Vi phạm cam kết lãi suất, sẽ “trả giá” thế nào?

VnEconomy
picture

Một số ngân hàng cho biết đã sẵn sàng thực hiện cam kết mới từ ngày mai (11/12).

MINH ĐỨC
15:20 (GMT+7) - Thứ Sáu, 10/12/2010

Cuộc họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với đại diện các ngân hàng thương mại khu vực phía Nam vừa kết thúc cách đây vài giờ

Khi cam kết thay cho đồng thuận, lãi suất huy động VND có thể ổn định hơn. Nhưng, vẫn còn đó những băn khoăn về tính thị trường.

Cuộc họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với đại diện các ngân hàng thương mại khu vực phía Nam vừa kết thúc cách đây vài giờ. Kết quả đạt được về cơ chế lãi suất cơ bản thống nhất với cuộc họp tương tự tại khu vực phía Bắc hôm qua (9/12).

Cam kết mạnh hơn đồng thuận?

Tại cuộc họp ở khu vực phía Bắc, 12 ngân hàng thương mại qua Ngân hàng Nhà nước cùng cam kết sẽ thực hiện áp mức lãi suất huy động VND tối đa là 14%/năm trên bảng niêm yết. Trường hợp có các chương trình khuyến mại, tặng thưởng, tổng lãi suất theo quy đổi chung không vượt quá 15%/năm.

Tại cuộc họp ở khu vực phía Nam, nội dung cam kết trên cơ bản cũng đã được thống nhất.

Như vậy, hệ thống các ngân hàng thương mại sẽ có một định hướng mới về lãi suất huy động VND, cam kết thay cho đồng thuận trước đó. Khâu còn lại, theo tìm hiểu của VnEconomy, là việc soạn thảo một văn bản để chính thức trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Với những diễn biến mới trên, đã có những thay đổi quan trọng. Thứ nhất, "đồng thuận" giữa các ngân hàng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) từ đầu tháng 11 vừa qua dự kiến sẽ được thay thế bằng "cam kết" qua Ngân hàng Nhà nước. Thứ hai, mức tối đa 12%/năm theo đồng thuận trước đó được thay bằng 14%/năm (theo niêm yết) qua cam kết mới.

Ở sự thay đổi thứ nhất, trao đổi với VnEconomy, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra để thực hiện và giám sát. "Cam kết" sẽ đảm bảo việc thực hiện tốt hơn, bởi "đồng thuận" vừa qua của Hiệp hội là mong manh, khi không có chế tài.

Giả thiết đặt ra, khi cam kết, Ngân hàng Nhà nước có thể xử lý các trường hợp vi phạm. Hướng xử lý có thể tính đến là gắn với lợi ích của ngân hàng đó qua việc hạn chế cho mở chi nhánh, phòng giao dịch hay nghiệp vụ kinh doanh mới...

Trường hợp gây ảnh hưởng lớn, có thể xử lý đến chính sách tăng vốn, cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, tăng một số tỷ lệ an toàn cao hơn mặt bằng chung…

Hướng xử lý này được kỳ vọng sẽ có giá trị "răn đe" nhất định đối với các ngân hàng thành viên. Điều này cũng gắn với lộ trình thực hiện các bộ luật liên quan trong hoạt động ngân hàng sau ba tuần nữa, với sự bổ sung các chế tài xử phạt mới...

Ở sự thay đổi thứ hai, mức lãi suất 12%/năm được thay bằng 14%/năm và có thể lên 15% nếu theo khuyến mại và tặng thưởng, được xác định trên cơ sở tình hình hoạt động chung của hệ thống và bối cảnh thị trường, đặc biệt là với lạm phát đã tăng cao.

Đã sẵn sàng triển khai

Sau hai cuộc họp trên, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết ngay ngày mai (11/12) họ sẽ bắt đầu thực hiện cam kết.

Trả lời VnEconomy về kết quả cam kết đạt được, bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), cho biết: “Bản thân các ngân hàng cần một sự ổn định, mang lợi ích cho mình, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Chúng tôi cần và ủng hộ sự ổn định đó. Ngày mai chúng tôi bắt đầu thực hiện cam kết đó, dù vừa qua chúng tôi chưa tăng lãi suất theo, và tôi không phủ nhận là mất một phần tiền gửi”.

“Thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất lên cao. Tôi nghĩ chưa hẳn là do khó khăn thanh khoản, mà có thể họ chuẩn bị cho một chiến lược nào đó trong thời gian tới. Nhưng khi thị trường xáo trộn, chúng tôi rất lo lắng. Lãi suất đầu vào nó lên quá cao, lãi suất cho vay ra theo đó bị đẩy lên. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu đầu vào cứ lên như thế thì cũng buộc phải điều chỉnh đầu ra..

Nhưng, khi làm việc với doanh nghiệp vay vốn, nói ra điều đó, lãi suất cao đó thực sự là rất khó khăn. Nhiều người nói ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi đã có người vay gánh lãi suất. Nói như thế chưa đúng, bởi nếu đẩy hết về doanh nghiệp thì rủi ro, doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi thì ngân hàng cũng khó”, bà Nga nói thêm.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank), đầu giờ sáng nay, một thông điệp mới cũng được phát đi: “Ban lãnh đạo Techcombank đã gửi thông báo trên toàn hệ thống vào cuối buổi chiều cùng ngày (9/12) về việc áp dụng mức lãi suất mới theo sự thống nhất chung của các ngân hàng trong khuôn khổ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Theo đó, mức lãi suất cao nhất 14% sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày thứ Bảy, 11/12/2010 cho các sản phẩm huy động tiền gửi dân cư của ngân hàng”.

Thế nhưng, việc thực hiện cam kết mới có ngăn chặn được những giao dịch “ngầm” với lãi suất cao hơn như vừa qua không? Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại từ chối trả lời câu hỏi này. Một số nhận định khác cho rằng vẫn khó để ngăn chặn, nhưng có thể sẽ hạn chế được, đặc biệt là nếu có các chế tài đi kèm của Ngân hàng Nhà nước.

Lộ trình cho “tính thị trường”

Có thể các giao dịch “ngầm” sẽ được hạn chế. Nhưng ở đây những giao dịch đó cũng là một tiếng nói của thị trường. Vậy có sự mâu thuẫn giữa hành chính và thị trường ở đây không?

Câu hỏi đó được bạn đọc VnEconomy đặt ra ngay khi có tin thực hiện cam kết mới. “Cơ chế thị trường” ở đây nên hiểu như thế nào khi gắn với sự điều tiết của Nhà nước? Đặc biệt, lãi suất cho vay hiện nay đã theo cơ chế thỏa thuận.

Trong bối cảnh hiện nay, thời điểm này, câu hỏi đó có thêm cơ sở khi mới đây Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giải pháp để các ngân hàng thương mại rút tiền nhanh ra khỏi lưu thông trong mùa cao điểm chi trả cuối năm, góp phần giảm áp lực lạm phát. Lãi suất huy động cao cũng là một giải pháp để hút tiền bên ngoài vào hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, khi VnEconomy tham vấn quan điểm chuyên gia, một ý kiến lại cho rằng, tiếng nói thị trường cần được tôn trọng, nhưng cần có sự điều tiết của Nhà nước. Lãi suất là một loại giá đặc biệt bởi tính ảnh hưởng rộng lớn của nó; tùy bối cảnh của nền kinh tế, của thị trường để có sự điều tiết hợp lý.

“Tôi đồng ý là khi đưa ra cam kết và vai trò giám sát, xử lý của Ngân hàng Nhà nước là hành chính. Nhưng, chúng ta cần nhìn phía sau nó là để đạt được điều gì, mục đích gì. Lúc này là cần một sự ổn định tránh xáo trộn gây bất ổn đối với hệ thống ngân hàng, với nền kinh tế. Về lâu dài, tôi đồng ý là cần tôn trọng tính thị trường, nhưng có lẽ phải có một lộ trình. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để điều tiết, thậm chí can thiệp bằng hành chính khi cần thiết để tránh bất ổn”, chuyên gia này nói.

VnExpress:
Thứ sáu, 10/12/2010, 16:18 GMT+7

Dân công sở nháo nhào vì lãi suất ‘khủng’

Bỏ cuộc họp quan trọng, nghỉ khẩn cấp giữa chừng ngay trong giờ làm việc, thậm chí không xin phép cấp trên để đi gửi tiền tiết kiệm hưởng lãi suất 17-18% một năm… là thực tế xảy ra ở nhiều cơ quan trong vài ngày gần đây.
> Lãi suất huy động về 15% / Lãi suất tiết kiệm lên đỉnh mới 18% một năm

Chiều 7/12, chị Thủy, nhân viên số hóa bản đồ tại Trung tâm Viễn thám (Hà Nội) nhận được thông tin Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB) huy động tiết kiệm với lãi suất 17,3% một năm. Ngay trong chiều, chị quyết định rút tiền tiết kiệm đang gửi ở một nhà băng quốc doanh để chuyển sang VIB.

“Bà chị gái tôi nghe tin, cũng tức tốc gọi điện từ Hải Dương lên, bảo ra ngân hàng quen rút hết số tiền gần 100 triệu của bà ấy mà tôi đang giữ hộ, chuyển sang VIB để ‘ăn’ lãi suất cao”, chị Thủy hào hứng.

Lãi suất tiết kiệm 17% sẽ không còn từ 11/12. Ảnh: Nhật Minh
Lãi suất tiết kiệm 17% sẽ không còn từ 11/12. Ảnh: Nhật Minh

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ một cơ quan trên phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội) bị lãi suất “khủng” của VIB cuốn hút đến nỗi quên cả họp. Anh kể, chiều 8/12 có một cuộc gặp quan trọng với đối tác, nhưng mải đi rút tiền từ một ngân hàng quốc doanh sang gửi tại VIB nên quên bẵng đi. “Đến 3 h chiều, tôi về đến cơ quan thì khách đã đi mất vì đợi quá lâu”, anh này than thở. Ngay sau đó, cán bộ này nhận được điện thoại của sếp mắng xơi xơi, và bắt phải giải trình về việc lỡ hẹn.

Với chị Nguyệt, nhân viên một công ty truyền thông trên phố Tây Sơn thì hiếm khi gửi tiền tiết kiệm lại mất thời gian lâu như vậy. Ngày 8/12, sau khi biết tin về chương trình tiết kiệm với lãi suất 17% một năm tại Techcombank, chị Nguyệt xin về sớm buổi sáng.

Sau khi rút tiền tại một ngân hàng khác, chị đến ngay chi nhánh Techcombank trên phố Thái Thịnh (Hà Nội). Khi có mặt tại đây, khách hàng đã xếp hàng chờ đông nghẹt và phải mất hơn 3 tiếng chầu chực, chị Nguyệt mới làm xong thủ tục gửi 100 triệu đồng. Lúc chị quay ra lấy xe về cơ quan thì gặp 3 cô đồng nghiệp cũng đang tấp tểnh mang tiền đi gửi ở ngân hàng này.

Trong ngày 8/12, chị Thanh Lan, nhân viên một công ty du lịch có trụ sở tại quận 11 TP HCM cũng xin sếp nghỉ buổi chiều để đi rút tiền từ ngân hàng cũ sang Techcombank gửi. Vào thời điểm này, Techcombank chưa bị “tuýt còi” chính thức nên việc gửi tiền hưởng lãi suất cao của chị cũng thuận lợi.

Còn chị Tâm, nhân viên PR của một công ty truyền thông tại TP HCM thì không được may mắn như vậy. Sáng 9/12, sau khi Techcombank bị “tuýt còi” lãi suất 17% và các nhà băng khác cũng đã rút biển quảng cáo, chị Tâm không tìm được ngân hàng đưa ra lãi suất tương đương. Mất công dò hỏi mãi chị cũng chỉ được gửi ở một nhà băng cổ phần với lãi suất 16% một năm cho kỳ hạn 1 tháng.

Trong khi đó, anh Nam nhân viên IT của một công ty viễn thông lớn tại TP HCM thì lại chuốc bực mình khi bỏ việc buổi sáng để đi gửi tiền tại một ngân hàng cổ phần cỡ vừa. Theo thông báo trước đó, nhà băng này cho hưởng lãi suất 17,3% một năm nhưng anh lại chỉ được đưa mức 17%. Anh Nam cho biết, ngoài việc lãi suất không đúng như thông báo, nhân viên nhà băng này lại thao thao bất tuyệt nói xấu ngân hàng khác nên anh bực mình lấy tiền đem về nhà băng cũ để gửi dù lãi suất thấp hơn.

Gần cuối giờ sáng hôm nay, rất nhiều nhân viên công sở tại Hà Nội vẫn đang rủ nhau xin nghỉ sớm để đi tìm nhà băng gửi tiền lãi suất “khủng”. “Theo thông tin mới nhất, kể từ ngày mai 11/12, các ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm về 14% và khuyến mại thì cũng chỉ 15% một năm, nên hôm nay là hạn chót rồi. Tôi phải tranh thủ đi rút tiền quay sang một ngân hàng mà bạn tôi giới thiệu vẫn cho gửi 17% một năm nốt hôm nay”, chị Thanh – nhân viên một công ty tài chính tại Hà Nội nói.

Lệ Chi - Tuệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét