(VnMedia) - Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo Quyết của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, trong khoảng gần 1 tháng qua, Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo thu nhận các ý kiến đóng góp cho “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” của các hội chuyên ngành trung ương và các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực: quy hoạch đô thị và kiến trúc, xây dựng, cầu đường, giao thông, kinh tế, môi trường, lịch sử, xã hội học v,v…
Đồ án còn nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp và thiếu tính khả thi - ảnh: Tuệ Khanh |
Theo đó, tổng hợp các ý kiến cho thấy đồ án còn nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp và thiếu tính khả thi, cần phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tránh những hậu quả không đáng có…
Một trong các vấn đề của đồ án mà Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đặc biệt quan tâm, đó là tầm quan trọng của Bản Đồ án đối với tính ổn định xã hội.
Ai cũng biết, quy hoạch trực tiếp tác động đến lợi ích của cộng đồng dân cư và có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp bao gồm đất đai, sinh kế, các dự án đã định hình, môi trường tự nhiên và xã hội, văn hoá, tín ngưỡng… Do vậy, Vusta lo ngại rằng, nếu không có các định hướng giải pháp phù hợp thì có thể Bản Đồ án sẽ không những không đáp ứng được lợi ích đáng có mà còn đi ngược lại lợi ích hợp lý của cộng đồng. Trong trường hợp như vậy, có thể phát sinh nhiều vấn đề gây mất ổn định xã hội.
Thực tế cũng đã chứng minh điều lo ngại trên khi trong thời gian vừa qua, tình trạng đất đai đã trở nên hết sức lộn xộn ở khu vực Ba Vì, mà VnMedia đã phản ánh trong một loạt bài.
Nếu không có các định hướng giải pháp phù hợp thì có thể Bản Đồ án không những không đáp ứng được lợi ích đáng có mà còn đi ngược lại lợi ích hợp lý của cộng đồng - ảnh: Tuệ Khanh |
Đồ án sửa đổi lần này đã khẳng định Trung tâm Hành chính - Chính trị Quốc gia tại Ba Đình và một số địa điểm xây dựng trụ sở Bộ, Ngành gần trung tâm thành phố. Thời gian vừa qua, dư luận đã tỏ ra đồng tình với quan điểm này và Vusta cũng vậy. Tuy nhiên, Đồ án vẫn đề xuất giữ lại đất Ba Vì để làm quỹ dự trữ. Theo Vusta, điều này là không hợp lý vì từ nay đến năm 2020, các bộ ngành đã ổn định.
Mặt khác, Vusta cho rằng, với chính phủ điện tử thì chắc chắn chức năng quản lý nhà nước sẽ được cải thiện nhiều so với hiện nay, do đó, sẽ không cần một quỹ đất quá lớn cho tương lai. Mặt khác, trong khi Ba Vì là khu sinh thái lớn, lá phổi quý báu của Hà Nội, có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, vì vậy cần phải gìn giữ, bảo vệ, thì Hà Nội mở rộng lại có diện tích rất lớn, hoàn toàn có thể dùng các khu vực khác để dự trữ đất xây dựng.
Giữ đất Ba Vì làm quỹ dự trữ là không hợp lý - ảnh: Tuệ Khanh |
Trục Thăng Long lâu nay vẫn là vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm. Đã có nhiều ý kiến phản đối, trong đó đặc biệt là ý kiến của UBND Thành phố Hà Nội đã kiến nghị là không cần thiết và quá lãng phí, nhất là khi không còn ý định “dời đô” lên Ba Vì. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Xây dựng đã lên tiếng “bảo lưu” ý tưởng này và cho đó là cần thiết.
Còn theo Vusta thì việc đề xuất làm con đường này là thiếu căn cứ khoa học, nhất là khi Hà Nội đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32... Vusta cho rằng, dự báo tăng dân số của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây lên đến gần một triệu người là không có cơ sở và làm con đường này là gây lãng phí đất đai, không phù hợp với tổ chức giao thông và cảnh quan đô thị.
Một đề xuất nữa của Đồ án mà Vusta đánh giá là không phù hợp, đó là “Trung tâm hành chính của Thành phố giữ nguyên vị trí hiện nay”.
Theo Vusta, hiện trạng Trụ sở của Thành uỷ, UBND, HĐND, các Sở nói chung đã rất xuống cấp, chật chội, không xứng tầm với cơ quan đầu não của Thủ đô. Vì vậy, Vusta đề xuất định hướng việc xây mới, cải tạo nâng cấp các cơ quan này theo hướng xây mới ở khu vực Hồ Gươm. Trên cơ sở nghiên cứu chỉnh trang đồng bộ, điều chỉnh quy hoạch đã có để khu vực hồ Gươm xứng đáng là khu trung tâm hành chính, chính trị và lễ hội của thành phố.
Trước đây, đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia về địa thế của khu vực Hồ Tây. Chính UBND Thành phố Hà Nội cũng cho rằng khu vực này đáp ứng được yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ, ngành của Chính phủ. Còn theo Vusta, khu vực này được đánh giá là yếu địa quốc gia cần được quản lý chặt chẽ, kế thừa ưu điểm của các đồ án quy hoạch đã nghiên cứu, tránh tình trạng giao trắng cho người nước ngoài tự quyết các chức năng nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì.
Với những vấn đề nêu trên, cộng thêm với những đánh giá về định hướng nhà ở, định hướng phát triển công nghiệp, định hướng phát triển giao thông, các vấn đề môi trường, văn minh đô thị… mà Vusta cho rằng đồ án còn chưa làm rõ, Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam kiến nghị lên Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thông qua “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” như đồ án đã trình.
Theo đó, cần hoàn chỉnh, bổ sung lấy ý kiến thống nhất để trình duyệt Đồ án. Thêm vào đó, Liên hiệp cũng kiến nghị, khi có Đồ án chính thức thì đề nghị giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia làm một trong các bên của Việt Nam phản biện độc lập cho Đồ án, bởi hiện nay chỉ có hai cơ quan phản biện nước ngoài.
Tuệ Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét