Giải thưởng hòa bình làm thế giới náo động

Tiếng nói nước Nga:
9.10.2010, 13:58
© The Voice of Russia



Quyết định của Ủy ban Nobel tại Oslo trao giải thưởng Hòa bình năm 2010 cho nhà bảo vệ nhân quyền Lưu Hiểu Ba ở Trung Quốc ngay lập tức đã khơi lên làn sóng dữ dội những bình phẩm khác nhau. Sau khi tin trao giải được công bố đã xuất hiện bình diện ý kiến rất rộng lớn, từ hoan nghênh các thành viên hội đồng xét giải thưởng ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba hiện đang thụ án tù tại nước mình, cho đến bất bình gay gắt và đả phá tức giận ghê gớm.

Một nghịch lý hình thức là không có một giải thưởng nào lại gây nên bao nhiêu tranh cãi om sòm như giải thưởng hòa bình. Thậm chí bản thân nhân vật được trao giải cũng không phải là chính yếu. Cuộc tranh cãi phản ánh những lối tiếp cận khác nhau về khái niệm hòa bình và quan điểm rằng thế giới hiện đại cần phát triển ra sao, điều đang là thời sự bức thiết nhất trong thời điểm hiện tại.

Lưu Hiểu Ba là một trong những tác giả soạn thảo văn bản gọi là "Hiến chương 08". Trong tài liệu phát tán hai năm trước đây, nhóm trí thức Trung Quốc nêu ý kiến với chính quyền, đòi phải tiến hành cải cách chính trị và xóa bỏ hệ thống độc đảng. Tháng Chạp 2009, Tòa án Trung Quốc đã phán quyết rằng ông Lưu Hiểu Ba phải chịu án 11 năm tù giam.

Giờ đây, Lưu Hiểu Ba là công dân Trung Quốc đầu tiên được trao tặng giải thưởng Nobel - giải hòa bình.

Tuy nhiên chính quyền CHND Trung Hoa hoàn toàn không coi Lưu Hiểu Ba là người anh hùng. Như tuyên bố của phát ngôn viên Mã Triều Húc đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba đã vi phạm pháp luật Trung Quốc và bị xử án tù. "Những gì người này đã làm là trái ngược với mục tiêu của giải Nobel hòa bình", - quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh. Bắc Kinh gọi quyết định của Ủy ban Nobel "là sự sỉ nhục đối với chính giải thưởng Nobel". "Quyết định này làm mất uy tín của giải thưởng Nobel hòa bình", - Viện trưởng Qiu Xin của Viện các vấn đề quốc tế ở CHND Trung Hoa tuyên bố.

Ngược lại, đa số các nhà chính trị học và chuyên viên phương Tây thừa nhận rằng quyết định của Ủy ban Nobel hoàn toàn hợp lý.

"Quyết định của Ủy ban Nobel thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ giành cho tất cả những ai trên thế giới, dù đôi khi phải chịu hy sinh lớn lao, vẫn can đảm đấu tranh vì tự do và quyền con người", - đó là ý kiến của ông Jose Barroso Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner cũng ủng hộ quyết định được thông qua ở Oslo, đồng thời kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy phóng thích ông Lưu Hiểu Ba.

Từ Văn phòng Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel đưa ra ý kiến nhấn mạnh, coi ông Lưu Hiểu Ba là "nhà bảo vệ nhân quyền vĩ đại tại nước mình", và vì thế, phía Đức hy vọng ông sẽ nhanh chóng được trả tự do.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Navanethem Pillay tuyên bố "Lưu Hiểu Ba là chiến sĩ kiên cường đấu tranh vì quyền con người". "Chúng tôi tán thành động thái công nhận vai trò quan trọng của những chiến sĩ bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc và nhiều nước khác", - bà Pillay nói thêm.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jerzy Buzek kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy "không chậm trễ và vô điều kiện" trả tự do cho nhân vật nhận giải thưởng hòa bình Nobel Lưu Hiểu Ba.

Đòi hỏi thả nhân vật đối lập Trung Quốc đang bị tù cũng vang lên cả trong tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố rằng Lưu Hiểu Ba là con người tiêu biểu và dũng cảm, đã phát biểu bảo vệ những giá trị chung nhất trên thế giới, trong đó có bảo vệ dân chủ, quyền con người và Nhà nước pháp quyền.

Các chuyên viên Nga mà Đài "Tiếng nói nước Nga" trưng cầu ý kiến đều cho rằng quyết định của Ủy ban Nobel mang sắc thái chính trị. Tuy nhiên, về nguyên do và hậu quả của quyết định này thì các chuyên viên Nga có đánh giá khác nhau.

Giáo sư Sergei Luzyanin từ trường Đại học Tổng hợp quan hệ quốc tế (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga nêu ý kiến: "Tôi nghĩ đây là bước đi thể hiện thái độ cứng rắn của Ủy ban Nobel đối với Trung Quốc. Hiển nhiên ở quyết định này có tác động không chính thức của các quĩ và tổ chức Mỹ, luôn phê phán một cách cực đoan về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và trên thế giới. Trao cho ông Lưu Hiểu Ba giải thưởng Nobel hòa bình - đó là bước đi hệ tư tưởng 100%, chi phối bởi động cơ mang tính chất chống Trung Quốc".

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài "Tiếng nói nước Nga", có ý kiến khác của Phó Giám đốc Viện các nước Á-Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU). Ông Andrei Karneev phát biểu như sau: "Trong chừng mực có thể thấy thì quan điểm mà ông Lưu Hiểu Ba và những người cùng chí hướng đã thể hiện trong "Hiến chương 08" được đông đảo người chia xẻ, nhiều hơn số người ký tên dưới văn bản này. Dù nhiều người dân Trung Quốc không sẵn sàng công khai tán thành lập trường như nêu trong "Hiến chương", nhưng bản thân yêu cầu cần thiết thúc đẩy cải cách chính trị và cải thiện hệ thống chính trị ở Trung Quốc thì đang bộc lộ rất rõ".

Theo cách nhìn của chuyên viên Karneev, ngay trong chính giới thượng lưu cầm quyền ở Trung Quốc cũng không phải là nhất nguyên, đó là sự kết hợp của những tư tưởng và quan điểm khác nhau, những nhóm khác nhau. Hồi tháng Giêng, một nhóm các đảng viên lão thành của đảng Cộng sản Trung Hoa đã gửi thư ngỏ cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trong đó họ yêu cầu xét lại hình phạt quá khắc nghiệt đối với nhân vật Lưu Hiểu Ba, - ông Andrei Karneev nêu thí dụ.

Câu hỏi lớn giờ đây là, cuộc vận động tích cực hiện đã lên đến qui mô toàn cầu về bảo vệ ông Lưu Hiểu Ba, liệu rồi sẽ kìm hãm hay làm đổ vỡ tiến trình cải tổ chính trị rất thận trọng và theo từng bước, vừa mới được khởi đầu ở đất nước Trung Hoa quê hương của người được trao giải thưởng Nobel hòa bình 2010?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét