An ninh sân bay Mỹ: 'Sờ nắn' hay 'khoả thân'

VnExpress:
Thứ năm, 18/11/2010, 10:16 GMT+7
Mỹ đang áp dụng các biện pháp kiểm tra hành khách đi máy bay được thừa nhận là xâm phạm thân thể hơn biện pháp cũ, như dang hai tay để khám người hoặc máy quét hình ảnh toàn thân.
Hành khách tại sân bay Mỹ sẽ phải dang hai tay để nhân viên kiểm tra thân thể bằng tay. Ảnh: Life
Hành khách tại sân bay Mỹ sẽ phải dang hai tay để nhân viên kiểm tra bằng tay. Ảnh: Life

Giám đốc Cơ quan quản lý an ninh vận tải Mỹ John Pistole hôm qua cho biết, ông hiểu lo ngại về sự riêng tư và những lời phàn nàn về việc bị kiểm tra tại những vùng nhạy cảm trên thân thể của biện pháp an ninh sân bay mới, nhưng khẳng định an ninh là trên hết. Quan chức này thừa nhận việc yêu cầu hành khách dang rộng hai tay để khám người là mang tính xâm phạm thân thể hơn các biện pháp cũ.

Trong khi đó, trên mạng Internet đang lan truyền đoạn phim quay cảnh một người đàn ông từ chối làm theo yêu cầu của an ninh sân bay San Diego về việc dang rộng cả hai chân để kiểm tra. Người đàn ông có tên John Tyner, 31 tuổi, trong đoạn video này tức tối đe nhân viên kiểm tra: "Nếu ông chạm vào cục thịt thừa của tôi, tôi sẽ khiến ông bị bắt đấy!"

Chấp nhận bị "sờ nắn" hay "khoả thân"

Trên thực tế, biện pháp "sờ nắn" để kiểm tra bằng tay tại các sân bay Mỹ nói trên là sự lựa chọn cho những hành khách nào từ chối đi qua chiếc máy quét toàn thân mới đưa vào sử dụng. Những người không muốn hình ảnh của mình bị loại bỏ toàn bộ quần áo hiện lên màn hình của nhân viên an ninh sẽ phải chấp nhận bị kiểm tra bằng tay, bao gồm việc bị đụng chạm vào cả phần kín và ngực.

Ông John Pistole hôm qua đã phải điều trần trước Thượng viện Mỹ về biện pháp an ninh sân bay mới. Trong phiên họp này BBC dẫn lời Thượng nghị sĩ Cộng hoà George LeMieux nêu quan điểm: "Tôi thấy thực sự phiền toái bởi việc dang tay kiểm tra. Tôi đã tận mắt nhìn thấy cảnh này ở các sân bay bang Florida. Tôi sẽ không muốn vợ mình bị đụng chạm theo cách đó và tôi cũng cũng không muốn bị thế. Tôi nghĩ chúng ta phải tập trung vào sự an toàn nhưng cần có sự cân bằng".

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan giám sát các hoạt động an ninh sân bay Mỹ John Pistole thừa nhận việc cân nhắc cả an toàn và sự riêng tư đều cần thiết. Nhưng ông nói thêm phần lớn hành khách đều muốn bay trên chiếc phi cơ mà người khác đều đã trải qua quá trình kiểm tra an ninh chi tiết.

Cũng theo Pistole, việc phải áp dụng biện pháp an ninh xâm phạm thân thể hành khách bằng cách sờ nắn bằng tay được thực hiện sau vụ tấn công hụt của một thanh niên Nigeria trên chiếc máy bay hồi năm ngoái. Người này đã giấu thuốc nổ trong quần lót và chui vào toilet trên máy bay để ráp thành bom. May mắn âm mưu tấn công này đã bị hành khách ngồi cạnh chặn đứng kịp thời.

Một cuộc thăm dò đầu tuần này cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 8 người ủng hộ máy quét X-ray toàn thân đang được lắp đặt tại hơn 60 sân bay Mỹ. Một hành khách đang đợi chuyến bay tại sân bay quốc tế Los Angeles là Mark Spitzler nói với Telegraph: "Máy quét toàn thân khiến tôi cảm thấy an toàn hơn khi bay. Tôi không nghĩ họ xâm phạm sự riêng tư của tôi, những hình ảnh trên màn hình xuất hiện trong một căn phòng đóng kín và đây là điều phải làm để đảm bảo mọi thứ an toàn".

Máy scan thân thể toàn thân đang được áp dụng tại các sân bay Mỹ, cho phép nhân viên an ninh nhìn toàn bộ thân thể hành khách trong tình trạng không quần áo để phát hiện vũ khí. Ảnh: AP
Máy quét toàn thân đang được áp dụng tại các sân bay Mỹ, cho phép nhân viên an ninh nhìn toàn bộ thân thể hành khách trong tình trạng không quần áo để phát hiện vũ khí. Ảnh: AP

An ninh sân bay Mỹ khó chịu cỡ nào

Bất cứ hành khách nào thường xuyên di chuyển bằng máy bay cũng quen với cảnh phải kiên nhẫn xếp hàng dài để đi qua cửa kiểm soát an ninh. Còn khi chuyến đi của bạn phải qua nước Mỹ, nơi mà tiêu chuẩn về an ninh hàng không còn được thắt chặt hơn nữa kể từ sau vụ 11/9, thì sẽ phải chuẩn bị tinh thần để chứng kiến thủ tục kiểm tra an ninh mất thời gian và phiền toái hơn nhiều.

Hàng loạt hình thức đe doạ an ninh hàng không mới nảy sinh dẫn đến việc các hành khách đặt chân tới những quốc gia "nhạy cảm" với chủ nghĩa khủng bố như Mỹ và châu Âu bị buộc phải tháo giày trước khi đi qua cửa rò kim loại của sân bay, cũng như bị giới hạn chất lỏng mang theo trong hành lý xách tay. Hành khách còn bị yêu cầu đưa laptop ra khỏi túi đựng trước khi đặt lên băng chuyền của máy quét hành lý, một yêu cầu khiến nhiều người thấy phiền toái vì mất thời gian.

Nhưng nhìn chung đa phần hành khách đều tỏ ra ủng hộ các biện pháp kiểm tra an ninh triệt để như sờ nắn bằng tay hoặc đi qua máy quét "khoả thân" mới áp dụng. Một cuộc điều tra do Unisys Security Index thực hiện cho thấy 93% người Mỹ chấp nhận hy sinh sự riêng tư của mình để nâng cao độ an toàn khi đi máy bay. Tại Anh cũng có hơn 90% số người được hỏi chấp nhận đi qua các máy quét toàn thân nói trên.

Đình Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét