Trung Quốc vui, Nga buồn vì bầu cử Mỹ

VnExpress:
Thứ sáu, 5/11/2010, 07:01 GMT+7

Trung Quốc thở phào, Nga có vẻ thất vọng trong khi Đông Nam Á dường như đang lo lắng trước kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ với thất bại dành cho đảng của Tổng thống Obama.

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, đảng Dân chủ của Tổng thống Obama đã mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đối thủ Cộng hòa, và chỉ giữ lại được ưu thế ở Thượng viện với chênh lệch mong manh.

Một câu hỏi được đặt ra bây giờ là liệu viễn cảnh phải đương đầu với những cuộc tranh cãi trong nước có lấn át những nỗ lực dành cho đối ngoại của Mỹ như tăng cường quan hệ với châu Á, "tái khởi động" quan hệ với Nga hay không.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm qua sau khi kết thúc bầu cử giữa kỳ. Ảnh: AFP.

Đối với Đông Nam Á, nỗi lo chính bây giờ là liệu chính quyền Obama có xa rời nỗ lực can dự tích cực hơn ở khu vực. Sự trở lại của người Mỹ trong thời gian gần đây là rõ ràng và khiến Trung Quốc có lúc không bằng lòng.

Theo phân tích của Wall Street Journal, Bắc Kinh có thể đang hy vọng rằng những người Cộng hòa đang nắm thế thượng phong ở hạ viện Mỹ tập trung vào các vấn đề đối nội, và xao lãng các kế hoạch can dự ở châu Á Thái bình dương. Trung Quốc nhìn chung thường thích những tổng thống Mỹ Cộng hòa hơn là Dân chủ, vì đảng Dân chủ có xu hướng chú ý vào những vấn đề nhân quyền.

Giới chức Nga thì lo ngại rằng sự nổi lên của phe Cộng hòa có thể đe dọa nỗ lực của Obama trong việc hâm nóng quan hệ song phương với Nga. Hôm qua, chủ tịch một ủy ban quan trọng của Duma quốc gia Nga cho biết sẽ lui kế hoạch đưa hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược - thành tựu lớn nhất của quá trình tái khởi độngquan hệ Nga-Mỹ - ra phê chuẩn. Nga cần đánh giá khả năng hiệp ước này có được hạ viện Mỹ thông qua hay không.

"Nếu họ không thể làm được điều đó trong vài tuần còn lại thì khả năng Thượng viện mới phê chuẩn sẽ càng thấp hơn nữa", Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga, phát biểu.

Đối với Israel, kết quả của bầu cử giữa kỳ Mỹ lại khích lệ những nhà lãnh đạo, những người cho rằng chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama là hoàn toàn trái ngược với họ. Israel hy vọng sự suy giảm uy tín của Obama trong cuộc bầu cử vừa qua sẽ khiến ông khó có thể gây áp lực buộc Israel thỏa hiệp, trong khi các cuộc đàm phán hòa bình đang đi vào bế tắc.

Danny Dayan, người đứng đầu Hội đồng Yesha, đại diện cho những người Do Thái ở Bờ Tây, nói rằng ông hy vọng Quốc hội mới của Mỹ sẽ "tạo điều kiện cho một cách tiếp cận hợp lý và thoáng hơn đối với các nhu cầu của Israel, so với những gì mà chúng tôi phải trải qua trong hai năm qua".

Ở những nước mà Mỹ đã can thiệp vào một cách sâu sắc nhất, phản ứng lại khá nhạt nhòa. Cuộc bầu cử ít được đưa tin, cũng ít gây ra phản ứng ở Afghanistan. Người Iraq cũng chẳng mấy quan tâm đến nó. Những chính trị gia ở đây còn tập trung vào nỗ lực xây dựng chính phủ mới trong khi làn sóng các vụ tấn công nổi dậy đang lên trở lại.

"Là một công dân Iraq, tôi không quan tâm đến bầu cử Mỹ nhiều. Cái tôi muốn là các chính trị gia Iraq thành lập một chính phủ", Eman Abdul Razzaq, một bà nội trợ 36 tuổi, nói.

Việc Obama thực hiện lời hứa kết thúc cuộc chiến Iraq và đẩy nhanh thời hạn rút lực lượng chiến đấu của Mỹ ở đây đã chia rẽ người Iraq. Nhiều người vui sướng thấy quân Mỹ rút đi, nhưng cũng nhiều người khác lo sợ khi nhìn quân Mỹ trở về nhà, lo lắng không biết lực lượng an ninh Iraq có thể lấp chỗ trống mà quân Mỹ để lại.

Trong khi đó, châu Phi hẳn sẽ thất vọng vì mất đi một nhà vận động nhân quyền quyết liệt cho họ khi Thượng nghị sĩ bang Wisconsin Russ Feingold bị đánh bại hôm 2/11. Là chủ tịch ủy ban đối ngoại của Thượng viện phụ trách các vấn đề châu Phi, Feingold, một đảng viên Dân chủ lâu năm, đã ủng hộ một chính sách toàn diện hơn đối với Somalia, đó là giải quyết các xung đột hơn là chỉ đối phó với khủng bố ở đây.

Feingold cũng đã giúp thông qua luật phát triển chiến lược khu vực để đối phó với nhóm nổi loạn Lord's Resistance Army (Đội quân kháng chiến của Thượng Đế) hoạt động ở phía bắc Uganda và các vùng biên giới.

Thượng nghị sĩ này cũng là người ủng hộ một chính sách nhiều màu sắc hơn đối với Sudan, đây là một cuộc mâu thuẫn phức tạp liên quan đến nạn diệt chủng ở Darfur và cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa miền bắc và miền nam.

Sudan đang chuẩn bị tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý quan trọng vào tháng giêng về việc tách nước này thành hai quốc gia. Mỹ đã coi cuộc trưng cầu dân ý này là một trong các ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại, và thượng nghị sĩ Feingold, theo lời các nhà vận động Sudan, là nhân tố quyết định để giữ việc này trong chương trình nghị sự.

Từ trái sang phải: Thống đốc bang Mississippi Haley Barbour, thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner và Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell tại cuộc họp báo hôm qua ở Washington. John Boehner có khả năng sẽ là Chủ tịch Hạ viện mới của nước Mỹ. ẢNh: AFP.

Nhiều nhà quan sát quốc tế nhìn nhận việc thay đổi cán cân lực lượng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa rồi là một chuyện bình thường trong chính trị Mỹ, nơi mà thậm chí những tổng thống được yêu mến như Ronald Reagan và Bill Clinton cũng từng bị mất sự ủng hộ ở bầu cử giữa kỳ.

"Chúng ta đều hiểu lý do của thất bại này: sự thất vọng khi nhận ra Obama không phải là một nhà ảo thuật", Sergei Markov, một nghị sĩ cao cấp của đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất, phát biểu. "Không như các cử tri ở Mỹ, chúng tôi ở Nga đã biết trước là ông ấy không phải là một ảo thuật gia".

Tuy nhiên, Markov cũng cho rằng kết quả bầu cử là một dấu hiệu của tình trạng phân cực ngày càng tăng trong chính trị Mỹ, và với cái mà ông gọi là "chủ nghĩa địa phương quá khích" đang tăng. "Ở Mỹ, khu vực trung tâm đang suy yếu, đó là bằng chứng của sự mất ổn định ngày càng tăng".

"Đối với châu Âu, Mỹ đã không còn là vấn đề sau khi Obama được bầu. Nhưng giờ đây lại có thể trở thành vấn đề, thậm chí còn đáng lo ngại hơn so với thời Bush", Markov nói thêm.

Châu Âu từng là nơi đón nhận nồng nhiệt nhất cái gọi là "làn sóng Obama" hai năm trước. Giờ đây mất đi sự hậu thuẫn của Hạ viện, họ lo lắng Obama sẽ trở nên yếu thế hơn và bị bó hẹp phạm vi hoạt động. Điển hình là ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU ở Lisbon tháng tới, “chúng ta có thể sẽ phải thấy một Tổng thống Obama ngần ngại hơn khi cam kết, ông ấy sẽ phải tìm kiếm một chiến lược để có thể đi qua được hai viện”, Alvaro de Vasconcelos, giám đốc Học viện nghiên cứu an ninh của EU, phát biểu.

Ở Pháp, các chính trị gia và nhà phân tích cũng chia sẻ một nỗi lo ngại rằng thất bại của đảng Dân chủ sẽ hạn chế khả năng của Obama trong việc đưa ra các quyết định về các vấn đề quan trọng như cải cách tài chính, thuế và sẽ dẫn tới một "thế bế tắc ở Washington".

Một số lo ngại sự tê liệt của chính trị Mỹ sẽ đem lại các hậu quả quốc tế, trong thời điểm mà hầy hết các quốc gia phát triển nhất đang leo ra khỏi suy thoái và đang cố gắng hợp tác với nhau. "Đó sẽ là tình huống tồi tệ nhất", Frédéric Lefebvre, phát ngôn viên đảng cầm quyền của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. "Chúng ta không thể đảo ngược lại mọi thứ, Pháp và châu Âu cần Mỹ để tiến lên".

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle trấn an người Đức trên truyền hình rằng chính sách đối ngoại của chính quyền Obama không bị tổn hại. Obama vẫn được yêu mến ở Đức, quốc gia lớn nhất của EU. Nhiều người Đức thường gắn đảng Cộng hòa với chủ nghĩa đơn phương của cựu tổng thống George W. Bush và cuộc chiến Iraq.

Westerwelle đã liên tục ca ngợi cam kết của Obama đối với đường lối ngoại giao và mục tiêu giải trừ vũ khí nguyên tử. "Sẽ là đánh giá thấp tổng thống của nước Mỹ nếu nghĩ rằng ông đã bị làm cho suy yếu trong chính sách đối ngoại", Westerwelle phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Đức ZDF hôm qua.

Chiến dịch bầu cử ở Mỹ đã bị chi phối bởi các "vấn đề trong nước và kinh tế", Bộ trưởng Ngoại giao Đức Westerwelle nói. "Tổng thống Mỹ vẫn là một tổng thống mạnh mẽ và quyết đoán".

Hải Minh (Wall Street Journal, AFP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét