Nhận định về vụ đấu pháo hai miền Triều Tiên

LAODONG:

Thứ Sáu, 26.11.2010 | 08:00 (GMT + 7)

(LĐ) - “Triều Tiên muốn phô trương sức mạnh lãnh đạo quân sự của Kim Jong Un” - Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-Sik - nhận định.

Nhà cửa bị phá huỷ trên đảo Yeonpyeong.
Nhà cửa bị phá huỷ trên đảo Yeonpyeong.

1. Phô trương sức mạnh. Vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua do CHDCND Triều Tiên tiến hành nhằm vào thường dân Hàn Quốc diễn ra 2 tháng sau khi con trai của nhà lãnh đạo Kim Jong Il - ông Kim Jong Un (28 tuổi) - được phong tướng và bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự trung ương.

Động thái này diễn ra sau 8 tháng kể từ khi chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc được cho là bị Triều Tiên đánh chìm. Và hành động nã pháo diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên vừa “khoe” cơ sở làm giàu uranium hiện đại của nước này ở Yongbyon.

“Triều Tiên muốn phô trương sức mạnh lãnh đạo quân sự của Kim Jong Un” - Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-Sik - nhận định. Một số nhà quan sát cho rằng, Triều Tiên muốn cảnh báo rằng họ có thể gây ra đau thương, nếu không được nhượng bộ trong các cuộc hội đàm.

2. Lo ngại leo thang. Ngay khi xảy ra vụ nã pháo, quân đội Hàn Quốc đã đáp trả bằng 80 quả đạn pháo 155mm. Tổng thống Lee Myung-bak một mặt cảnh báo sẽ đáp trả đích đáng, nhưng mặt khác lại yêu cầu quân đội tránh để tình hình leo thang. Nhiều nghị sĩ chỉ trích quân đội là “phản ứng không tương xứng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young đã từ chức và thừa nhận chưa muốn áp dụng các biện pháp mạnh nhằm hạn chế căng thẳng leo thang. Các nhà phân tích nhận định, nếu căng thẳng quân sự leo thang nghiêm trọng thì Hàn Quốc là nước chịu thiệt lớn hơn. Chiến tranh sẽ gây ra những hậu quả to lớn về đời sống người dân và kinh tế Hàn Quốc và tác động mạnh tới kinh tế thế giới vốn đang phục hồi mong manh sau khủng hoảng.

3. Mỹ dè dặt. Nhà Trắng đã lên án Triều Tiên bằng những lời lẽ mạnh mẽ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ “bảo vệ Hàn Quốc” nhưng phớt lờ đả động tới bất cứ hành động quân sự nào mà Mỹ có thể thực hiện. Lầu Năm góc thì cho biết hãy còn quá sớm để thảo luận về các biện pháp quân sự đáp trả Triều Tiên.

Theo các nhà quan sát, Mỹ dè dặt vì lo ngại sự phản ứng của Trung Quốc; nhưng Mỹ cũng đang chịu sức ép lớn trước đồng minh quân sự lâu năm của mình là Seoul. Nếu phản ứng không khéo, Mỹ sẽ bị nghi ngờ về sẵn sàng của Washington trong việc can thiệp vào tình hình khu vực Đông Á và vai trò, uy tín của Mỹ ở khu vực sẽ suy giảm.

4. Giải pháp ngoại giao. Các phản ứng thông qua con đường ngoại giao như kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng được cho là khả thi nhất. Nhưng Triều Tiên dường như “nhờn thuốc” trước những biện pháp này và thực tế cho thấy khó đạt được điều gì cụ thể thông qua con đường đó. Triều Tiên từng hứng chịu hàng loạt các nghị quyết trừng phạt cứng rắn của HĐBA, nhưng vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy tinh chế uranium.

Trao đổi với Lao Động qua điện thoại chiều 25.11, ông Hoàng Xuân Hải - Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul - cho biết: “Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã gặp ngoại giao đoàn chiều 24.11. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định không có công dân nước ngoài nào thương vong trong cuộc đấu pháo trên đảo Yeonpyeong. Hàn Quốc đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người nước ngoài ở Hàn Quốc và khuyến cáo mọi người không nên hoảng sợ. Tình hình ở thủ đô Seoul vẫn bình thường. Đại sứ quán sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ có những khuyến cáo kịp thời khi cần thiết”.

TR.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét