Va chạm giữa tàu tuần tra của Nhật Bản và tàu đánh cá của Trung Quốc

Cập nhật 02:41 ngày 09-09-2010




ND - Trung Quốc và Nhật Bản đều xác nhận, ngày 7-9, đã xảy ra các vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) ở khu vực tranh chấp giữa hai nước gần quần đảo mà Nhật Bản gọi là Sen-ka-ku và phía Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư trên biển Hoa Ðông.

Hãng truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết, ngày 8-9, JCG đã bắt giữ và thẩm vấn thuyền trưởng và 14 thuyền viên tàu đánh cá của Trung Quốc vì nghi ngờ có hành động "cản trở công vụ" liên quan vụ va chạm với các tàu của JCG. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y-ô-si-tô Xên-gô-cư nói rằng, vụ bắt giữ trên sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 7-9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Ðào đã triệu Ðại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Ui-chi-rô Ni-oa để chính thức phản đối việc Nhật Bản chặn các tàu đánh cá của Trung Quốc và hối thúc các tàu tuần tra Nhật Bản "ngừng hoạt động ngăn chặn bất hợp pháp các tàu đánh cá của Trung Quốc". Cùng ngày, Vụ trưởng châu Á - châu Ðại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản A-ki-ta-ca Xai-ki đã gọi điện thoại cho Ðại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Thành Vĩnh Hoa chính thức phản đối Bắc Kinh về vụ việc nêu trên. Ông Xai-ki cho rằng, tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển Nhật Bản và hoạt động trái phép, đồng thời cho biết, Nhật Bản sẽ giải quyết vụ việc theo luật pháp nước này.

Cập nhật 02:41 ngày 09-09-2010



ND - Như tin đã đưa, quan hệ giữa hai nước láng giềng Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a diễn biến căng thẳng và phức tạp sau khi xảy ra sự kiện ngày 13-8, phía In-đô-nê-xi-a bắt giữ bảy ngư dân Ma-lai-xi-a. Ngay lập tức, phía Ma-lai-xi-a có hành động đáp trả bằng việc bắt giữ ba quan chức Bộ Biển và Nghề cá In-đô-nê-xi-a.

Ngày 6-9, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã họp với nhau tại bang Xa-ba của Ma-lai-xi-a. Hai bên đã thỏa thuận những biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn tái diễn vụ rắc rối như ngày 13-8, cần có hành động thích hợp để giải quyết một số vấn đề biên giới trên biển. Hai bên nhất trí, sẽ không đưa vấn đề này ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) mà tự giải quyết thông qua thương lượng giữa hai nước. Các chuyên viên kỹ thuật hai nước sẽ tiến hành các cuộc họp vào giữa tháng 10 tại

Ma-lai-xi-a và cuối tháng 11 tại In-đô-nê-xi-a để thảo luận những biện pháp tránh xung đột chủ quyền trên biển. Ngư dân của hai nước đều được yêu cầu lắp đặt hệ thống theo dõi định vị tàu, thuyền để có thể nhận được báo động của các cơ quan chức năng trong trường hợp tàu, thuyền của họ đi vào vùng biển của nước khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét