng với chính quyền, các cơ quan chức năng và Viện Môi trường và Tài nguyên sẽ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan", biên bản thoả thuận ghi rõ.

Ngay sau khi hai bên ký thoả thuận, tổng giám đốc Vedan đã vui vẻ bắt tay từng thành viên bên phía Đồng Nai.

Kiên Cường

Thứ sáu, 27/8/2010, 19:56 GMT+7

Nông dân Đồng Nai 'nhắm mắt' nhận bồi thường của Vedan

Hàng nghìn nông dân huyện Long Thành - Đồng Nai sáng nay đã lần lượt đến các điểm để điền vào phiếu ý kiến có hay không kiện Vedan. Như dự đoán, đa số mọi người đồng ý chấp nhận gần 120 tỷ đồng tiền bồi thường của công ty này dù không biết bản thân sẽ nhận được bao nhiêu.
> Đồng Nai ngày càng rối trong vụ Vedan / Đồng Nai lấy ý kiến dân về việc kiện Vedan

Từ 8h sáng, trong ngày đầu tiên phát phiếu lấy ý kiến, khu vực xã Phước Thái và Long Phước của huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai nhộn nhịp hẳn, từng tốp nông dân rủ nhau đến các điểm để nhận và đánh vào phiếu lấy ý kiến.

Nông dân đang đánh dấu vào phiếu lấy ý kiến sáng nay tại Đồng Nai. Ảnh: Kiên Cường.

"Không nhận cũng không được", "kiện thì biết chừng nào", "thôi, được nhiêu hay bấy nhiêu"... là những câu nói được người dân thốt ra khi tay vẫn phải điền vào ô: chấp nhận tiền bồi thường của Vedan.

"Giờ ở đây dân đồng ý hết rồi, mình không đồng ý đâu có được, đa số thắng thiểu số mà, tôi đi nhận phiếu đánh dấu giùm cho cả chục nhà", ông Bùi Ngọc Truyền, nhà ở ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành cho biết.

Tại địa điểm bỏ phiếu này, hầu hết mọi người đều chung ý kiến là chấp nhận tiền bồi thường của Vedan chứ không muốn kiện nữa dù còn không ít thắc mắc mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền. Nhiều người trong số đó đã nộp đơn lên tòa.

Gần đó, địa điểm bỏ phiếu của 3 ấp: Hiền Hòa, ấp 3 và Hiền Đức cũng tương tự. Đông đảo người dân tập trung từ rất sớm, ban tổ chức phải dùng loa để hướng dẫn mọi người. "Trước đây, tôi nộp đơn lên tòa kiện đòi Vedan bồi thường 240 triệu đồng thiệt hại trong 10 năm đánh bắt nhưng giờ nhờ nhà nước tính toán giùm nên tôi tin tưởng chọn việc chấp nhận mức Vedan bồi thường", ông Mai Quang Chiến, một nông dân nói.

Tuy nhiên, vẫn có những người khẳng định quan điểm của mình khi không chấp nhận mức bồi thường của Vedan. "Tôi không biết được mình sẽ có bao nhiêu tiền bồi thường trong số gần 120 tỷ đồng của Vedan nên tôi vẫn kiện. Con số tôi kiện lên tòa đòi bồi thường là khoảng 3 tỷ đồng trong 10 năm nuôi tôm", bà Nguyễn Thị Lệ Hoa ở ấp Phước Hòa, xã Long Phước huyện Long Thành nói chắc.

Địa điểm bỏ phiếu tại ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành đông đảo nông dân đến từ sáng sớm nay. Ảnh: Kiên Cường

Thống kê của cơ quan chức năng huyện Long Thành, đến cuối ngày, xã Long Phước đã thu lại 522 phiếu của nông dân, trong đó chỉ có 3 phiếu không đồng ý nhận tiền bồi thường của Vedan. Xã Phước Thái thu về tổng cộng 1.567 phiếu, có 2 phiếu không đồng ý nhận tiền bồi thường và 29 phiếu chấp nhận tiền bồi thường nhưng không đồng ý rút đơn đã nộp lên tòa. Huyện Nhơn Trạch ngày mai bắt đầu phát phiếu lấy ý kiến cho người dân.

Hiện tỉnh Đồng Nai có khoảng gần 5.000 hộ bị ảnh hưởng của 4 xã Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch), Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành) trong vụ Vedan. Trong khi đó, đã có hơn 3.000 đơn được người dân nộp lên toà án kiện công ty này.

Ngày 16/8, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định sẽ lấy ý kiến người dân về việc có kiện công ty này hay nhận tiền bồi thường. Ngày 20/8, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cùng các huyện, xã bị thiệt hại trong vụ Vedan họp nhằm đến mục đích: Tìm cách nói sao cho người dân chấp nhận mức đền bù 120 tỷ đồng.

Kiên Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét