>> Ảnh vệ tinh chứng tỏ Triều Tiên đang xây lò phản ứng
Tiết lộ với báo giới, Tiến sĩ Siegfried Hecker cho biết trong chuyến đi Triều Tiên, ông được tham quan một cơ sở hạt nhân với quy mô lớn, với “2.000 máy ly tâm" làm giàu urani có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo các quan chức Mỹ, khi các thanh tra vũ khí quốc tế bị trục xuất khỏi Triều Tiên hồi năm 2009, nhà máy chưa tồn tại.
Phát hiện của Tiến sĩ Hecker lần đầu tiên được tờ New York Times đưa tin. Ông đã kể với các phóng viên về việc được đưa tới xem một "phòng kiểm soát cực kỳ hiện đại" và ông đã tường thuật điều này với Nhà Trắng. Nhà khoa học thuộc Đại học Stanford đã kinh ngạc trước mức độ tinh vi của nhà máy.
Trong các nhận xét đưa ra trước hãng tin AP, ông Hecker nói không giống như các cơ sở khác của Triều Tiên, nhà máy này "tương đương với bất kỳ cơ sở xử lý hiện đại nào của Mỹ”. Ông không nói rõ là trung tâm mới này đặt tại đâu nhưng được trang bị đến 2.000 máy ly tâm đang hoạt động và một trung tâm kiểm soát cực kỳ tối tân, theo đó "tất cả được sắp xếp thứ tự theo hàng lối và hoạt động ngay dưới chân chúng tôi."
Nhà khoa học Mỹ, nguyên là giám đốc trung tâm hạt nhân quốc gia Mỹ tại Los Alamos, cho biết thêm là ông không được quyền chụp ảnh, cũng không thể kiểm chứng là nhà máy này chế tạo urani với mức tinh lọc thấp 3,5% như giới chức Triều Tiên khẳng định hay không. Do vậy theo ông, có nhiều lý do cần phải tiến hành kiểm chứng xem urani tinh lọc có độ phóng xạ cỡ nào, thuộc loại thấp để sản xuất điện, hay ngược lại, có độ tinh lọc cao, 90%, để làm bom nguyên tử.
Ông Hecker cho biết các cơ sở hạt nhân mới mà ông viếng thăm có vẻ được xây cất cho mục đích ban đầu phục vụ một nhà máy điện nguyên tử dân sự - và ông thấy không có bằng chứng nào của việc sản xuất pluton. Nhưng ông cũng cho biết các cơ sở mới mà ông tham quan "có thể dễ dàng chuyển đổi để sản xuất nhiên liệu uranium làm giàu ở mức độ cao cho các trái bom”..
Triều Tiên được cho là đã chế tạo đủ khối lượng vũ khí pluton để làm ra ít nhất sáu quả bom nguyên tử, tuy nhiên người ta vẫn chưa rõ liệu nước này có hay không một chương trình vũ khí dựa trên urani. Triều Tiên cũng được cho là có các chương trình hạt nhân và tên lửa và đã tiến hành các cuộc thử nghiệm nguyên tử ngầm dưới mặt đất vào các năm 2006 và 2009.
Ông Hecker trước đó từng hậu thuẫn quan điểm cho rằng Triều Tiên có thể có một số cơ sở hạt nhân nước nhẹ đáng lưu ý.
Những phân tích
Tin tức về chuyến viếng thăm của ông Hecker được đưa ra ngay khi ông Stephen Bosworth, một quan chức cấp cao của Mỹ phụ trách đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, tới châu Á để nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán sáu bên. Với điểm dừng tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, ông Bosworth sau đó sẽ đến Tokyo và Bắc Kinh.
Theo giới phân tích, những thông tin và sự kiện trên đây mà Bình Nhưỡng cố ý phô trương là nhằm mục đích chứng tỏ họ có khả năng và phương tiện thực hiện chương trình hạt nhân quân sự, “qua đó có thêm quân bài để thương lượng với Mỹ”.
Bình Nhưỡng cũng tiết lộ với giáo sư Siegfred Hecker là họ sắp hoàn tất một máy điện hạt nhân chạy bằng nước nhẹ.
Tiết lộ trên đây đã được một chuyên gia khác là Jack Pritchard, chủ tịch Viện Kinh tế Hàn Quốc xác nhận. Hôm thứ ba, ông tuyên bố với báo chí Mỹ là đã được viếng thăm trung tâm hạt nhân Yongbyon nơi đặt máy điện hạt nhân thí nghiệm này.
Tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.
Phản ứng của Mỹ
Trong tuyên bố hôm qua trên đài truyền hình Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Ðô đốc Mike Mullen, nói các báo cáo rằng Triều Tiên đang mở rộng các hoạt động hạt nhân “cho thấy quốc gia này đang tiếp tục gây bất ổn cho khu vực”.
Trong phản ứng đầu tiên về tin tức trên, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “chương trình hạt nhân của Triều Tiên không nhằm mục đích hòa bình là phát triển năng lượng” và một lần nữa kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Phillip Crowley đã bày tỏ hy vọng “Bình Nhưỡng sẽ thực hiện biện pháp tích cực phi hạt nhân hóa và thể hiện quyết tâm thực hiện nghĩa vụ quốc tế cùng cam kết trong tuyên bố chung năm 2005”. Ông Crowley nói rõ, Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân nếu muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Về lập trường của Bình Nhưỡng cho rằng việc xây xựng lò phản ứng nước nhẹ là nhằm phát triển năng lượng, ông Crowley cho biết nếu Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa, Washington sẵn sàng thảo luận để cùng giải quyết vấn đề năng lượng với Bình Nhưỡng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét