Vì sao ngân hàng châu Á đồng loạt tăng lãi suất?

BAODATVIET.VN:
Cập nhật lúc :10:46 AM, 09/12/2010
Nhiều nước trong khu vực châu Á đồng loạt nâng mức lãi suất ngân hàng thời gian vừa qua. Nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng “lây lan” này?

“Cơn lốc” tăng lãi suất

Mở đầu cho chuỗi tăng lãi suất ngân hang đồng loạt của các quốc gia châu Á là cường quốc mới nổi Trung Quốc. Ngày 20/10 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố tăng lãi suất cơ bản huy động và cho vay đồng Nhân dân tệ của các cơ quan tài chính - ngân hàng. Lãi suất huy động kỳ hạn một năm tăng 0,25%, từ 2,25% lên mức 2,5%. Lãi suất cho vay kỳ hạn một năm tăng 0,25%, từ 5,31% lên tới 5,56%; lãi suất huy động và cho vay các loại kỳ hạn khác cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng.

Đây là lần tiên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng lãi suất sau gần ba năm. Lần tăng lãi suất gần đây nhất là tháng 12/2007. Để ứng phó tính thanh khoản dồi dào và áp lực lạm phát, năm 2007, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã 6 lần tăng lãi suất huy động và cho vay. Từ tháng 9/2009, để ứng phó khủng hoảng tài chính quốc tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lại 5 lần giảm lãi suất cho vay và bốn lần giảm lãi suất huy động.

Láng giềng của Trung Quốc, đồng thời cũng là “bạn hàng” lớn của nước này, Hàn Quốc cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 16/11 nâng lãi suất thêm 0,25% lên 2,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong năm nay. Trước đó, BOK đã giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục là 2% trong 17 tháng để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, trước khi tăng lãi suất lên 2,25% trong tháng 7. Việc trì hoãn tăng lãi suất trong ba tháng qua của BOK đã khiến lạm phát gia tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10 vừa qua với tốc độ 4,1%, vượt mức trần 4% của BOK.

Lạm phát tăng cao khiến ngân hàng trung quốc phải tăng lãi suất.
Ảnh: Bussiness Times

Tương tự Hàn Quốc, ngân hàng trung ương các nước Australia và Ấn Độ cũng tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát do đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 2/11, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã bất ngờ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75% sau 6 tháng đóng băng. Thống đốc RBA Glenn Stevens nhận định, cán cân rủi ro đã tới điểm và việc thắt chặt chính sách tiền tệ sớm, ở mức vừa phải là điều cần thiết. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán RBA sẽ duy trì lãi suất trong tháng thứ 6 liên tiếp, khi tỷ lệ lạm phát ở nước này gần đây vẫn ở mức thấp. Các số liệu công bố tuần trước cho thấy lạm phát ở Australia trong quý III/2010 ở mức 2,4%, nằm trong giới hạn 2 - 3% mà RBA đặt ra. Tuy nhiên, ông Stevens cho biết mặc dù giá cả đang giảm song lạm phát có thể sẽ tăng trở lại trong trung hạn.

Trong khi đó, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho biết, lãi suất ở châu Âu và Mỹ khó có thể tăng trước năm 2011 để không ảnh hưởng xấu tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, vốn đang bị suy giảm bởi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Tăng lãi suất để giảm lạm phát

Nguyên nhân tiên quyết mà chính phủ các nước đưa ra để giải trình lý do tăng lãi suất thường là kiềm chế lạm phát. Tiến sĩ Kim Wan-joong đến từ Viện nghiên cứu tài chính Hana, Hàn Quốc, phân tích: sang đến tháng 9, áp lực lạm phát giá cả tăng vọt khiến tất cả các thành viên Ủy ban Tài chính tiền tệ Hàn Quốc đều nhất trí tăng lãi suất cơ bản lên 0,25 điểm phần trăm. Nói cụ thể hơn, giá cả tiêu dùng vốn đã ổn định một thời gian dài, đến tháng 9 vừa qua đã đạt 3,6% và tháng 10 là 4,1%. Trước tình hình này, chính phủ Hàn Quốc thấy cần thiết phải đối phó với xu hướng lạm phát giá cả và xua đi nỗi lo của người tiêu dùng về tăng giá, nên đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên.

Như vậy, theo lời Tiến sĩ Kim thì việc tăng lãi suất cơ bản trong tháng 11 là để đối phó với tình trạng lạm phát giá cả. Với sự gia tăng của giá rau quả, giá cả tiêu dùng đã tăng lên 4,1%, vượt quá mục tiêu về lạm phát mà Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đề ra.

Giá sản xuất cũng tăng lên đến 5%, mức cao nhất trong vòng 22 tháng trở lại đây. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu trên thế giới cũng đang tăng nhanh chóng. Nếu không có biện pháp kiềm chế lạm phát từ bây giờ thì tỷ lệ tăng giá tiêu dùng trong năm tới có thể lên tới trên 3%. Tuy nhiên, khi lãi suất cơ bản tăng lên thì sẽ kéo theo lượng ngoại tệ đổ vào trong nước nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu. Cũng chính vì lý do này mà trong tháng trước, bất chấp áp lực giá cả, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất. Tuy nhiên áp lực lên Ngân hàng trung ương đã nhẹ bớt khi các yếu tố bất ổn bên ngoài, vốn dẫn đến việc đóng băng lãi suất, đã được giải tỏa, đặc biệt là sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul kết thúc.

Ngân hàng Hàn Quốc cũng tăng lãi suất để "theo kịp" các nước trong khu vực. Ảnh: Marketwatch.

Tương tự như vậy, quyết định của Trung Quốc tăng lãi suất vừa qua có thể ví như một mũi tên bắn vào ba mục tiêu: lạm phát, bong bóng bất động sản và bong bóng chứng khoán. Việc Trung Quốc tăng lãi suất cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiền tệ, thị trường hàng hóa quốc tế, hầu hết các đồng tiền (trừ USD) đều bị mất giá, riêng đồng USD lên giá, chỉ số đồng USD từ 77 điểm tăng lên 78,15 điểm. Chỉ một giờ sau tuyên bố của Trung Quốc giá vàng, giá đồng, giá dầu và giá nông sản trên thị trường quốc tế đã giảm gần 2,5%. Qua kinh nghiệm tăng lãi suất của Trung Quốc có thể rút ra bài học: Hiện nay, các điều kiện và hoàn cảnh của nền kinh tế vĩ mô thay đổi hàng ngày, do đó chính sách cũng phải thay đổi cho phù hợp, chỉ khi nào chính sách thay đổi kịp thời thì mới có thể phát huy được hiệu quả.

Kinh nghiệm bình ổn thị trường tiền tệ

Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, tăng lãi suất ngân hàng chỉ là biện pháp tạm thời để kiềm chế lạm phát. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã thực hiện một loạt chính sách nhằm bình ổn nền kinh tế trong dài hạn.

Từ năm 2007, Hàn Quốc đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp giảm áp lực lạm phát. Đầu tiên là thành lập tổ công tác về chính sách liên ngành đối với sự ổn định giá cả với sự tham gia của 14 cơ quan Trung ương như Bộ Tài chính kinh tế, Bộ Tài nguyên, Bộ Giáo dục, Bộ Nông lâm, Cơ quan y tế thực phẩm... Ủy ban trao đổi thương mại bình đẳng. Nhiệm vụ là theo dõi, kiểm soát những sản phẩm tăng giá quá nhanh, thành lập “nhóm điều tra hiện trường” điều tra, theo dõi về việc sản xuất, lưu thông hàng hóa liên quan đến dân sinh. Chính quyền địa phương cũng thành lập cơ quan chỉ đạo và Ủy ban đối sách về giá cả để theo dõi xu hướng lên xuống của giá cả và đề ra chính sách tương ứng.

Ở quy mô rộng hơn, tăng cường điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Theo đó, chính phủ và cơ quan tài chính sẽ điều chỉnh phù hợp chính sách tiền tệ, kiểm soát thị trường ngoại hối. Cụ thể, Hàn Quốc thực hiện miễn giảm thuế, tăng cường trợ cấp cho những gia đình có thu nhập thấp, mở rộng phạm vi hỗ trợ cho tầng lớp dân cư có thu nhập thấp thông qua các quỹ hỗ trợ tài chính cho giáo dục, hỗ trợ phúc lợi, miễn giảm thuế. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tạo thêm các cơ hội việc làm cho những người nghèo trong xã hội, sử dụng ngân sách chính phủ giúp giảm bớt áp lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, quan trọng không kém là ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi bán phá giá không chính đáng, trọng điểm là những hành động lũng đoạn giá cả, tăng cường giám sát các hành vi tăng giá cao các sản phẩm hàng hóa như dầu mỏ, lương thực, phòng ngừa những giao dịch không minh bạch thông qua lợi dụng thị trường và địa vị chính trị.

“Hàng xóm” của Hàn Quốc là Nhật Bản cũng không hề kém cạnh trong việc kiểm soát lạm phát. Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia trên thế giới ổn định nhất về giá cả các loại hàng bán lẻ và cách làm dẫn đến sự thành công đó là: coi trọng tính ổn định trong việc cung cấp các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống. Chính phủ kiểm soát khâu lưu thông và đưa ra mức giá của hàng hóa, kiểm soát, điều tiết hiệu quả việc sản xuất và khâu thị trường. Hiện nay ở một số nơi đã xây dựng các trung tâm cung cấp sản phẩm hàng bán lẻ quy mô lớn để tiện cho chính phủ trong việc kịp thời, nắm bắt tình hình, tạo cơ sở nhanh chóng ổn định giá cả. Một biện pháp khác mà Nhật Bản sử dụng là xây dựng, kiện toàn hệ thống mạng thông tin, kịp thời công khai các thông tin về thị trường để phòng ngừa lạm phát và các hành động cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi đó, quốc gia sát sườn với Việt Nam là Thái Lan thực hiện kết hợp kiểm soát đồng bộ để giá cả không tăng nhanh. Coi lương thực, rượu, sữa, bình ắc-quy, bốn loại hàng hoá thuộc vào những mặt hàng bắt buộc chịu sự quản lý về sản xuất, kinh doanh, bất cứ hành vi tăng giá những mặt hàng này đều phải được sự cho phép của Bộ Thương mại. Kế hoạch "lá cờ xanh” do Chính phủ Thái Lan đề ra yêu cầu các hãng cung ứng hàng hóa phải đưa ra thị trường các loại thực phẩm và đồ đi kèm với sự tiện lợi về dịch vụ giao hàng và giá phải rẻ hơn những cửa hàng thông thường.
Phan Anh (tổng hợp)

Dân trí:
Thứ Năm, 09/12/2010 - 06:33
(Dân trí) - Cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động VND gần như không có điểm dừng khi ngân hàng thương mại đẩy lên mức 17 - 18%.
>> Yêu cầu Techcombank điều chỉnh lãi suất huy động VND
>> Nan giải bài toán lãi suất
Bằng nhiều hình thức lãi suất VND đang được các NHTM đẩy lên (ảnh: QĐ).
Trưa 8/12, tại phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á ở phố Xã Đàn (Hà Nội), biểu lãi suất huy động VND được bày công khai trước cửa với mức 18%/năm. Lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này là loại thả nổi, kỳ hạn đầu tiên áp dụng 18%/năm còn các kỳ tiếp theo sẽ tăng giảm theo thị trường.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, SeABank được xem là ngân hàng đầu tiên công khai biểu lãi suất cao ngất ngưởng như trên. Trước đó, một số ngân hàng cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất lên tới 17%/năm nhưng không công khai, mà chỉ những khách hàng đến gửi tiền mới được nhân viên ngân hàng cập nhật.
Thậm chí, một số hộ dân tại khu tập thể 178 Giải Phóng còn nhận được tờ rơi ghi Techcombank Giải Phóng điều chỉnh lãi suất huy động lên 17% trong “3 ngày vàng tiết kiệm” (từ ngày 8 - 10/12).
Tờ rơi này ghi: “Tổng lãi suất và ưu đãi 17% chỉ áp dụng cho tháng đầu tiết kiệm, các kỳ sau theo lãi suất niêm yết cùng thời kỳ, khách hàng không được rút trước kỳ hạn”, hay như: “Thưởng tiền mặt 500.000 đồng khi giới thiệu khách hàng mới; Thưởng tiền mặt lên tới 500.000 đồng khi gia hạn tiền gửi”…
Trước sự biến động của mặt bằng lãi suất, chiều nay 8/12, Ngân hàng Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội và các ngân hàng thương mại đã có cuộc họp gấp về vấn đề này.
Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc Techcombank triển khai chương trình huy động mới đã châm ngòi cho các ngân hàng khác công khai nâng lãi suất lên trên 17%, thậm chí là 18%. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt việc tăng lãi suất, tránh xáo trộn trên thị trường.
Thông tin ban đầu cho thấy, phía Techcombank đã có cam kết sửa lãi suất 17% và sau cuộc họp của các lãnh đạo SeABank, ngân hàng này đã thống nhất điều chỉnh lãi suất huy động VND thả nổi 36 tháng xuống mức cao nhất là 14% cho các kỳ lĩnh lãi 1,2 tháng…
An Hạ

Cập nhật lúc :11:11 AM, 09/12/2010

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu Techcombank ngừng thực hiện sản phẩm tiết kiệm “03 ngày vàng” và công bố thông tin này trên các phương tiện truyền thông để ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.
>> 'Bão’ lãi suất đe dọa sản xuất, kinh doanh
>> Phát hoảng với lãi suất huy động ‘khủng’

Cụ thể, nội dung này được nêu lên trong công văn gửi đi số 9577/NHNN-CSTT của NHNN, yêu cầu Techcombank phải kịp thời rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lãi suất huy động VND.

Trong hai ngày 7 và 8/12, lãi suất huy động bằng VND trên thị trường tiền tệ tăng đột biến lên mức 17 - 18% một năm, xuất hiện tâm lý lo ngại trên thị trường tiền tệ. Chiều ngày 8/12, tại cuộc họp do NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội tổ chức với các ngân hàng thương mại có trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo báo cáo của NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội, ý kiến của Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Viêt Nam và các ngân hàng thương mại, thì nguyên nhân của tình hình lãi suất huy động tăng đột biến là do Techcombank thực hiện lãi suất huy động vốn 17% một năm thông qua sản phẩm tiết kiệm “03 ngày vàng”.

Trên website, chương trình "3 ngày vàng" của Techcombank vẫn chưa được tuyên bố dừng lại.

Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, Thống đốc NHNN yêu cầu Techcombank không tiếp tục thực hiện sản phẩm tiết kiệm “03 ngày vàng” và công bố thông tin này trên các phương tiện truyền thông để ổn định thị trường tiền tệ.

Song, tới 11h hôm nay, trên website của Techcombank vẫn chưa thấy ngân hàng này thông báo đã dừng chương trình khuyến mãi “03 ngày vàng”. Tuy nhiên, khi Đất Việt liên lạc với một nhân viên thuộc Techcombank chi nhánh Hà Thành (102 Thái Thịnh, Hà Nội), anh này thừa nhận ngân hàng đã dừng chương trình trên, song khách gửi tiền trong hôm nay và ngày mai với số tiền tối thiểu 100 triệu đồng thì vẫn được hưởng mức lãi suất vượt trội là 16,3%, còn các tiền thưởng khác như giới thiệu khách gửi tiền hay gia hạn sản phẩm vẫn giữ nguyên. Như vậy, so với mức lãi suất đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì mức 16,3% cho lãi suất huy động tại ngân hàng này vẫn quá cao.

Một khách hàng đang có ý định gửi tiền còn cho biết, khi gọi điện sang một chi nhánh của ngân hàng này, nhân viên vẫn chèo kéo "gửi ngay trong hôm nay và ngày mai để nhận mức lãi suất ưu đãi".

Trao đổi với Đất Việt, một lãnh đạo của Techcombank cho biết, ngân hàng đã dừng chương trình này từ sáng nay. Những khách hàng đã gửi tiền trong ngày hôm qua theo chương trình khuyến mãi vàng thì vẫn được hưởng mức lãi suất 17%, song vị này từ chối tiết lộ những khách hàng gửi tiền trong hôm nay và ngày mai, đáp ứng đủ điều kiện như chương trình khuyến mại vàng thì sẽ được hưởng mức lãi suất bao nhiêu. Khi được hỏi có chi nhanh của Techcombank vẫn đang huy động với lãi suất cao 16,3%, vị này cho hay không hề biết thông tin này và sẽ cho kiểm tra, rà soát.
Đông Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét