“Công trình 1000 năm: Làm vội không phải vì thành tích”

VnMedia:
Chủ tịch thành phố Hà Nội::
“Công trình 1000 năm: Làm vội không phải vì thành tích”
Cập nhật lúc 10h28" , ngày 11/12/2010 -

(VnMedia) - “Các đồng chí bảo việc gì phải làm vội. Đây là công trình tốn kém tiền của nhân dân rất nhiều. Nếu cố gắng làm kịp kỷ niệm là thành quả của nhân dân. Bây giờ chủ nghĩa thành tích không còn nữa rồi” - Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo nói về các công trình Đại lễ.


>>Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội bị "chê"
>>
Hạ ngầm cáp điện: Tốn tiền chưa chắc đã an toàn

Trong kỳ họp HĐND Thành phố lần này, nhiều đại biểu đã chất vấn Thành phố về chất lượng các công trình Đại lễ. Theo đó, một số đại biểu cho rằng, vì chạy theo thành tích nên nhiều công trình có chất lượng không tốt, gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, tại phiên họp cuối cùng chiều 10/12, Chủ tịch UBND Thành phố đã cho rằng, đánh giá như vậy là không công bằng.

“Có những công trình, hạng mục công trình có biểu hiện không đảm bảo chất lượng như gạch lát ở một số tuyến phố bị vỡ, một số điểm hố ga, bậc thềm tại công viên Hòa Bình sụt lún, chỗ này bong sơn, chỗ kia mẻ vữa… Đánh giá khách quan là có công trình làm tốt, có hạng mục không tốt, cũng có công trình do triển khai gấp chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật nay phải khắc phục làm lại. Trách nhiệm của tình trạng này thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát, đơn vị thi công và công tác quản lý nhà nước, giám sát của UBNDTP. Tới đây UBND TP tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng của từng công trình và có biện pháp xử lý khắc phục đảm bảo phát huy được giá trị của công trình” – ông Thảo nói.


Ảnh minh họa

Về chỉnh trang đô thị, ông Thảo thừa nhận có nơi làm bừa, làm ẩu - ảnh: HNM

Về ý kiến đại biểu và dư luận cho rằng có quá nhiều công trình được khánh thành, khai trương đợt này là do chạy theo thành tích một cách không cần thiết, ông Thảo “phản bác”: “Chất lượng công trình kỷ niệm không phải chỗ nào công trình cũng như vậy (không tốt – PV). Đánh giá như vậy là không công bằng. Có những công trình kỹ thuật rất cao như Bảo tàng Hà Nội. Các đồng chí bảo việc gì phải làm vội? Chỉ cần chúng ta cố gắng nỗ lực, tích cực nữa thì đấy chính là thành quả lao động của nhân dân và cũng là công trình mang lại lợi ích cho nhân dân trong những ngày đại lễ này. Nhận thức vấn đề phải hết sức khoa học, đầy đủ, tôi mong muốn các đồng chí đánh giá cho công bằng. Đừng đánh giá chỗ này sụt lún, chỗ kia mẻ vỡ vài viên gạch… mà hãy đánh giá cả công trình, sự hy sinh vất vả của người lao động”.

Đây là công trình tốn kém tiền của nhân dân rất nhiều. Nếu cố gắng làm kịp kỷ niệm là thành quả của nhân dân. Không thể đánh giá thấp thành quả lao động của hàng ngàn người. Đã có những kết quả cơ bản. Bây giờ chủ nghĩa thành tích không còn nữa rồi” - Chủ tịch Thành phố khẳng định.

Theo ông Thảo, Hà Nội đã hoàn thành tốt tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và do đó, Hà Nội thể hiện một cách xứng đáng vai trò của mình đối với cả nước và đối với bạn bè quốc tế.

Về chỉnh trang đô thị, ông Thảo thừa nhận có nơi làm bừa, làm ẩu nhưng tới đây, Thành phố sẽ thanh tra kiểm tra một số dự án chỉnh trang đô thị. Ông Thảo cho biết, ngay từ đầu Thành phố đã chỉ đạo, chỗ nào cần thiết thì hạ ngầm, hè phố chỗ nào cần lát lại thì làm, không thì thôi. Gạch tháo dỡ vỉa hè này phải chuyển sang vỉa hè nơi khác. “Mặt muốn đẹp không muốn chỉnh trang, cái đó là mâu thuẫn. Đã làm phải bụi bẩn. Tuy nhiên có một số nơi làm ẩu, kém thì phải chấn chỉnh” – ông Thảo nói.

Nhà siêu mỏng – siêu méo: Hà Nội chắc chắn giải quyết được

Liên quan đến vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo mà các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội trong buổi họp trước, ông Thảo khẳng định: Đây là việc rất khó nhưng Hà Nội chắc chắn làm được.

Thành phố cấm không cho xây, nhưng Quận, huyện, phường xã quản lý lỏng lẻo để xây dựng xong mới giải quyết nên không giải quyết dứt điểm được. Đây là khuyết điểm rất chủ quan. Để khắc phục, thái độ của Thành phố rất kiên quyết. Hiện đã thống kê có hơn 80 trường hợp phải tháo dỡ. Cần thiết thì thu hồi để thiết kế không gian công cộng. Siêu mỏng siêu méo là vấn đề đương nhiên phải thực hiện để thành phố thực sự văn minh” - Chủ tịch Thành phố khẳng định.



Ảnh minh họa

Chủ tịch TP khẳng định sẽ giải quyết được vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo

Nói về Quy hoạch tuyến phố hai bên đường mới mở, ông Thảo cho rằng Thành phố đã làm tốt nhiều tuyến phố. “Từ khi tôi về (làm chủ tịch Thành phố - PV), đã có nhiều ý kiến đóng góp chỉ cần kẻ chỉ ra 5-7m hai bên đường. Tôi đã chỉ đạo không chỉ quy hoạch hai bên đường mà quy hoạch toàn bộ đô thị tiếp giáp và gắn kết với tuyến đường khác để tránh nhà Siêu mỏng siêu méo”

Ông Thảo cho biết, làm các tuyến phố có đất trống hai bên đường thì dễ hơn như Láng Hạ, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng kể cả Khuất Duy Tiến, Nguyễn Phong Sắc. Còn những tuyến đường đã quy hoạch có dân cư dày đặc như Trần Khát Chân, Ô Chợ Dừa thì việc triển khai “cực khó”. “Phần vốn giải phóng lòng đường, hai bên đường đã bố trí để tránh như Kim Liên-Ô Chợ Dừa, con đường đắt nhất hành tinh. Phần 2 bên ngân sách không thể kham được, mà phải xã hội hoá” – ông Thảo nói.


Liên quan đến việc các tuyến phố đã quy hoạch nhưng “treo” quá lâu do không có sự đồng thuận của người dân, ông Thảo cho rằng “Đây là vấn đề không đơn giản. Tới đây là luật chúng ta phải làm. Phải đưa ra phương án tối ưu, bảo đảm lợi ích của người dân. Chúng ta phải làm tốt vận động tuyên truyền, phải chỉ ra được lợi ích kinh tế xã hội của người dân. Và có cả chế tài đối với quy hoạch để mọi người liên quan có trách nhiệm thực hiện quy hoạch đó”.


Tuệ Khanh

Chất vấn của HĐND TP Hà Nội::

Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội bị "chê"

Cập nhật lúc 14h24" , ngày 09/12/2010 -

(VnMedia) - Không thuyết phục; không hiểu pháp luật; làm sai mà không biết nhận sai; trả lời khiến đại biểu không thoả mãn; không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của HDND; chỉ hô khẩu hiệu… là những phản ứng mà Đại biểu HĐND dành cho GĐ Sở QHKT Hà Nội…

Sáng nay (9/12), Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Văn Hải là người đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu HĐND Thành phố. Hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề quy hoạch đã được đại biểu nêu, tuy nhiên phần trả lời đã không nhận được sự thỏa mãn, đồng tình của đại biểu.

Mở đầu phiên chất vấn, ông Hải đã trả lời thắc mắc của cử tri về tình hình lập và thực hiện quy hoạch trên địa bàn Thành phố trong 10 năm qua theo Nghị quyết 09/2000 của HĐND. Theo ông Hải, việc mở đường đồng thời với xây dựng các tuyến phố mới hai bên đường là việc làm “rất khó, chưa thực hiện được”.

Nguyên nhân được ông Hải chỉ ra là do nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, chỉ có thể đầu tư vào các công trình có lợi ích công cộng (mở đường), mà không đủ tiền để đầu tư vào các dự án có tính chất kinh doanh (khai thác quỹ đất hai bên đường để đầu tư xây dựng công trình và bán thu hồi vốn). “Ngay cả khi ngân sách đủ đầu tư xây dựng đường thì việc kêu gọi các nhà đầu tư ngoài Nhà nước vào đầu tư cũng chưa đủ các căn cứ pháp lý để thực hiện được” - ông Hải khẳng định.

Về việc thu hồi đất ở, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc “đổ” cho là quá phức tạp, chưa có các chính sách, quy định pháp luật đầy đủ để thực hiện, khung giá bồi thường cách xa giá thị truòng… Đặc biệt, ông Hải cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là việc chưa có sự đồng thuận của người dân trong việc phối hợp với chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng. Một khó khăn nữa mà ông Hải nêu ra là các quy định, văn bản pháp lý còn chưa đủ hoặc ban hành chậm so với yêu cầu của thực tiễn trong công tác tổ chức thực hiện đầu tư theo quy hoạch…

Tuy nhiên, phần trả lời của Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc đã vấp phải sự phản ứng của rất nhiều đại biểu tham dự hội nghị.


Ảnh minh họa

Quang cảnh hội trường tại kỳ họp thứ 22 - Hội đồng nhân dân TP Hà Nội - ảnh: Tuệ Khanh

Theo đại biểu Vũ Đức Tân, nếu nói rằng việc thực hiện gặp khó khăn do không có sự đồng thuận của người dân thì ngược lại, chính quyền cũng phải xem lại việc đảm bảo lời hứa của mình. “Có chỗ người dân nhường chính quyền, mặc dù về pháp lý họ có quyền đòi hỏi nhưng vẫn nhường để thành phố có được mặt bằng làm công trình. Nhưng đến khi thoả thuận thì Thành phố lại có cái làm chưa đúng” - ông Tân nói. Ví dụ được ông Tân đưa ra là, đường vành đai 3, có 15 hộ dân đã kêu từ mười mấy năm nay nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết chế độ cho họ. Hơn nữa, cùng một dự án như nhau phải đền bù như nhau, nhưng thực tế đền bù mỗi nơi mỗi khác thì “làm sao mà có được sự đồng thuận của người dân?”.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam thì đánh giá, nghị quyết 09 của HDND là rất đúng đắn. Những khó khăn mà GĐ Sở Quy hoạch nêu ra hôm nay, Nghị quyết cũng đã lường trước hết được từ trước. Do vậy, nguyên nhân, khó khăn mà ông Hải nêu ra là “không thuyết phục”.Ông Hải cho rằng, nói thiếu căn cứ pháp lý là không đúng, nói thiếu nguồn lực lại cũng không được. “Thiếu là thiếu cái gì, tại sao không báo cáo Chính phủ, không báo cáo HDND để tháo gỡ khó khăn? Chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho một bộ mặt đô thị xấu, có hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo” - đại biểu Nam bức xúc khi nói về con đường “đắt nhất hành tinh: Kim Liên - Ô Chợ Dừa”.

Chất vấn tại hội trường, đại biểu Ngô Văn Ny đã khiến Giám đốc sở Quy hoạch Nguyễn Văn Hải đặc biệt lúng túng khi dẫn chứng việc phó Giám đốc Sở này đã từng trả lời truyền hình về việc giải quyết nhà siêu mỏng siêu méo. Theo đó, Phó Giám đốc Sở khẳng định “Đà Nẵng làm được nhưng Hà Nội không thể làm được”, còn GĐ Sở thì lại bảo “Hà Nội chắc chắn làm được”. “Giám đốc sở nói một đằng, Phó Giám đốc Sở nói ngược lại. Vậy tóm lại Hà Nội có làm được không?”. Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở một lần nữa khẳng định và hứa luôn: “Hà Nội chắc chắn sẽ làm được”. Ông Hải cho rằng, việc Phó giám đốc nói không làm được là do ông này có lẽ “lúng túng” trong lúc trả lời phỏng vấn.

Tuy nhiên, phản ứng lại câu trả lời của ông Hải, đại biểu Trần Trọng Hanh khẳng định luôn: “Nếu nói như Giám đốc vừa nói thì chắc chắn sẽ không bao giờ làm được như đồng chí hô khẩu hiệu đâu!”.


Ảnh minh họa

Các đại biểu tại phiên chất vấn - ảnh: Tuệ Khanh

Đại biểu Trần Trọng Hanh phân tích: Việc nói rằng thiếu căn cứ luật pháp để làm là không đúng vì ngay từ những năm 90, quy định đã có rất đầy đủ để thực hiện. Vấn đề là có làm nghiêm túc hay. “Chẳng phải trình ai, xin ai cả. Nếu muốn là Hà Nội có thể quyết được ngay” - ông Hanh nói. Theo ông Hanh, cái chính là các văn bản đã không đi vào cuộc sống, nguyên nhân là do không có sự chỉ đạo, không có sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn. “Nếu dân không đồng tình thì phải hỏi lại là tại sao dân không đồng tình? có sai thì nên nhận, không nên né tránh. Nếu sai mà thật thà nhận thì dân còn tha thứ” - ông Hanh gay gắt.

Nói việc dân không đồng thuận với chính quyền, đại biểu Nguyễn Đức Biền chất vấn: “Việc quy hoạch có một giải pháp rất quan trọng nhưng chưa thực hiện, đó là công khai quy hoạch và thông tin trên thông tin đại chúng. Nếu công khai và quản lý chặt chẽ thì chắc chắn dân sẽ đồng thuận. Vậy bao giờ thì có thể công khai?”. Tuy nhiên, vấn đề này Giám đốc Sở cũng chỉ nhận là “chưa làm được” mà không giải thích nguyên nhân. Ông Hải cũng chỉ hứa là tới đây “sẽ cố gắng”.


Ảnh minh họa

Đại biểu Trần Trọng Hanh bên hành lang cuộc họp - ảnh: Tuệ Khanh

Là một trong những người phản ứng gay gắt các câu trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Trúc, đại biểu Nguyễn Việt Hưng đánh giá “Giám đốc Sở không nắm được câu hỏi của đại biểu”. Ông Hưng cho rằng, Thành phố đã không nghiêm túc thực hiện nghị quyết của HĐND. “Đây không phải là lần đầu tiên nghị quyết của HDND bị vị phạm” - đại biểu Hưng nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hưng, đại biểu Nguyễn Thị An nói rằng đọc xong, nghe xong câu trả lời, bà “chả thấy rõ cái gì”. Bà An thắc mắc: “Có chuyện không minh bạch trong giá đền bù khiến người dân không đồng thuận không? Hiện nay, có ý kiến cho rằng, “ai Chí phèo” thì người đó được hưởng lợi. Điều đó có đúng không?”. Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Loan cũng nhận rằng mình “không thoả mãn” với câu trả lời chất vấn và “dồn” Giám đốc Sở bằng câu hỏi: “Tại sao không giải quyết triệt để?” “Tới đây có giải quyết tồn tại không” và “Bao giờ thì giải quyết xong”?

Với những chất vấn gay gắt của các đại biểu và sự lúng túng của Giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc, Thành phố đã phân công ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lên “đỡ”.

Theo ông Bình, những việc mà đại biểu chất vấn là “những việc khó”, trong đó có cái khó của cả quá trình lịch sử để lại. “Những chất vấn này, giá mà các đại biểu chất vấn tỉ mỉ từ mấy năm trước thì giờ đã hiệu quả hơn” và “Việc quá khứ nên để lại, nhìn lại để suy nghĩ làm cho tương lai”.


Tuệ Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét