Đàm phán hạt nhân Iran: Hoán chuyển nhiên liệu

CAND.COM
3:25, 10/12/2010




Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm "6 nước" (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) vừa được nối lại trong hai ngày 6 và 7/12/2010 tại Geneva, Thụy Sĩ. Dư luận không mong đợi nhiều vào kết quả của vòng đàm phán này, vì giữa 2 bên đang có khoảng cách khá lớn bởi các yêu cầu, mục tiêu mỗi bên đặt ra.

Nội dung trọng tâm của cuộc nói chuyện tại Geneva được cho là hoán chuyển nhiên liệu (fuel swap) nhằm bước đầu xây dựng lại lòng tin cho cả 2 bên.

Trước khi bước vào bàn đàm phán tại Geneva, hai ngoại trưởng của Mỹ và Iran đã có cuộc gặp bên lề một hội nghị về an ninh không chính thức tại Bahrain cuối tuần trước. Cuộc gặp chớp nhoáng đó được dư luận đánh giá là cơ hội hiếm hoi để Mỹ và Iran tìm hiểu đối phương trước khi bước vào các hiệp đấu tại bàn đàm phán. Nhìn chung, sau cuộc họp, cả 2 ngoại trưởng đều rất dè dặt. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi "nói chuyện đáng tin cậy" trong khi Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki thì yêu cầu "nói chuyện công bằng, bình đẳng".

Một vấn đề lớn của mọi cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và phương Tây luôn là khoảng cách giữa các điều kiện mà mỗi bên đặt ra trên bàn đàm phán để trao đổi, mặc cả với bên kia. Mỹ và phương Tây luôn giữ vững lập trường quan điểm của mình rằng "Iran phải hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và ngưng hoàn toàn các hoạt động làm giàu uranium". Ở phía ngược lại, Iran cũng kiên quyết bảo vệ các quyền làm giàu uranium vì mục đích dân sự, phục vụ điều trị bệnh và các quyền này đã được ghi nhận trong Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Trong lần đàm phán này cũng vậy, Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục bám chắc quan điểm cũ, trong khi tình hình đã có nhiều thay đổi sau một loạt sự kiện liên quan đến Iran và khu vực trong gần một năm qua. Cụ thể, Iran đang cố gắng lái chiều hướng đàm phán vào Tuyên bố Tehran đã được ký kết giữa Iran, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5/2010. Tuyên bố Tehran là kết quả của một nỗ lực song song với tiến trình của phương Tây và từng được dư luận toàn cầu đánh giá là một giải pháp có thể mở ra hướng xử lý tích cực vấn đề hoán chuyển nhiên liệu uranium làm giàu mức độ thấp (LEU) để cung cấp cho các lò phản ứng y học của Iran.

Vòng đàm phán Geneva tháng 10/2009 trước khi gián đoạn cho đến nay.

Theo phương án trong Tuyên bố Tehran thì Iran đã đồng ý chuyển 1.200kg LEU sang Thổ Nhĩ Kỳ để tạm thời cất giữ trong điều kiện an toàn để đổi lại việc được cấp 120kg nhiên liệu cho lò phản ứng y học điều trị bệnh ung thư ở Tehran. Nghị định thư Bổ sung của NPT có quy định việc cho phép làm giàu uranium trên lãnh thổ một nước thứ ba, và đây là tiền đề không thể tốt hơn cho phương án hoán chuyển nhiên liệu. Tuy nhiên, với quan điểm đố kị và thiếu công bằng của mình, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã không công nhận giải pháp của Tuyên bố Tehran, vì cho rằng nó không đầy đủ và "có thiếu sót".

Thực ra, phương án hoán chuyển nhiên liệu không là sáng kiến mới, mà đây đã là một thỏa hiệp từng được nhóm "6 nước" đưa ra với Iran vào tháng 6/2008 nhằm giúp nước này chọn lựa một phương án chấp nhận được cho việc tiếp tục chương trình hạt nhân mà không bị phương Tây phản đối. Vì vậy, nếu phương án hoán chuyển nhiên liệu hạt nhân được nhất trí tại Hội nghị Geneva, thì các bên đàm phán có thể cùng "ăn mừng thắng lợi".

Phương Tây chắc chắn sẽ rất vui mừng, vì dù sao cũng đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc khống chế được chương trình làm giàu uranium của Iran, ngăn chặn khả năng nước này theo đuổi việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Còn Tehran cũng có thể xem như mình đã đạt được một thắng lợi nho nhỏ trước các cường quốc phương Tây trong cuộc chiến bảo vệ quyền làm giàu uranium vì không phải ngưng hoàn toàn hoạt động này.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran.

Thêm một thuận lợi nữa cho việc thúc đẩy phương án hoán chuyển nhiên liệu, đó là việc Hội đồng điều hành IAEA hôm 3/12 đã bỏ phiếu thông qua đề án thành lập một "ngân hàng nhiên liệu hạt nhân" đặt dưới sự quản lý trực tiếp của IAEA. Phương án hoạt động của ngân hàng nhiên liệu hạt nhân là cung cấp nhiên liệu uranium làm giàu thấp cho các nước có nhu cầu để thay thế việc các nước đó phải xây dựng nhà máy làm giàu uranium như hiện nay, vừa giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân lại vừa thỏa mãn nhu cầu nhiên liệu uranium làm giàu của các nước. Giới chuyên gia an ninh hiện đang rất chuộng phương án ngân hàng nhiên liệu hạt nhân này. Và một khi ngân hàng này đi vào hoạt động, chắc chắn Iran sẽ gặp nhiều khó khăn để biện minh cho hoạt động làm giàu uranium của mình.

Ngày 5/12, ngay trước thềm Hội nghị Geneva, ông Ali Salehi - người đứng đầu Cơ quan Năng lượng hạt nhân Iran (AEOI) đồng thời là Phó tổng thống Iran - đã thông báo trước báo giới về việc nước ông đã triển khai "dự án lớn" khai thác quặng uranium và hiện đang tự thực hiện luôn công đoạn sơ chế nguyên liệu uranium thô phục vụ các lò phản ứng hạt nhân.

Thông báo mới này của Iran đang tạo thêm bối cảnh khó khăn cho nhóm "6 nước" trong việc thuyết phục Iran theo chiều hướng ngưng chương trình hạt nhân, bởi vì như thông báo trên nêu rõ, Iran sẽ không còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài và như vậy càng không phải lo ngại lệnh cấm vận của LHQ. Iran đang tạo ra một lợi thế nhất định trước khi bước vào bàn đàm phán.

Tehran giờ đây có thể sử dụng lợi thế của mình để ra điều kiện ngay tại bàn đàm phán là không nói đến chuyện ngưng chương trình hạt nhân nữa mà phải bàn về việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân theo cách bình đẳng nhất


An Châu (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét