Tin tặc lên kế hoạch tấn công các trang mạng “chống WikiLeaks”

Van Hoa Online:
(10/12/2010)

Assange hiện bị tạm giữ tại Anh và rất có thể bị dẫn độ sang Mỹ
VH- Cuộc chiến tranh mạng nhằm ủng hộ trang mạng WikiLeaks đã bắt đầu nổ ra và đang có dấu hiệu leo thang. Ngày 8.12, tin tặc đã tấn công trang mạng của hai hãng khổng lồ về thẻ tín dụng là Mastercard và Visa với lý do “trả thù” quyết định của hai hãng này cắt nguồn cung tài chính cho WikiLeaks.

Nhóm tin tặc có tên “Anonymous” (Giấu tên) đã lên tiếng nhận trách nhiệm đánh sập các trang mạng của Mastercard và Visa sau khi hai hãng này ngừng thanh toán cho WikiLeaks. Nhóm này cũng đồng thời nhận là thủ phạm tấn công trang mạng của một ngân hàng Thụy Sỹ vì ngân hàng này đã “đóng băng” tài khoản của nhà sáng lập trang WikiLeaks, Julian Assange.

Ngay cả biểu tượng bảo thủ của đảng Cộng hòa Mỹ, cựu ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin cũng trở thành mục tiêu của nhóm tin tặc này sau lời kêu gọi của bà rằng hãy “săn lùng Assange với tính cấp bách như thể chúng ta đang săn lùng các nhà lãnh đạo Taliban và Al Qaeda”.

Thông báo trên tổ hợp truyền thông Anh BBC tối 8.12, hãng Mastercard cho biết các vụ tấn công chỉ gây tác động hạn chế tới các dịch vụ của họ và các khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ của họ trong các giao dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong suốt nhiều giờ trong ngày 8.12, Mastercard đã không thể hoạt động sau những vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) liên tiếp.

“Anonymous” đã phát động chiến dịch tấn công mạng từ cuối tuần trước với mục tiêu đầu tiên là PayPal, trang mạng đã ngừng các giao dịch tài chính cho WikiLeaks tuần trước. Nhóm tin tặc này tuyên bố họ đã huy động được 4.000 hacker để thực hiện các vụ tấn công liên hoàn nhằm vào bất kỳ trang mạng nào “chống WikiLeaks”.

Trong khi đó, người phát ngôn của WikiLeaks, Kristinn Hrafnsson cho biết, nhóm tin tặc này không có quan hệ cộng tác gì với họ và quyết định của nhóm tin tặc này có thể xem như một phần của “sự phản ứng của người sử dụng mạng”.

Hiện nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đang bị tạm giữ biệt lập tại Nhà tù Wandsworth, nhà tù lớn nhất của Anh tại Luân Đôn. Luật sư Mark Stephens cho biết thời gian sớm nhất có thể được thăm Assange là ngày 13.12, chỉ một ngày trước phiên xét xử thứ 2 dự kiến diễn ra vào ngày 14.12.

Theo tờ “Độc lập” (Anh), rất có nhiều khả năng Assange sẽ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử tội hoạt động gián điệp. Báo này dẫn nguồn tin từ các quan chức ngoại giao cho biết các quan chức Mỹ và Thụy Điển đã có các cuộc thảo luận không chính thức về việc dẫn độ Assange từ Thụy Điển sang Mỹ. Nguồn tin này cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét việc cáo buộc ông Assange tội gián điệp liên quan tới việc công bố chưa từng có các tài liệu ngoại giao mật của Mỹ trên trang mạng WikiLeaks.

Những người ủng hộ Assange cho rằng đề nghị dẫn độ hoàn toàn mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, luật sư của hai phụ nữ Thụy Điển kiện Assange về tội quấy rối tình dục, Claes Borgstroem, nói với các phóng viên tại Stockholm rằng vụ việc này hoàn toàn không có liên quan gì đến WikiLeaks, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) hay chính quyền Mỹ.

Bất chấp việc Assange đã bị bắt, trang mạng WikiLeaks vẫn tiếp tục đăng tải các điện tín ngoại giao Mỹ và tiếp tục có thêm nhiều nước “nóng mặt” với những thông tin liên quan đến họ vừa bị tiết lộ.

Trong khi đó, người con trai 20 tuổi của Assange nói, anh hy vọng rằng việc bố mình bị bắt ở Anh sẽ không phải là một bước dẫn tới việc ông sẽ bị di lý sang Mỹ. Con trai Assange, Daniel, hiện là nhà phát triển phần mềm và sống ở thành phố Melbourne, Australia. Daniel đã có nhiều năm không liên lạc với cha, song anh hy vọng rằng ông sẽ được xét xử “công bằng và phi chính trị”.

VÂN KHÁNH

baodatviet:
Cập nhật lúc :10:45 AM, 10/12/2010

Sau bao nỗ lực của nhiều Chính phủ, nhà sáng lập Wikileaks cuối cùng cũng sa lưới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cuộc chiến pháp lý để dẫn độ và buộc tội nhân vật làm khuynh đảo nền ngoại giao toàn cầu này mới thực sự là bài toán nan giải.

>> 'Cha đẻ' Wikileaks quyền lực nhất thế giới?

Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ Thụy Điển sẽ thất bại trước giới cầm quyền Mỹ trong nỗ lực “giành giật” Assange bởi Anh, nơi nhà sáng lập Wikileaks bị giam giữ, là quốc gia châu Âu có cơ chế dẫn độ mật thiết nhất với Mỹ.

Anh và Mỹ ký một hiệp ước dẫn độ khẩn cấp hồi năm 2003. Thỏa thuận này nhằm đẩy nhanh tiến độ xét xử một tội phạm.

Karen Todner, một luật sư chuyên về các vụ dẫn độ cho rằng, theo quan điểm của các công tố viên Mỹ, Anh là nơi họ có thể tìm các nghi can dễ dàng nhất ở châu Âu.

Trong khi đó, Thụy Điển, với những điều luật bảo vệ giới truyền thông mạnh mẽ sẽ phải hao tốn nhiều thời gian và công sức hơn mới có thể “sở hữu” nhân vật làm khuấy đảo cả thế giới này.

Tuy nhiên, Peter Sommer, chuyên gia về tội phạm mạng tại ĐH Kinh tế London nhận định: “Giới chức Mỹ có thể đưa Assange về nước mình xét xử, song việc trước tiên họ phải làm là có được những cơ sở pháp lý chặt chẽ để buộc tội nhân vật này”.

Ông giải thích thêm, Mỹ sẽ phải chứng minh là Assange phạm một tội danh mà luật pháp Anh cũng quy định.

Dẫn độ và xét xử ông chủ Wikileaks không đơn giản.

Theo chuyên gia này, cả Mỹ và Thụy Điển đều có những điều kiện cần nhưng chưa đủ để dẫn độ và buộc tội ông chủ Wikileaks. Dù bất lợi trong việc dẫn độ nhưng Thụy Điển có nhân chứng là hai người phụ nữ cáo buộc nhân vật này cưỡng hiếp họ. Trong khi đó, Washington hiện chưa thể có đủ luận cứ để khép tội Assange theo Đạo luật liên quan đến các hoạt động gián điệp.

Hơn nữa, bất chấp sự tồn tại của hiệp ước dẫn độ Anh – Mỹ, thực tế cho thấy, không phải vụ dẫn độ nào cũng diễn ra nhanh chóng. Trường hợp của tin tặc Gary McKinnon là một ví dụ điển hình.

Dù nhân vật này thừa nhận đột nhập hệ thống mạng của quân đội Mỹ vài tháng sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9 nhưng cũng phải mất hơn 8 năm Washington mới có thể đưa Gary McKinnon ra khỏi London, về nước xét xử bởi những tranh cãi liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng, không ai có thể đảm bảo rằng, trường hợp như của Gary McKinnon không tái diễn đối với ông chủ của Wikileaks.

“Thời gian cho vụ dẫn độ này có thể sẽ kéo dài. Khả năng Anh sẽ giam giữ nhân vật này 18 tháng hoặc hai năm là rất có thể xảy ra”, ông Peter Sommer cho hay.

Không chỉ vậy, các luật sư của Assange có thể còn tranh luận rằng, thân chủ của họ sẽ không được xét xử công bằng tại Mỹ bởi giới chức nước này đang quá tức giận với Assange.

Trong khi đó, dư luận không phải hoàn toàn phản đối ông chủ Wikileaks. Thậm chí, nhân vật có tiếng như Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng lên tiếng phản đối việc bắt người sáng lập Wikileaks và mô tả việc giam giữ người này ở Anh là "phi dân chủ".

"Tại sao ông Assangr lại bị giam trong ngục? Đó có phải là dân chủ hay không? Tôi muốn có câu trả lời từ các đồng nghiệp Mỹ", ông Putin cao giọng.

Một cuộc tấn công đồng loạt của các tin tặc ủng hộ ông chủ Wikileaks.

Trước đó, các tin tặc ủng hộ Wikileaks còn phát động chiến dịch mang tên Trả đũa nhằm tấn công các công ty thanh toán trực tuyến của Mỹ như MasterCard, Visa, PayPal vì các công ty này ngưng dịch vụ chuyển tiền quyên góp cho Wikileaks.

Ngày 8/12, mọi giao dịch trực tuyến của công ty MasterCard bị gián đoạn nghiêm trọng, trong đó có hệ thống mã an toàn xác nhận các thanh toán qua mạng.

Chiều cùng ngày, trang web của công ty Visa bị tê liệt. Trong khi đó, trang web của ngân hàng Thụy Sỹ PostFinance cũng thể hoạt động. Các tin tặc trừng trị vì ngân hàng này khóa tài khoản của Julian Assange hồi đầu tuần.

Trà My (theo Japantoday, Ria Novosti)

Dantri: Thứ Sáu, 10/12/2010 - 09:52
(Dân trí) - Thủ tướng Nga Putin hôm qua đã dẫn đầu nhóm các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ người sáng lập trang WikiLeaks, trang gần đây đã tiết lộ hàng trăm ngàn tài liệu mật của Mỹ. Ông Putin cho rằng việc giam giữ Assange ở Anh là “phi dân chủ”.

Thủ tướng Nga Putin.

Làn sóng ủng hộ Julian Assange, người hiện đang bị giam tại Anh để chờ dẫn độ sang Thụy Điển vì những cáo buộc cưỡng hiếp, bắt đầu lan rộng khi các hacker mệnh danh là “những nhà hoạt động hack” gia tăng các cuộc tấn công vào các tranh mạng phản đối WikiLeaks.

Sau khi tấn công các trang web của Visa, Mastercard, trang web của chính phủ Thụy Điển cũng như các trang khác, những người ủng hộ WikiLeaks đã tấn công bất thành trang Amazon.com.

Trong khi đó, Thủ tướng Nga Putin cũng phản đối việc giam giữ nhà sáng lập 39 tuổi của WikiLeaks, trang web đã tiết lộ hàng trăm ngàn công điện ngoại giao mật của Mỹ cũng như thông cáo của Lầu Năm Góc.

“Tại sao ông Assange lại bị giam hãm? Điều đó có phải là dân chủ? Đúng là “cái nồi chê cái ấm”", ông Putin cho hay. “Tôi muốn có câu trả lời từ các các đồng nghiệp Mỹ”.

Cùng đồng điệu với Thủ tướng Putin, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng lên án vụ bắt giữ Assange là một đòn giáng vào “tự do ngôn luận”.

Phan Anh
Theo AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét