“Giếng vua” trên đảo Lý Sơn

Thứ Ba, 07/09/2010 - 10:24

(Dân trí) - Nằm cách mép nước biển khoảng 5m, nhưng nước giếng không bị nhiễm mặn bao giờ và cũng chưa lúc nào cạn. Nhờ thế mà hàng ngàn người dân đảo Lý Sơn chống chọi qua bao mùa đại hạn và họ thành kính gọi giếng này là “giếng vua”.

Từ cảng Lý Sơn xuôi về UBND huyện, qua bệnh viện Lý Sơn một đoạn chừng vài trăm mét (ở giữa đoạn đường từ xã An Vĩnh sang xã An Hải), rẽ phải men theo con đường nhỏ giữa những đám hành tỏi xanh rì, ra sát mép biển thì sẽ gặp giếng nước này.
Giếng nước được ghép bằng những viên đá cuội to chồng lên nhau.

Giếng có đường kính khoảng hơn 1m, sâu chừng 6m, được xây bằng những viên đá cuội to xếp chồng lên nhau. Mực nước thường ổn định nên chỉ cần thả gầu là có.

Theo nhiều người dân cho biết, mùa mưa, nước giếng có thể trào lên thành giếng và chảy ra biển. Trên đảo Lý Sơn còn có khoảng 3 - 4 giếng nước khác nhưng mùa hè đều khô cạn hoặc nhiễm mặn, không dùng được. Thế nên giếng không cạn này trở thành “báu vật” duy trì nguồn sống cho hơn 22.000 cư dân đảo.

Hàng ngày, cư dân ở đảo vẫn rồng rắn xếp hàng để lấy nước ngọt từ giếng nước này nhưng giếng vẫn không cạn. Nước trong giếng vẫn cứ trong xanh, ngọt ngào dù chỉ cách mép nước biển chừng 5m.
Dù chỉ cách mép nước biển 5m nhưng nước giếng không bao giờ nhiễm mặn.

Hiện có nhiều giả thuyết về “giếng vua” này được lưu truyền trong nhân dân. Tương truyền giếng nước trên là do vua Gia Long ban. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé Cù Lao Ré (nay là đảo Lý Sơn). Lúc ấy là thời điểm dân đảo gặp cảnh khô hạn chưa từng có. Là thiên tử cai quản muôn dân, vua Gia Long lập đàn tế trời cầu mưa. Sau đêm tế trời, vua nằm mộng và được chỉ báo về địa điểm đào giếng nước ngọt. Hôm sau, vua sai người đào giếng ở chỗ đó. Quả nhiên, nước nhiều, ngọt và mát. Từ đó, người dân ở đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là “giếng nước vua ban” hay “giếng Gia Long”.

Song cũng có một giả thuyết khác là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Đang mùa nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt bị cạn kiệt, ông cho quân sĩ đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc sinh mệnh của Nguyễn Ánh và quân sĩ như “ngàn cân treo sợi tóc” thì ông nằm mơ thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, ông sai người đến đúng vị trí đã mách bảo. Quả nhiên, giếng mới chỉ đào sâu chừng hơn một mét là đã thấy nước ngọt.

Tuy nhiên, theo sử sách để lại những năm Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chưa bao giờ có mặt tại mảnh đất miền Trung. Vì vậy, sẽ không có chuyện Nguyễn Ánh cùng quân sĩ của mình trôi giạt ra Lý Sơn để đào giếng nước này.

Một giả thuyết nữa có lẽ đúng với thực tế hơn. Đây là giếng nước của người Chăm - cư dân cổ xưa có mặt trên đảo Lý Sơn - đào cách đây hàng trăm năm. Nhiều tỉnh ở miền Trung thường có những “giếng Vua” như thế. Đặc điểm của các giếng nước này là nằm gần biển, được xây bằng loại đá ong hoặc gạch Chăm cổ.

Người Chăm rất giỏi phong thủy nên việc chọn nơi đào giếng để tìm nguồn nước ngọt giữa tứ bề nước mặn là việc hiển nhiên. Cùng với tháp Chăm và nhiều công trình văn hóa khác, nghệ thuật chọn vị trí đất để đào giếng và xây thành chống xâm nhập mặn cũng là một bí ẩn nữa của người Chăm cổ.

Dù là giả thiết nào thì tên gọi “giếng vua” cũng thể hiện sự trân trọng của người Lý Sơn đối với một nguồn nước ngọt mà cư dân trên đảo đã sử dụng hàng trăm năm nay. Sự tồn tại của “giếng vua” như chiếc “phao cứu sinh” cho hàng ngàn người dân trên đảo Lý Sơn mỗi mùa khô hạn.

Công Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét