Tham gia cuộc tập trận lần này có các nước thành viên SCO như Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tagikistan. Uzbekistan dù được mời nhưng không tham dự.
Địa điểm luyện tập là Kazakhstan. |
Interfax đưa tin, cuộc tập trận diễn ra từ 9 đến 25/9 theo ba giai đoạn: thứ nhất là tham vấn tại Alma-Ata, thứ 2 là chuẩn bị chiến dịch chung chống khủng bố và cuối cùng là tiến hành chiến dịch.
Tham mưu trưởng quân đội các nước SCO phát lệnh tập trận và cuộc diễn tập đang ở giai đoạn thứ nhất. Các tướng lĩnh đang tham vấn về những nội dung "huy động quân đội trong những tình huống khủng hoảng", trước khi bắt đầu hai giai đoạn sau.
Cuộc tập trận chung gần đây nhất của SCO được tổ chức năm 2007 tại vùng Chelyabinsk thuộc Ural của Nga. |
Để tìm hiểu rõ hơn về cuộc tập trận của SCO, Ria Novosti phỏng vấn Phó giám đốc thứ nhất Học viện các vấn đề địa chính trị Konstantin Sivkov. Ông này cho rằng, các cuộc tập trận của SCO rất quan trọng mà mục đích lớn nhất là ngăn chặn sự tái diễn của “cách mạng nhung” trong không gian hậu Liên Xô, giống như cách mạng Cam ở Ukraine và cách mạng hoa tulip ở Kyrgyzstan trước đó.
Giải thích rõ hơn, ông Sivkov cho biết, chủ nghĩa khủng bố đang bị thổi phồng. Trong 10 năm qua, bọn khủng bố giết hại chưa tới 10.000 người. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh với lý do chống khủng bố đưa quân vào Iraq, Afghanistan và khiến số người chết cao hơn con số 10.000 rất nhiều lần.
Nói cách khác, Mỹ đang cường điệu về nguy cơ do bọn khủng bố gây ra, biến nó thành cơ sở để mở rộng hoạt động quân sự, củng cố vị trí siêu cường trên thế giới. Họ tấn công các đối thủ chính trị dưới vỏ bọc chống khủng bố và không gian hậu Liên Xô đang là một trong những mũi tấn công của phương Tây.
Các cơ quan bí mật của Mỹ đang tích cực hoạt động, gia tăng ảnh hưởng trong không gian hậu Liên Xô và họ không từ bỏ bất kỳ phương pháp nào. Trong bối cảnh đó, việc SCO tăng cường tập trận chung làm phương Tây lo lắng nhưng với các nước trong khu vực, đây là việc rất quan trọng trong việc ổn định an ninh, đảm bảo hòa bình, chống sự mở rộng của Mỹ và đồng minh.
Còn nhà nghiên cứu Daniel Darling nhận định, Nga và Trung Quốc có nhiều lợi ích ở không gian hậu Liên Xô. Nga coi đây là vùng ảnh hưởng truyền thống từ hàng trăm năm nay. Còn với Trung Quốc, đây là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho họ phát triển kinh tế, nhất là dầu và khí đốt. Do đó, hai nước biến SCO thành công cụ “kiểm soát” khu vực.
SCO tập trận để ổn định không gian hậu Liên Xô. |
Quá trình hình thành
SCO có tiền thân là nhóm Thượng Hải 5 (Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan), được thành lập năm 1996. Tới năm 2001, Thượng Hải 5 kết nạp Uzbekistan và đổi tên tổ chức thành tên như hiện nay, một tổ chức an ninh chung liên Chính phủ.
SCO được hình thành theo sáng kiến của Bắc Kinh với nhiệm vụ ban đầu là giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô như Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan...
Sau khi kết nạp thêm Uzbekistan, SCO có thêm nhiệm vụ mới là chống ma túy, chủ nghĩa khủng bố và ly khai trong khu vực. Năm 2003, SCO còn hoạt động nhằm hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên.
SCO ngày càng mở rộng. |
Tới năm 2005, thông qua việc cấp "Quy chế quan sát viên" cho các nước gồm Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ, SCO mở rộng được ảnh hưởng của mình không chỉ ở Trung Á mà còn cả ở các nước Nam Á.
Hiện cả Iran, Ấn Độ và Pakistan đều mong muốn trở thành thành viên của tổ chức này. Mỹ cũng mong muốn làm quan sát viên nhưng chưa được chấp nhận.
Nga và Trung Quốc là hạt nhân của SCO. |
SCO có tiềm lực rất lớn, chiếm 25% dân số thế giới, 60% diện tích lục địa Á, Âu... giúp SCO đủ tiềm năng làm đối trọng của NATO sau khi Khối hiệp ước Warsaw tan rã.
Ngoài ra, SCO đang tìm mọi cách nâng cao vị thế, sức mạnh bằng nhiều biện pháp, nhất là khả năng thiết lập một loạt cơ chế chặt chẽ với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Cộng đồng kinh tế Âu-Á, Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Nếu thực hiện thành công những kế hoạch này, tầm ảnh hưởng của SCO sẽ không chỉ giới hạn ở châu Á và Trung Á mà sẽ vươn tới tận châu Âu để đối trọng hữu hiệu với NATO.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét