Lãi suất tăng cao: Dấu hiệu chu kỳ khó khăn mới?

tuanvietnam:

((VEF) - Chính phủ quyết định thả lãi suất theo thị trường để chống lạm phát. Song, lãi suất lại tăng ngoài sự kiểm soát, đẩy tình hình sang một thái cực mới. Dường như, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ phải đối mặt với một chu kỳ khó khăn mới, trong đó có "bóng ma" lạm phát.

Đầu tư và sản xuất cầm chừng

Lãi suất huy động chính thức trên thị trường đã lên 13,5%, còn cho vay được xác nhận là 19%. Tuy nhiên, với một cơ chế lãi suất thỏa thuận, nhiều ngân hàng thừa nhận họ đã phải đẩy huy động lên đến 14-15%, còn cho vay cũng đến 20%.

Đây là một hiện trạng lãi suất được miêu tả là "siết cổ", chỉ xuất hiện thời kỳ nóng bỏng năm 2008. Rất nhiều DN cho rằng, sẽ không khó để dự báo một tình huống mới là DN tạm ngừng sản xuất để chờ thời, bởi vì càng sản xuất càng thua lỗ.

Trong cuộc gặp gỡ tư vấn đầu tư mới đây của một công ty chứng khoán, một nhận định khiến nhà đầu tư thất vọng là rất nhiều DN sẽ thua lỗ trong quý IV, mà nguyên nhân chính là lãi suất đang tăng quá cao.

Xuất hiện tại cuộc họp, lãnh đạo một DN kinh doanh hàng tiêu dùng cho rằng, giá đầu vào tăng, lãi suất tăng khiến DN ứng xử kiểu gì bây giờ cũng khó: chấp nhận vay vốn cao để sản xuất thì sẽ thua lỗ vì không thể tăng giá bán hàng quá cao khi người tiêu dùng trở nên dè dặt chi tiêu. Còn không sản xuất thì chi phí duy trì bộ máy cũng là một gánh nặng. Hơn thế, còn có nguy cơ bị mất thị phần và khách hàng.

Cách duy nhất là sản xuất cầm chừng, không tính chuyện đầu tư mở rộng, chờ quan năm 2011 tính tiếp.

Trong khi đó, thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, lãi suất cho vay sản xuất hiện nay đã lên 15-17%, còn phi sản xuất có thể 17-20%.

Tuy nhiên, tham khảo từ phía DN thấy rằng, lãi suất 15-17% ở thời điểm này đã là một sự "ưu đãi" cho các khách hàng lớn, nguồn tiền qua ngân hàng nhiều và sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng. Còn các DN khác phải chấp nhận lãi suất lên đến 18-20%.

Giám đốc một Công ty dệt may ở Hưng Yên phàn nàn, hợp đồng đã ký với khách hàng thì không thể lùi. Bây giờ vay lãi suất phải là 18%, trong khi trước đây chỉ 12-13%. Như vậy, DN đã mất đi khoảng 5-6 tỷ đồng lợi nhuận.

Trước mắt, DN chỉ dám hoàn tất các hợp đồng hiện có. Chưa dám nhận thêm nhiều đơn hàng lớn mới mà chỉ dám nhận vài đơn hàng lẻ theo kiểu may gia công để có việc làm cho công nhân. Với lãi suất lên đến gần 20% thì khó có DN nào có lãi, nhất là đối với những DN làm hàng gia công dệt may, giày dép.

Không dừng ở lãi lỗ trong những tháng cuối năm, một DN sản xuất cơ khí ở Hà Nội cho biết, dự án mở rộng sản xuất của họ ở Bắc Ninh tiến hang gần 2 năm nay đang vào giai đoạn cuối rất cần vốn để đẩy mạnh nhưng ngân hàng lại thông báo điều chỉnh lãi suất quá cao. Bây giờ cố theo đuổi dự án thì sản xuất kinh doanh và thu nhập của hàng trăm công nhân sẽ ảnh hưởng. Còn dừng lại thì sẽ ảnh hưởng phát triển dài hạn nhưng không còn cách nào khác phải kéo dài kế hoạch đầu tư mới này.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển đã bày tỏ lo ngại trước tình hình lãi suất hiện nay đã đặt cầu hỏi, DN nào dám vay với lãi vay xấp xỉ 20%?

Có ý kiến cho rằng, lãi suất cao sẽ giúp sàng lọc bớt DN, không có vốn chủ sở hữu lớn, chỉ kinh doanh dựa vào vốn ngân hàng. Quan điểm này có thể có lý, nhưng nếu tính toán lãi suất 18-20% các doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính cũng sẽ không vay.

Vậy ai vay? Sẵn sàng vay thường là các DN khó khăn về vốn, chấp nhận kinh doanh rủi ro để bù lỗ từ lãi suất cao, cuối cùng họ có thể tồn tại và trả lãi nhưng bất ổn môi trường tăng nhanh.

Lãi suất cao không chỉ trực tiếp khiến các DN khó mà ảnh hưởng tới nhiều thị trường quan trọng khác. Các chuyên gia chứng khoán cho hay, theo một quy luật, chứng khoán cũng nhạy cảm với lạm phát. Lãi suất thường biến động ngược chiều với thị trường chứng khoán, lãi suất tăng khiến cho giao dịch chứng khoán ảm đạm, lợi nhuận từ môi giới giảm mạnh. Thực tế năm 2008, và mới đây nhất quý III năm 2010 là một minh chứng cho điều này.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng có nguy cơ tiếp tục chìm sâu khi nguồn vốn quan trọng nhất là tín dụng từ các ngân hàng bị giảm và thắt chặt. Những đợt "đóng băng" của thị trường bất động sản của Việt Nam trong những năm vừa qua đều gắn liền với các đợt tăng giảm lãi suất.

Năm 2007, cơn sốt bất động sản diễn ra do tăng trưởng tín dụng lên tới gần 50%, tuy nhiên sau đó "ngã nhào" vào năm 2008 khi lãi suất tăng mạnh cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt. Năm 2009, bất động sản hồi sinh phần nào nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất và nới rộng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với việc lãi suất tăng cao trong năm 2010 thì bất động sản lại khó khăn.

Chu kỳ lạm phát mới?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận xét, cuối năm là thời điểm doanh nghiệp cần có vốn để sản xuất, kinh doanh. Với mức lãi suất như trước đây đã quá cao, nhiều doanh nghiệp không thể chịu được phải "co cụm" sản suất lại, hiện nay việc "thả nổi" lãi suất, nâng lãi suất cơ bản và lãi suất huy động lên chắc chắn sẽ làm cho lãi suất cho vay tăng.

Một điều ai cũng nhìn thấy, với chính sách này lạm phát sẽ tăng cao do hầu hết các mặt hàng sẽ được đẩy giá lên.

Thực tế, việc tăng giá đã diến ra từ khi lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân thì có nhiều, như giá cả thể giới tăng mạnh, mở rộng đầu tư công để đẩy mạnh tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng và những tác động của thiện tai.

Nhưng nay, với lãi suất cao, trên một nền giá cả đã cao khiến cho những xu hướng của lạm phát trở nên khó kiểm soát.

Trao đổi về điều này, TS. Cao Sỹ Kiêm bày tỏ lo ngại, với chính sách "thả nổi" lãi suất, nếu không quản lý chặt chẽ, các ngân hàng thương mại có thể lợi dụng nâng lãi suất lên cao. Như vậy, có thể nhiều doanh nghiệp phải co sản xuất lại vì không dám vay vốn, từ đó sẽ tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất cao dẫn cũng sẽ dẫn tới hàng loạt các mặt hàng tăng giá theo... và nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại là rất lớn.

Tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là một biện pháp được ủng hộ. Tuy nhiên, dường như diễn biến tăng quá cao của lãi suất là điều ít được lường đến. Đây là mặt trái của chính sách sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến chính sách điều hành và đời sống kinh tế. Chi phí đầu vào cao, lãi suất lên cao đã khiến lạm phát có thể tăng mạnh hơn trước khi đạt mong muốn kiềm chế lạm phát.

TS. Trần Hoàng Ngân - Đại học Kinh tế TP.HCM, đã cảnh báo, lãi suất lên cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực và nền kinh tế. Chi phí lãi vay quá cao có thể khiến DN co hẹp hoặc ngừng sản xuất dẫn đến thiếu hàng và gây lạm phát. Hơn thế, chi phí đầu vào cao sẽ khiến giá cả tăng lên.

Nếu nhìn lại từ 2008 đến nay, Việt Nam luôn vất vả với việc chống lạm phát, rồi tìm mọi cách để tăng trưởng. Và nay, khi chúng ta đang tìm mọi biện pháp để khống chế lạm phát ở một con số thì đã thấy xuất hiện những cảnh báo lạm phát và khó khăn mới.

Dường như, một chu kỳ khó khăn cho 2011 lại bắt đầu và những cơ quan quản lý lại vất vả với thách thức lạm phát và nỗi lo mục tiêu tăng trưởng.

Cảnh báo cho ngân hàng

Cuối tuần qua, Vietinbank đã công bố lãi suất huy động 13% nhưng sau đó lại rút xuống 12%. Theo một chuyên gia từ Hiệp hội Ngân hàng, đây chính là tình huống điển hình cho thấy bản chất của lãi suất tăng cao hiện nay.

Ban đầu các ngân hàng đồng thuận lãi suất, nhưng rồi, một số ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản nên đã phá rào đẩy lãi suất lên cao. Nhưng ngân hàng lớn, như Vietinbank, không lâm vào thiếu thanh khoản nhưng không thể đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất vì không muốn bị hút mất vốn.

Còn nhớ năm 2008, khi lãi suất các ngân hàng con lên cao mà các ngân hàng lớn vẫn giữ lãi suất thấp, đã có hàng chục ngàn tỷ đồng bị rút đi. Vốn không huy động tăng thêm mà lại chảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Điều này đang làm hại các ngân hàng khi việc cạnh tranh bằng lãi suất thế này sẽ khiến dòng vốn hữu hạn trên thị trường chạy vòng quanh, từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao.

Thực tế, lãi suất cao hiện nay thì chỉ những người giàu, có nhiều tiền gửi. Điều này có thể kích thích nhiều người gửi tiền, thậm chí có thể nhiều có tiền thì gửi ngân hàng còn hơn bỏ vào sản xuất kinh doanh. Nhưng đầu vào cao mà tín dụng khó khăn thì chính các ngân hàng sẽ khó khăn do lợi nhuận giảm còn rủi ro thì tăng cao hơn.

Lãi suất tăng mạnh đồng nghĩa với rủi ro nợ xấu tăng nhanh, nếu tỷ lệ nợ xấu quá cao và lòng tin sụt giảm có thể khiến ngân hàng khó khăn . Bời vì lãi suất cao không những làm tăng trưởng tín dụng ngân hàng, biên lợi nhuận giảm mà còn phải tăng khoản trích lập dự phòng nợ xấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét