Vụ 22 bệnh nhân bị nhiễm trùng sau mổ mắt: Bồi thường không thỏa đáng
>> Bệnh nhân chuẩn bị thủ tục khởi kiện bệnh viện
TT - Bệnh viện Mắt TP.HCM đã mời một số bệnh nhân bị nhiễm trùng sau mổ mắt đến nhận tiền bồi thường với mức quá khiêm tốn.
Các nạn nhân của vụ nhiễm trùng sau mổ mắt và người nhà kê khai thiệt hại để đòi bồi thường tại văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM) - Ảnh: Thế Kiệt |
Một trong những bệnh nhân bị nhiễm trùng sau mổ mắt tại Bệnh viện Mắt TP do chất chỉ thị màu trypan blue (lô SV 9025 do Hãng Khosla, Ấn Độ sản xuất; Công ty TNHH thiết bị kỹ thuật y khoa Việt Mỹ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM nhập khẩu và phân phối) đã nhận tiền bồi thường trong sáng 8-9 là ông Trần Trọng Tài (73 tuổi, ở Đắk Lắk). Ông Tài cho biết số tiền 8 triệu đồng mà bệnh viện nói bồi thường cho ông bao gồm các khoản: bồi thường thiệt hại sau mổ mắt bị mù là 5 triệu đồng, tiền mua bảo hiểm y tế năm năm 2 triệu đồng, tiền đi lại là 1 triệu đồng. Dù nhận tiền nhưng ông Tài vẫn khẳng định vì hoàn cảnh khó khăn nên phải nhận, chứ ông không đồng ý với mức bồi thường này. Ông đã nói rõ điều này với ban giám đốc Bệnh viện Mắt TP.
Nhận ngay: 8 triệu đồng/người. Nhận “góp”: 12 triệu đồng
Bà Nguyễn Thị Phần (71 tuổi, Long An) - sau khi mổ mắt trái bị mù hoàn toàn và bị tụt sâu vào trong hốc mắt - cũng nhận tiền bồi thường sáng 8-9. Bà Phần thở dài nói: “Thôi thì phải nhận chứ biết làm sao bây giờ”. Một số bệnh nhân khác cũng nhận 8 triệu đồng còn cho biết lãnh đạo bệnh viện có đưa ra hai phương án bồi thường: 8 triệu đồng nếu nhận bồi thường ngay một lần, nếu để bệnh viện trả dần qua tài khoản trong vòng năm năm (mỗi tháng 200.000 đồng) thì sẽ được 12 triệu đồng. Một số bệnh nhân đã ký nhận 8 triệu đồng nhưng cũng có nhiều người không đồng ý và tỏ ra bức xúc.
Bệnh nhân Huỳnh Thúc Sung cho biết ban giám đốc bệnh viện đã làm việc với ông và đưa ra mức bồi thường nhưng ông không đồng ý vì cho rằng không thỏa đáng. Một số bệnh nhân ở tỉnh xa thì nói số tiền 8 triệu đồng không đủ chi phí đi lại, ăn uống cho việc đi tái khám trong thời gian qua.
Chưa biết “túm” ai!?
Trả lời về việc bồi thường cho bệnh nhân, bà Trần Thị Phương Thu - giám đốc Bệnh viện Mắt TP - nói bệnh viện đã hoàn trả viện phí phẫu thuật cho bệnh nhân, hỗ trợ ba tháng tái khám, cấp thuốc miễn phí. Nếu mắt thứ hai của bệnh nhân cũng bị đục thủy tinh thể cần phải mổ, bệnh viện sẽ mổ miễn phí và hỗ trợ một triệu đồng tiền đi lại.
9 bệnh nhân kiện bệnh viện Hiện văn phòng luật sư Người Nghèo đã nhận chín hồ sơ nhờ hỗ trợ khởi kiện bệnh viện, trong đó có hai hồ sơ hoàn chỉnh có thể gửi đơn khởi kiện bệnh viện được ngay. Hai hồ sơ khởi kiện đã hoàn chỉnh là của bà Nguyễn Thị Tuyết (79 tuổi, Cà Mau) và bà Giang Muỗi Muỗi (58 tuổi, Q.3, TP.HCM). |
Bệnh viện yêu cầu nhà sản xuất Khosla bồi thường bao nhiêu và dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức bồi thường này? Trả lời câu hỏi này, bà Phương Thu nói: “Công ty Khosla trả lời là chất chỉ thị màu do một công ty khác ở Ấn Độ sản xuất gia công cho Khosla và công ty gia công này là một công ty nhỏ”. Vậy bệnh viện có trách nhiệm gì khi mua hàng không kiểm tra nguồn gốc? “Cả thế giới cũng bị thế. Mình uống sữa của hãng nổi tiếng cũng có khi bị trúng thực chứ” - bà Phương Thu trả lời.
Theo bà Thu, bệnh viện yêu cầu nhà sản xuất bồi thường gần 400 triệu đồng nhưng Công ty Khosla chỉ bồi thường 15.000 USD (gần 300 triệu đồng) cho cả bệnh viện và bệnh nhân. Trong đó họ chỉ bồi thường 5.000 USD tiền mặt, còn lại là bằng dụng cụ y tế. Bệnh viện chấp nhận mức bồi thường này? Bà Thu cũng cho rằng mức bồi thường chưa thỏa đáng nhưng “chưa túm được họ thì chưa biết làm sao”.
98 triệu đồng/người là mức bồi thường ít nhất
Ngay sáng qua, hàng chục bệnh nhân và người nhà đã tìm đến văn phòng luật sư Người Nghèo (Q.3, TP.HCM) để phản ảnh việc bồi thường và nhờ tư vấn.
Luật sư Trịnh Thanh - trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo - nói nếu nhà sản xuất thông qua bệnh viện bồi thường có 8 triệu đồng là quá thiệt thòi cho bệnh nhân. Theo quy định của pháp luật, bệnh nhân phải được bồi thường nhiều khoản thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần. Về thiệt hại vật chất bao gồm tiền đi lại, tiền ở bệnh viện, tiền người chăm sóc, việc mất thu nhập vì phải nghỉ bệnh, nếu mắt sau này bị múc bỏ phải lắp mắt giả thì cũng phải chi phí cho bệnh nhân, bồi thường chi phí khám chữa mắt bị sự cố cho đến khi họ mất chứ không chỉ là mua bảo hiểm y tế trong 5 năm... Về tinh thần, bệnh nhân phải được bồi thường thiệt hại bằng 30 tháng lương tối thiểu (khoảng 24 triệu đồng)...
Theo tính toán sơ bộ của văn phòng luật sư Người Nghèo, mức bồi thường tạm tính cho bệnh nhân đã hoàn thiện hồ sơ khởi kiện lên đến hơn 97-98 triệu đồng/người. Theo luật sư Thanh, nếu khởi kiện bệnh viện thì số tiền bồi thường có thể còn tăng lên nhiều. Thậm chí, nếu bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Mắt không khỏi hẳn, phải ra nước ngoài điều trị, bệnh viện cũng phải bồi thường. Ngoài việc kiện ra tòa, văn phòng luật sư còn có thể gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cấm nhập khẩu chất chỉ thị màu này vào VN. Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu của việc thiếu tinh thần trách nhiệm khi khám chữa bệnh, văn phòng luật sư sẽ gửi đơn kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc.
LÊ THANH HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét