Được đào tạo kỹ năng viết tin bài, rồi đi phỏng vấn, thậm chí nhảy xe về các tỉnh để tìm kiếm, khai thác đề tài, họ tác nghiệp như một phóng viên thực thụ, chỉ có điều khác họ là những người khiếm thị.
“Làm thế nào để viết được tin hay, áp dụng mô hình tam giác ngược khi viết tin như thế nào...”, lời anh Nguyễn Huy Việt, SN 1980, chủ nhiệm CLB phóng viên khiếm thị như gãi đúng chỗ ngứa, các thành viên hào hứng, sôi nổi bàn tán, xen lẫn là tiếng lách cách gõ chữ nổi Braille.
Hướng đôi mắt khiếm thị vào hư không, bác An Văn Khuê nói với nét mặt vui tươi: “Thi thoảng tôi cũng có bài đăng báo nhưng từ ngày tham gia CLB phóng viên khiếm thị tôi mới vỡ ra bao kiến thức quý giá về nghề báo”. Buổi sinh hoạt của CLB kéo dài đến quá trưa, ngoài việc trao đổi với nhau những kỹ năng viết bài, các thành viên còn mách nước với nhau các địa chỉ mua đồ nghề vừa rẻ vừa tốt, phân công lịch đi viết bài...
Thành lập được hơn 2 tháng, CLB phóng viên khiếm thị là nơi tập hợp những người bị khiếm thị có niềm đam mê đặc biệt với nghề báo. Hiện tại, CLB có 18 thành viên, trong đó có 4 thành viên là cử nhân báo chí, các thành viên còn lại không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào.
“Không nhìn được bằng mắt, không thể chủ động đi lại như người bình thường, những người như chúng tôi đến với nghề báo bằng niềm đam mê và sự nhạy cảm của tâm hồn”, anh Nguyễn Huy Việt, SN 1980, Chủ nhiệm CLB bộc bạch.
Mỗi tháng CLB tổ chức họp mặt một lần để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết làm báo... Thời gian còn lại họ chủ yếu gặp nhau qua hộp thư điện tử của CLB. Hộp thư được thiết kế giống như một diễn đàn mạng nội bộ, ở đó các thành viên của CLB trao đổi thường xuyên với nhau, chia sẻ các sản phẩm của mình và cập nhật các thông tin thời sự do ban chủ nhiệm tổng hợp.
Thành viên CLB trao đổi chuyên môn. Ảnh Tiền Phong |
Những phóng viên đặc biệt
Anh Việt nói: “Làm báo với người bình thường đã vất vả, đối với người khiếm thị còn khó khăn hơn gấp ngàn lần”. Anh kể, có khi phỏng vấn, đặt mic còn không trúng với nhân vật được phỏng vấn, nhưng may mà người ta còn thông cảm cho những tai nạn nghề nghiệp dở khóc, dở cười đó của mình.
Cũng là cử nhân báo chí, ước mơ được làm một nhà báo thực thụ nhưng rồi anh chỉ xem nghề báo là một nghề tay trái. Hiện tại, anh là cộng tác viên thường xuyên của một số tạp chí dành cho người khuyết tật như tạp chí Hướng nghiệp, Người bảo trợ, chương trình Niềm tin ánh sáng của kênh VOV giao thông và viết bài cho một số tờ báo khác.
Là CTV ruột của chương trình Niềm tin ánh sáng trên kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) hầu như tuần nào Hoàng Văn Lý, SN 1982 cũng có tin, bài được phát sóng. Anh được đánh giá là một trong những CTV chuyên nghiệp nhất của kênh, vì tất cả các sản phẩm của anh gửi đi đều đã được làm sạch. “Anh ấy tự gõ bài trên máy, tự biên tập từng câu chữ và tự cắt file âm thanh phỏng vấn thành một sản phẩm hoàn chỉnh để phát sóng, người biên tập không phải đụng tay nhiều”, chị Nguyễn Hồng Minh, phụ trách chương trình Niềm tin ánh sáng nhận xét.
Anh Lý cắt file âm thanh phỏng vấn một cách thuần thục như phóng viên. Ảnh Tiền Phong |
Thích làm báo từ nhỏ, tốt nghiệp cử nhân báo chí nhưng ra trường anh Lý không dám theo nghiệp báo. “Vì nghề báo đòi hỏi sự năng động, chủ động, còn mình bao giờ cũng đi chậm hơn người khác một bước. Phương tiện đi lại của phóng viên khiếm thị là xe buýt nên bị phụ thuộc, khi nào gấp quá mới …chịu chi bắt xe ôm. Bên cạnh đó, mình không thể quan sát để chụp ảnh cho bài viết, đó là những yêu cầu tối thiểu của nghề báo mà mình không đáp ứng được”, anh Lý phân trần.
Để nuôi niềm đam mê của mình, cứ sau giờ làm việc tại Hội người mù quận Hoàn Kiếm (anh Lý là Phó Hội trưởng Hội người mù quận Hoàn Kiếm) anh lại nhảy xe bus đi phỏng vấn viết bài, có hôm tận 9, 10 giờ đêm mới về đến nhà. “Những ngày cuối tuần, tôi cứ lang thang khắp phố phường, căng tai lắng nghe nhịp sống xung quanh mình. Nhiều đề tài thú vị tôi phát hiện được cũng từ những lần lang thang ấy”, anh Lý chia sẻ.
Phan Ngọc Cung là một trong những thành viên đặc biệt nhất của CLB, vì anh là người khiếm thị chụp ảnh. Anh đã từng mở triển lãm ảnh của mình. Tự hào với những đứa con tinh thần thấm đẫm hơi thở cuộc sống, Phan Ngọc Cung muốn truyền ngọn lửa đam mê cho những người đồng cảnh ngộ trong CLB.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét