Triều Tiên đe dọa tiếp tục tấn công

LAODONG:

Thứ Sáu, 26.11.2010 | 07:43 (GMT + 7)

(LĐ) - Trước những đe doạ từ Triều Tiên, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng quân trên 5 hòn đảo gần Triều Tiên và xem lại chính sách sử dụng vũ lực, bởi có nhiều lo ngại rằng chính sách này của quân đội quá bị động.

d
Những cột khói bốc cao từ đảo Yeonpyeong vì đạn pháo.

Chính sách bị động

Sau cuộc họp nội các khẩn cấp sáng 25.11, ông Hong Sang-pyo - Thư ký cấp cao về các vấn đề quan hệ công chúng của tổng thống - cho biết: “Chính phủ đã quyết định tăng mạnh lực lượng quân sự, kể cả bộ binh trên 5 hòn đảo ở Hoàng Hải và phân bổ ngân sách nhiều hơn để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên”. Hiện ở khu vực này có khoảng 4.000 lính.

Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định tạo ra các quy định mới “để thay đổi mô hình đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên” bởi các quy định hiện nay “quá bị động” - ông Hong cho biết. Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc nói rằng, trong tương lai, Hàn Quốc cần thực hiện mức độ đáp trả khác, tùy thuộc vào việc Triều Tiên tấn công các mục tiêu quân sự hay dân sự của Hàn Quốc.

Trong lúc đó, Triều Tiên đe dọa sẽ có thêm các hành động quân sự: “Triều Tiên sẽ không lưỡng lự phát động lượt tấn công thứ hai thậm chí cả thứ ba, nếu Hàn Quốc khinh suất khiêu khích quân sự lần nữa” - Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin ngày 25.11. Triều Tiên cũng cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ nã pháo vì đã hợp tác với Hàn Quốc. Triều Tiên cáo buộc Mỹ tạo căng thẳng khi giúp vẽ biên giới “bất hợp pháp” trên biển phía tây giữa hai miền Triều Tiên.

d
Một người dân Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong tìm kiếm những thứ còn sót lại sau vụ nã pháo ngày 24.11.

Phản ứng chậm

Vài giờ sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young đã xin từ chức do bị chỉ trích quyết liệt từ phía quốc hội về phản ứng chậm của quân đội sau vụ nã pháo và các quan chức không được chuẩn bị cho sự kiện này. Ngay cả các quan chức trong đảng cầm quyền của Tổng thống Lee Myung-bak, các quan chức quân sự cấp cao và các trợ lý của tổng thống cũng đòi sa thải ông Kim. Các nghị sĩ bảo thủ còn nói rằng chính quyền đã phản ứng quá mềm dẻo. Tổng thống đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Kim, bộ trưởng mới sẽ được chỉ định ngày 26.11.

Tại quốc hội hôm 24.11, các nghị sĩ đã đặt câu hỏi tại sao quân đội Hàn Quốc lại mất tới 13 phút mới bắt đầu bắn trả, bởi vì phía Triều Tiên bắt đầu nã pháo lúc 14h34, mà mãi đến 14h47 Hàn Quốc mới bắn trả. Ông Kim cho biết, binh lính cần phải trú ẩn sau loạt bắn đầu tiên từ phía Triều Tiên và việc quay súng về phía tấn công cũng mất thời gian. Trong lúc đó, một bộ phận binh lính khác phải đưa dân đi trú ẩn.

Ông cũng giải thích rằng, việc Triều Tiên tấn công không liên quan đến cuộc tập trận chung với Mỹ, mà do các cuộc tập bắn diễn ra hàng tháng gần biên giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên. Khi được hỏi liệu đạn của Hàn Quốc trong cuộc tập bắn có vô tình vượt qua biên giới gây nên việc Triều Tiên nã pháo hay không, ông Kim cho biết, quân đội Hàn Quốc đã chuẩn bị rất cẩn trọng và luôn giữ cho tầm bắn cách biên giới 4 đến 5km.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, dựa vào tàn tích trên đảo Yeonpyeong, không loại trừ việc Triều Tiên đã sử dụng bom nhiệt - loại bom này đốt cháy tàn bạo hơn và làm tăng thương vong cũng như mức độ phá hoại.

Trong cuộc họp nội các Hàn Quốc, Tổng thống Lee phát biểu: “Cuộc khiêu khích tương tự từ phía Triều Tiên có thể đến bất kỳ lúc nào”. Bộ Quốc phòng cho biết, kể từ vụ tấn công, quân đội luôn trong tình trạng sẵn sàng nổ súng và 5 máy bay chiến đấu cũng luôn chờ lệnh cất cánh.

Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc

Tháng 9.1996: Một tàu ngầm Triều Tiên chở lính biệt kích đã cập bờ biển Hàn Quốc, khiến Seoul phải mở một cuộc truy lùng lớn. Có 13 lính biệt kích của Triều Tiên đã bị Hàn Quốc bắn hạ, 11 người khác tự sát để khỏi rơi vào tay lính Hàn, 1 người bị bắt và 1 người mất tích.

Ngày 15.6.1999: Đụng độ nổ ra tại khu vực ranh giới Hoàng Hải - vụ va chạm hải quân đầu tiên giữa hai miền kể từ sau cuộc chiến Liên Triều. Tàu Triều Tiên với khoảng 20 thuỷ thủ bị chìm.

Ngày 29.6.2002: Một tàu Hàn Quốc bị chìm mang theo 6 thuỷ thủ trong một vụ đụng độ khác trên Hoàng Hải vào thời điểm Hàn Quốc đang đồng đăng cai World Cup. Bên Triều Tiên có 13 người thiệt mạng.

Ngày 10.11.2009: Hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên giao tranh gần khu vực ranh giới trên Hoàng Hải. Quan chức Seoul cho rằng, một tàu tuần tra của Triều Tiên đã bốc cháy trước khi rút lui. Hàn Quốc không có thương vong.

Ngày 26.3.2010: Tàu hải quân Cheonan, nặng 1.200 tấn của Hàn Quốc bị chìm gần khu vực lãnh hải tranh chấp giữa hai miền, làm 46 thuỷ thủ thiệt mạng. Hàn Quốc cáo buộc ngư lôi Triều Tiên đã gây ra thảm hoạ trên.

Ngày 24.5.2010: Hàn Quốc tuyên bố ngừng hoạt động thương mại với Triều Tiên và cấm tàu thuyền nước này đi vào lãnh hải thuộc Seoul.

Ngày 29.10.2010: Quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên đọ súng dọc biên giới, làm gia tăng căng thẳng ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul.

Ngày 23.11.2010: Triều Tiên nã đạn pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, gây ra vụ đấu pháo ác liệt giữa hai bên. A.P (Theo The Guardian)

M.Y (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét