Hòa bình Trung Đông: Thách thức mới

hanoimoi:
26/11/2010 06:34

(HNM) - Nền hòa bình Trung Đông vừa bị dội thêm một "gáo nước lạnh". Hy vọng vừa nhen nhóm sau khi Mỹ và Israel cam kết văn bản để thúc đẩy hòa đàm (ngày 20-11) thì đêm 22-11 (giờ địa phương), với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống, Quốc hội Israel đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân liên quan đến các thỏa thuận về Cao nguyên Golan và Đông Jerusalem.

Đây là hai vùng đất của Palestin và Syria bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.

Theo đó, từ nay bất cứ chính phủ nào muốn ký một thỏa thuận hòa bình trao trả các vùng lãnh thổ ở Đông Jerusalem hay Cao nguyên Golan hoặc bất cứ vùng lãnh thổ nào khác bên trong Israel sẽ không thể thực hiện được nếu không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội hay thông qua một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc của Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ủng hộ đạo luật này, với lập luận rằng luật mới sẽ ngăn chặn "những thỏa thuận tắc trách" trong tương lai và cho phép các chính phủ về sau thông qua bất cứ thỏa thuận nào nếu thỏa thuận đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng và phù hợp với lợi ích dân tộc của Israel.

Một khu vực ở Đông Jerusalem. Ảnh: Reuters

Sự phản ứng ngay sau đó của chính quyền Palestine là dễ hiểu. Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán Palestine, ông Saeb Erakat lập tức tuyên bố, với việc thông qua đạo luật này, giới lãnh đạo Israel lại một lần nữa bỡn cợt luật pháp quốc tế… Chính quyền Palestine đã kêu gọi đưa Đông Jerusalem vào mọi thỏa thuận về ngừng hoạt động xây dựng khu định cư của Israel. Trong một tuyên bố bằng văn bản, chính quyền Palestine nhấn mạnh: "Việc Israel ngừng hoàn toàn và toàn diện các hoạt động xây dựng khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, trước hết tại thành phố Jerusalem và xung quanh khu vực này, là nền tảng cho một tiến trình hòa bình nghiêm túc".

Dư luận Vùng Vịnh và quốc tế lo ngại rằng, đạo luật mới của Israel có nguy cơ làm phức tạp thêm các thỏa thuận hòa bình trong tương lai giữa Israel với Palestine và Syria. Còn nhớ, cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, do Mỹ hậu thuẫn đã bị đổ vỡ từ hồi cuối tháng 9 vừa qua, một tuần sau khi Israel bắt đầu xây dựng các khu định cư Do Thái sau 10 tháng tạm đình chỉ. Nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình, thời gian gần đây, Washington đã rất nỗ lực xúc tiến các cuộc đàm phán. Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế liên quan đến quyết định của Israel xây dựng gần 1.300 căn hộ mới ở khu vực chiếm đóng Đông Jerusalem, đầu tháng 11-2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, những hành động như vậy hoàn toàn không có lợi cho các cuộc thương lượng hòa bình giữa Israel và Palestin và ông cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình này vì lợi ích của thế giới. Trong chuyến thăm Mỹ hồi trung tuần tháng 11 này của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Washington đã đưa ra gói đề xuất mới với Israel về nhà định cư. Theo đó, Israel sẽ tuyên bố đình chỉ trong 90 ngày hoạt động xây dựng ở Bờ Tây, áp dụng đối với cả các công trình khởi công từ ngày 26-9. Đổi lại, Washington sẽ phủ quyết bất cứ động thái nào tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc bất cứ tổ chức quốc tế nào khác nhằm gây sức ép đối với Israel về vấn đề này. Cùng với đó, chính quyền của Tổng thống B. Obama cũng sẽ thúc đẩy Quốc hội Mỹ chấp thuận việc cung cấp thêm 20 máy bay chiến đấu, trị giá 3 tỷ USD, giúp Israel duy trì tiềm lực quân sự…

Tuy nhiên, khi các quyết định còn chưa ngã ngũ thì Luật Trưng cầu ý dân vừa được Quốc hội Israel thông qua đã đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông lâm vào ngõ cụt. Về Đông Jerusalem, trong khi Palestin khẳng định phải là thủ đô của Nhà nước Palestin tương lai (đang bị Israel chiếm đóng từ sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967) thì Tel Aviv lại coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt". Đây đã và đang là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán hòa bình. Nay với đạo luật mới của Israel, tiến trình hòa bình Trung Đông đã thật sự vướng thêm vào một thách thức mới.

Trung Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét