Cập nhật 16:05 ngày 04-09-2010 | |
NDĐT - Mumi là nhân vật truyện tranh được ưa thích nhất ở Phần Lan, trong bộ truyện viết về Mumi (Moomins) của nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc Phần Lan Tove Jansson (1914-2001). Một cuốn trong bộ truyện này vừa được nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc, với sự hợp tác của Đại sứ quán Phần Lan, mang tên “Chiếc mũ của phù thủy”.
Mumi – biểu tượng văn hóa của Phần Lan
Đây là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên của Phần Lan được dịch và giới thiệu tới bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Các nhân vật Mumi được nhà văn Tove Janssen xây dựng bằng một trí tưởng tượng phong phú, ngây thơ, gần gũi với trẻ em và hấp dẫn cả các độc giả trưởng thành. Ngài Đại sứ Phần Lan Pekka Hyvonen mô tả: “Mumi không phải là người, không phải là vật, cũng không phải là những người lùn hay người khổng lồ. Đó đơn thuần chỉ là bản thân Mumi, giống như những nhân vật trong truyện cổ tích. Bạn chính là bạn””. Mumi được mô tả với vẻ bề ngoài ngộ nghĩnh, chiếc mõm dài, thân hình mũm mĩm, da trắng muốt. Gia đình Mumi và những người bạn của họ qua các câu chuyện dung dị đầy tính nhân văn đã mở cánh cửa đưa người đọc tới Phần Lan, xứ sở của tuyết trắng, quê hương của ông già Tuyết, cực Bắc của châu Âu.
Trong bức thư gửi tới bạn đọc Việt Nam in kèm trong cuốn sách “Chiếc mũ của phù thủy”, Tổng thống Phần Lan Tarja Halone đã viết: “Đã từ lâu các nhân vật của bộ truyện này luôn hiện diện và gần gũi trong ngôi nhà của chúng tôi… Tôi hy vọng rằng sau khi đọc xong, bạn đọc Việt Nam cũng yêu thích gia đình Mumi. Có thể cuốn sách sẽ khơi gợi ước muốn được làm quen với thế giới Mumi, và biết đâu cả với quê hương của Mumi ở phương bắc xa xôi một cách kỹ lưỡng hơn…”.
Đại sứ Phần Lan Pekka Hyvonen chia sẻ: “Tôi đã đọc những quyển truyện về Mumi và Maire, đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Các con tôi cũng đọc. Thực tế là tất cả trẻ em Phần Lan đều đã đọc truyện Mumi, có thể ở nhà trẻ, thư viện hay ở nhà”.
Ngài Đại sứ và phu nhân chủ trì trò chơi đố vui về Mumi.
Những nhân vật Mumi đáng yêu, không những thế, còn đã bước ra khỏi trang sách và trở thành đề tài của nhiều loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, opera, phim truyền hình, trò chơi… không chỉ ở Phần Lan mà còn ở nhiều nước khác. Bộ phim “Những câu chuyện ở Thung lũng Mumi” do Nhật Bản và Phần Lan phối hợp sản xuất vào năm 1990-1992, dài 104 tập, đã rất được khán giả yêu thích trong hơn một thập kỷ qua.
Ở Phần Lan, Mumi còn có riêng một bảo tàng ở Tampere, một khu vui chơi giải trí mang tên Thế giới Mumi ở Naantali. Hình ảnh Mumi cũng xuất hiện nhiều trên các sản phẩm kinh tế, văn hóa… và đang trở thành một đại sứ thương hiệu của Phần Lan.
Sau Mumi sẽ là…
Bộ sách của nữ nhà văn Tove Jansson tính đến nay đã được dịch ra 42 thứ tiếng trên khắp thế giới. Báo Bưu điện Washington nhận xét: “Đây là một cuốn sách đáng đọc, không chỉ cho trẻ em mà cho cả người lớn”. Còn tờ Hereford Times khẳng định: “Một món quả tuyệt vời nều bạn là một đứa trẻ, hay có một đứa trẻ hoặc từng là một đứa trẻ. Ai có thể không bị cuốn hút bởi Tove Jansson”.
Cuốn “Chiếc mũ của phù thủy” là cuốn truyện thứ 3 về Mumi, ra đời năm 1948 nhưng lại là tác phẩm đánh dấu thành công lớn của bộ sách và nhà văn Jansson. Sau khi ra đời 2 năm, cuốn sách được dịch ra tiếng Anh và từ đó tên tuổi của Mumi và Tove Jansson bắt đầu được biết đến trên thế giới.
Bạn đọc nhỏ tuổi xin chữ ký của ngài Đại sứ.
“Chiếc mũ của phù thủy” do dịch giả Võ Xuân Quế chuyển ngữ và họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người từng vẽ minh họa cho bộ sử thi Phần Lan nổi tiếng Kalevala bản tiếng Việt thiết kế mỹ thuật, với phần tranh minh họa được giữ nguyên theo bản gốc.
Dịch giả Võ Xuân Quế chia sẻ, ông và họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã từng được gặp gỡ, nói chuyện với nữ nhà văn Tove Jansson trong buổi lễ phong tặng học hàm Giáo sư cho bà, xin phép được dịch cuốn sách ra tiếng Việt và đã được sự đồng ý của tác giả. Nhưng phải đến 15 năm sau, bản sách tiếng Việt mới xuất hiện, vì nhiều lý do. Ông Võ Xuân Quế cho biết, bộ truyện là sự hòa trộn thú vị giữa Truyện cổ Andersen và Pippi Tất dài, và bạn đọc nên tự mình khám phá điều này. Ông cho biết: “Ngôn ngữ trong bộ truyện Mumi rất ngắn gọn, sáng rõ và dễ hiểu. Tôi chỉ cố gắng gọt giũa văn phong tiếng Việt của mình”.
Trả lời câu hỏi về việc tiếp tục xuất bản những cuốn còn lại của bộ truyện Mumi, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Chúng tôi cũng dự kiến sẽ tiếp tục làm những cuốn còn lại trong bộ truyện. Vấn đề là phụ thuộc vào thời gian thực hiện, và nếu bên Đại sứ quán Phần Lan tiếp tục hỗ trợ như cuốn sách này thì càng tốt”. Còn ngài Đại sứ Pekka Hyvonen khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các tập khác của bộ truyện Mumi tới trẻ em Việt Nam, cũng như nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi của Phần Lan. Hơn thế nữa, tôi cũng hy vọng các đài truyền hình của Việt Nam sẽ dịch và phát hành bộ phim dài tập Mumi trên khắp cả nước”.
TUYẾT LOAN
05/09/2010 07:38
(HNM) - "Chiếc mũ của phù thủy" của nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc người Phần Lan Tove Jansson (1914-2001) được coi là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên của Phần Lan được Võ Xuân Quế dịch và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Tác phẩm do NXB Kim Đồng ấn hành (với lá thư mở đầu của Tổng thống Phần Lan gửi bạn đọc Việt Nam) chính thức ra mắt sáng qua (4-9) tại Thư viện Quốc gia với sự tham gia của Đại sứ Phần Lan tại nước ta.
"Chiếc mũ của phù thủy" là một tác phẩm trong bộ truyện viết về nhân vật Mumi có vẻ ngoài ngộ nghĩnh (mõm dài, mập mạp, trắng muốt…) với những câu chuyện dung dị, đầy tính nhân văn trong chuyến phiêu lưu tới xứ sở cực Bắc của châu Âu. Bộ truyện đã từng nhận Giải thưởng Andersen (1966), Giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển (1972, 1994)… Đến nay, bộ truyện Mumi đã được dịch ra 40 ngôn ngữ trên thế giới.
"Chiếc mũ của phù thủy" là một tác phẩm trong bộ truyện viết về nhân vật Mumi có vẻ ngoài ngộ nghĩnh (mõm dài, mập mạp, trắng muốt…) với những câu chuyện dung dị, đầy tính nhân văn trong chuyến phiêu lưu tới xứ sở cực Bắc của châu Âu. Bộ truyện đã từng nhận Giải thưởng Andersen (1966), Giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển (1972, 1994)… Đến nay, bộ truyện Mumi đã được dịch ra 40 ngôn ngữ trên thế giới.
Dương Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét