Chủ Nhật, 16.1.2011 | 09:38 (GMT + 7)
(LĐO) - Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak hôm qua 15.1 nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần giải quyết chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan trong một cuộc họp báo chung tại Seoul, ngày 15.1. |
"Vấn đề làm giàu uranium của Triều Tiên nên được chuyển lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", phát ngôn viên của Tổng thống Lee Myung-Bak trích dẫn lời của ông trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara tại Seoul.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-Hwan nói trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Yonhap hôm 13.1 rằng chương trình làm giàu uranium này nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân chứ không vì mục đích hòa bình như tuyên bố của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara cũng đồng tình với ý kiến trên.
Tuy nhiên, Nhật Bản muốn "giải quyết mọi vấn đề giữa Nhật Bản và Triều Tiên thông qua đối thoại" chứ không nhất thiết bị ràng buộc bởi cuộc đàm phán 6 bên. Tokyo gợi ý sẽ tìm kiếm cơ hội đàm phán trực tiếp nếu có điều kiện thích hợp.
Hồi cuối tháng 10.2010, tin tức tiết lộ Triều Tiên có một nhà máy làm giàu uranium làm dấy lên mối lo ngại cho an ninh khu vực. Bình Nhưỡng có kế hoạch đốt thử lò phản ứng nước nhẹ hiện đang được xây dựng để phát điện.
Các quan chức cấp cao Mỹ và nhiều quan chức khác lo rằng Triều Tiên dễ dàng cấu hình lại lò thử này để sản xuất uranium, chế tạo vũ khí nhằm tăng dự trữ plutonium sản xuất bom nguyên tử.
H.Lê (Theo AFP, Yonhap)
Xaluan.com
Trung Quốc sẽ đóng quân ở Triều Tiên
Trung Quốc đang bàn bạc với Triều Tiên về việc binh sĩ nước này sẽ đóng ở quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 1994.
Lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc
Một quan chức giấu tên ở văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, gần đây, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã thảo luận chi tiết về việc lính Trung Quốc sẽ đóng ở thành phố Rason, phía đông bắc Triều Tiên.
Theo quan chức này, các binh sĩ sẽ bảo vệ các trụ sở của Trung Quốc tại đây song địa điểm này cũng cho phép Trung Quốc tới được biển Nhật Bản. Trong khi đó, một quan chức Hàn cấp cao khác lại nói, việc đóng quân cho phép Bắc Kinh can thiệp nếu Triều Tiên có bất ổn.
Một phát ngôn viên Dinh Tổng thống Hàn nói, bà không có thông tin gì về vấn đề này. "Triều Tiên và Trung Quốc đã thảo luận việc sẽ duy trì một nhóm nhỏ binh sĩ để bảo vệ các cơ sở mà Trung Quốc đầu tư tại cảng này. Sự hiện diện của Trung Quốc dường như để bảo vệ lợi ích và công dân của họ".
Năm 2008, Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng một bến tàu ở Rason, đảm bảo đường đi tới Biển Nhật Bản trong bối cảnh Triều Tiên phải tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc khi đang đối đầu về hạt nhân với Mỹ và các đồng minh của nước này.
Nhóm binh sĩ Trung Quốc cuối cùng rời Triều Tiên là năm 1994 khi Trung Quốc rút khỏi Ủy ban đình chiến quân sự, chịu trách nhiệm giám sát thỏa thuận ngừng bắn, vốn kết thúc cuộc chiến liên Triều 1950-1953.
Đại sứ an ninh quốc tế của Seoul là Nam Joo-Hong cho biết, Trung Quốc có thể phái một lượng lớn binh sĩ tới Triều Tiên trong trường hợp quốc gia này bất ổn. "Trung Quốc muốn tránh viễn cảnh xấu nhất là tình trạng hỗn loạn tại các tỉnh đông bắc Triều Tiên có thể gây ra một làn sóng khổng lồ người tị nạn Triều Tiên đổ vào nước này. Việc đóng quân ở Rason sẽ giúp Trung Quốc can thiệp sớm trong trường hợp có biến ở Triều Tiên".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét