24/11/2010 13:00
(VTC News) – Theo các nhà phân tích, hành động nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vừa qua khiến Bình Nhưỡng cùng lúc giải quyết được 3 mục tiêu chiến lược: củng cố vị trí của tân đại tướng Kim Jong-un, hối thúc Mỹ quay trở lại bàn đàm phán 6 bên, và củng cố lập trường nối lại đàm phán của Trung Quốc.
Vụ nã pháo này sẽ giúp Kim Jong-un củng cố ảnh hưởng của mình?
Ngay khi người con trai út của chủ tịch Kim Jong-il được phong hàm đại tướng và bổ nhiệm vị trí Phó chủ tịch quân ủy trung ương, giới phân tích cho rằng, thời gian tới đây, quân sự sẽ là ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng.
Chỉ 6 tuần trước, tân đại tướng Kim Jong-un đã chính thức được khẳng định sẽ thay vị trí từ người cha chủ tịch để lãnh đạo quốc gia Đông Á này.
Theo tin tình báo Mỹ, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục gia tăng năng lực làm giàu uranium của mình và hiện có năng lực chế tạo được từ trên dưới 10 quả bom nguyên tử.
Ngoài ra, qua chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ tới Bắc Triều Tiên, dư luận quốc tế cho rằng, “khi Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên cũng khó có những thay đổi”.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp Cheong Seong-Chang thuộc Viện nghiên cứu Sejong, “hiện nay Kim Jong-un chịu ảnh hưởng rất lớn từ những tướng lĩnh của miền Bắc. Khi nền tảng quyền lực của ông là từ quân đội, thì quân đội sẽ có sức mạnh lớn hơn bao giờ hết”.
Bắc Triều Tiên muốn Mỹ phải quay lại bàn đàm phán 6 bên để giải quyết khủng hoảng hiện tại trước khi nhận được thái độ phi hạt nhân hóa rõ ràng của nước này?
Ngoài ra, theo nhà phân tích này, một vụ khủng hoảng liên quan đến quân đội như vụ nã pháo vừa qua rõ ràng nâng tầm quan trọng của quân đội hơn trong lòng dân chúng miền Bắc.
Trước đó, khi mới lên nắm quyền từ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, chủ tịch Kim Jong-il cũng tiến hành một số hành động quân sự để “đánh tiếng” và tập hợp dân chúng xung quanh mình.
Một thông điệp rõ ràng mà Bình Nhưỡng muốn gửi đến Washington qua sự kiện này là: Bắc Triều Tiên vẫn như vậy, vẫn sẽ tiến hành khiêu khích như thế, Mỹ phải làm thế nào để giải quyết tình hình?
Đặc phái viên Bosworth cho biết, Mỹ không có ý định nối lại các vòng đàm phán 6 bên chừng nào Bình Nhưỡng chưa tỏ thiện ý rõ ràng nhằm “từ bỏ tất cả các vũ khí hạt nhân chương trình hạt nhân hiện có” của mình theo tinh thần của thỏa thuận được ký ngày 19/9/2005.
Ở thời điểm này, qua vụ nã pháo vừa qua, có thể Bình Nhưỡng muốn nhắn nhủ với Mỹ rằng, trước khi nhận được thiện ý phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết căng thẳng hiện tại một cách vô điều kiện.
Theo người phát ngôn BNG Trung Quốc, ngay sau khi vụ nã pháo diễn ra, các bên "bắt buộc" phải trở lại các vòng đàm phán 6 bên
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, có thể có một quốc gia không bị sốc bởi vụ nã pháo vừa qua – đó là Trung Quốc, quốc gia duy nhất có ảnh hưởng sâu rộng đến Bắc Triều Tiên.
Ở thời điểm cuộc nã pháo diễn ra, đặc phái viên Bosworth đang có mặt ở Bắc Kinh để tìm giải pháp cho việc nối lại các vòng đàm phán 6 bên, Trung Quốc đã phản ứng một cách khá nhẹ nhàng.
Trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ tuyên bố ngắn gọn: “hy vọng hai miền chia cắt của bán đảo Triều Tiên sẽ làm nhiều hơn nữa để đóng góp cho hòa bình”.
Ông nói thêm rằng, việc nối lại các vòng đàm phán 6 bên là “bắt buộc” đối với tất cả các bên tham gia liên quan – một động thái rõ ràng muốn nhằm vào Mỹ trước quan điểm rằng cho rằng Mỹ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi nào Bình Nhưỡng bày tỏ quyết tâm phi hạt nhân hóa một cách rõ ràng.
Như vậy, lập trường của Bắc Kinh là rõ ràng, dù Bình Nhưỡng có thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa như thế nào thì các bên cũng “phải” ngồi lại bàn đàm phán để giải quyết vấn đề, không có lựa chọn nào khác.
Lập trường này được nêu lên ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là sau vụ nã pháo vừa qua, rõ ràng gây sự chú ý và có sức mạnh lớn hơn nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét