Cần có một tấm lòng

VOVNEWS.VN:
Cập nhật lúc : 4:22 PM, 25/11/2010
Thiên thần nhỏ cần được yêu thương che chở
(VOV) - Như một sự trêu ngươi, sau khi Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục địa phương chấn chỉnh bạo lực trong học sinh thì một tác giả vô danh tung ra một đoạn băng ghi hình cảnh một bảo mẫu hành hạ bé 3 tuổi.

>> Xác định rõ danh tính bảo mẫu hành hạ trẻ ở Bình Dương
>> Giữ nguyên án sơ thẩm vụ hành hạ cháu Hào Anh

Chỉ có hơn một phút, nhưng đoạn băng đã làm cả nước phẫn nộ. Những phụ huynh có con đang gửi mẫu giáo, mầm non càng bức xúc và lo lắng hơn. Không ít người tự đặt câu hỏi: Không biết con mình có lúc nào bị đối xử tàn tệ, dã man như thế không?

Cho dù nơi hành hạ cháu bé là nhóm trẻ, cơ sở giữ trẻ tư nhân hay gọi là gì đi nữa, thì trách nhiệm của địa phương, trong đó có ngành giáo dục là không thể chối bỏ.

Được biết, ngành giáo dục đã có những quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của nhóm trẻ tư nhân. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là khâu giám sát. Ngành giáo dục là đơn vị thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương hầu như không thể kiểm soát hết và thường xuyên các hoạt động giáo dục tư nhân vì không đủ người, không có thời gian, do phải tập trung vào nhiều công việc khác của ngành.

Qua sự việc hành hạ bé 3 tuổi ở Thuận An, Bình Dương có thể nêu ra một nhận xét: Nếu như bảo mẫu có nghiệp vụ chuyên môn, hiểu biết luật pháp, biết rõ trách nhiệm và quyền hạn của mình… thì không xảy ra chuyện đáng tiếc. Nếu như địa phương và ngành giáo dục thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thì chắc cũng có tác dụng răn đe nhất định.

Cách đây chục năm, vị hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Sư phạm nhà Trẻ - mẫu giáo Trung ương 1 đã phát biểu tại một hội nghị của ngành, có sự tham dự của nguyên Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai rằng, ông thực sự lo ngại khi nhiều trường ồ ạt mở các khoa sư phạm mẫu giáo.

Ông biết rằng điều kiện ở những nơi đó chưa thể mở được ngành học đặc thù này. Quá bức xúc, ông thốt lên, dạy mầm non là viết lên trang giấy trắng tinh, giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành tâm hồn và nhân cách của một con người.

Có đại biểu trong hội nghị đó cho rằng ông hiệu trưởng không chấp nhận cạnh tranh, nhưng thực tế sau chục năm đã trả lời. Chất lượng giáo viên mầm non rất không đồng đều.

Quay trở lại vụ việc vừa xảy ra ở một nhóm trẻ tư nhận tại Thuận An, Bình Dương. Khi được hỏi: “Cô giáo tắm cho con như vậy, con có đau không?”, cháu bé chỉ cúi mặt và lắc đầu. Có nghĩa là sự sợ hãi đã làm cho không dám nói thật. Các bậc phụ huynh hãy thử hỏi con mình xem các cháu có thực sự cởi mở kể những chuyện xảy ra ở trường mầm non không? Tôi để ý một số cháu, khi có vết xây xước, bầm tím nhẹ trên người thì cha mẹ hỏi thế nào cũng không nói. Tại sao vậy?

Phần lớn phụ huynh hôm nay đều muốn làm bạn với con, chia sẻ những vất vả trong học tập, những khó khăn sinh hoạt ở trường, nhưng thực hiện việc này không dễ vì nhiều lý do, trong đó có thái độ thiếu cởi mở của các con. Không dám nói, không thể chia sẻ thì nỗi uất ức sẽ chồng chất và dồn vào quả đấm. Đấy có phải là một trong những nguyên nhân của bạo lực?

Tôi để ý thấy cháu nhà tôi dạy búp bê học với cái roi trên tay, quật bôm bốp xuống bàn rồi lại chỉ vào mặt búp bê quát nghe chưa, nghe chưa; im ngay, im ngay…mà hoảng quá! Toàn những câu mệnh lệnh rất đặc thù. Nếu như các cháu được giáo dục theo kiểu tuân lệnh và vâng lời, không có chút đối thoại nào như thế thì sau này lớn lên các cháu đâu dễ chấp nhận đối thoại.

Cách giáo dục hà khắc, độc đoán không chỉ ảnh hưởng tới tự do, sáng tạo… mà càng làm hằn sâu trong học sinh suy nghĩ: Chỉ có mệnh lệnh buộc đối tượng phải nghe. Không nghe thì dùng biện pháp bạo lực. Cứ nghe đoạn băng một giáo viên sỉ vả học trò ở Hải Phòng gần đây thì mới thấy trái tim người mẹ trong mỗi người thầy sao ngày càng hiếm hoi.

Chuyện xưa ai cũng biết, mẹ của Mạnh Tử, một triết gia nước Tàu đã phải dời nhà 3 lần vì muốn có một môi trường giáo dục tốt cho con mình. Có lẽ vì mang nặng tư tưởng quân - sư - phụ nên cổ nhân không nói ra, nhưng môi trường giáo dục trong chuyện không chỉ bó hẹp ở cái chợ, ở nhà viên đồ tể, mà nên hiểu rộng ra là chính trong mỗi mái trường.

Đấy phải là nơi nhân ái, bao dung, là nơi thanh khiết không có sự dung tục và sự can thiệp trắng trợn của đồng tiền. Nuôi dưỡng lòng nhân ái, yêu thương đồng loại hay để mầm mống của bạo lực tích tụ rồi bùng phát là ở mỗi người lớn chúng ta, trong đó quan trọng bậc nhất là những người thầy./.

Ngô Thiệu Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét