NATO sẽ áp sát Trung Quốc

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :6:00 AM, 10/12/2010
Để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, Mỹ thúc đẩy chiến lược mở rộng NATO bị bỏ lửng sau 30 năm.

Từ những năm 1980, Mỹ đã có ý tưởng mở rộng NATO ra ngoài phạm vi châu Âu để cương tỏa Trung Quốc. Những biến đổi trên vũ đài quốc tế thời gian gần đây đã thúc đẩy Mỹ tiếp tục chính sách này.

Điểm qua mối quan hệ Mỹ - Trung

Những năm 1980, dù đang ở trong "tuần trăng mật", nhưng Mỹ vẫn tính chuyện mở rộng NATO sang châu Á để kiềm chế Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung có những sự khác biệt rất lớn cả về mặt địa chính trị, quân sự và văn hóa. Do đó, có thể thấy rằng, đây là một cặp quan hệ song phương quan trọng nhất nhưng cũng phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế.

Thêm vào đó, sự “trỗi dậy mạnh mẽ” của Trung Quốc sau 30 năm cải cách và mở cửa, sức mạnh tổng hợp của quốc gia này được nâng lên rõ rệt khiến Mỹ lo ngại và xem Trung Quốc là một thách thức tiềm tàng đối với tham vọng bá quyền của Mỹ.

Trong báo cáo quốc phòng 4 năm mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2006, Mỹ nêu rất rõ rằng: Trung Quốc là “đối tượng phòng ngự an ninh quân sự”.

Ngoài vấn đề quốc phòng, giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại nhiều bất đồng khác, như vấn đề kinh tế (Mỹ nhập siêu lớn của Trung Quốc, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, vấn đề bản quyền ở Trung Quốc); chiến lược “mở rộng dân chủ của Mỹ”; vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương...

Mỹ đánh giá Hải quân Trung Quốc

Về mặt quân sự, Mỹ đặc biệt chú ý tới Hải quân Trung Quốc. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng này được Mỹ đánh giá là bước đi quan trọng để Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.

Trong một báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ mang tiêu đề “Phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc” hồi tháng 8 có nêu: Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để mở rộng tầm hoạt động tác chiến ngoài khu vực biển Trung Quốc. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào phát triển các tàu ngầm hạt nhân và đang chuẩn bị sở hữu chiếc tàu sân bay đầu tiên…

Tàu ngầm Trung Quốc neo đậu tại căn cứ hải quân Du Lâm ở Hải Nam.


Các nỗ lực trên cho thấy Trung Quốc đang tìm cách phát triển sức mạnh quân sự ngoài phạm vi cuộc xung đột ở Đài Loan”.

Báo cáo cũng chỉ rõ, Quân đội Trung Quốc đang phát triển các chiến hạm và căn cứ có khả năng giải quyết các mối quan ngại ngoài phạm vi Biển Đông và biển Hoa Đông, thậm chí có thể vươn tới Ấn Độ Dương và ngoài các quần đảo ở Tây Thái Bình Dương.

Hiện tại, Trung Quốc chuẩn bị hoàn thành một căn cứ hải quân mới ở đảo Hải Nam. Căn cứ này đủ lớn và hiện đại để sử dụng cho cuộc tấn công kết hợp giữa các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và các các loại vũ khí hiện đại trên biển.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển tàu sân bay và ngành công nghiệp đóng tàu của nước này có thể khởi công đóng 1 chiếc tàu sân bay vào cuối năm nay. “Xu hướng phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay là nhân tố chính trong thay đổi cân bằng quân sự ở Đông Á”, trích báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Mở rộng NATO sang châu Á

Trước bối cảnh quan hệ quốc tế và những động thái phát triển trên của Trung Quốc, Mỹ và đồng minh Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa “ngôi thống trị” Thái Bình Dương trong suốt thời gian qua. Do đó, Mỹ và Nhật Bản buộc phải tìm ra phương cách gì đó để giải quyết mối quan ngại này.

Ngoài việc tổ chức các cuộc hội đàm chi tiết về biện pháp đối phó với sự phát triển hải quân của Trung Quốc; thiết lập đường dây nóng hàng hải để tránh xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản; Mỹ đã xây dựng một kế hoạch là mở rộng NATO sang châu Á để kiềm chế và đối phó với Trung Quốc.

Nhật Bản, Ấn Độ, Australia được Mỹ kỳ vọng là "tiền đồn" kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Để bảo đảm vai trò bá chủ của mình, Mỹ chủ trương mở rộng NATO không những ở châu Âu để kiềm chế Nga mà còn muốn toàn cầu hóa tổ chức liên minh quân sự này kể cả ở châu Á để kiềm chế Trung Quốc. Tất nhiên là với một hình thức khác.

Kế hoạch của Mỹ là tăng cường liên minh quốc phòng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Để lôi kéo Ấn Độ, Mỹ đã ký Hiệp ước hợp tác hạt nhân với nước này.

Tham vọng lớn nhất trong kế hoạch của Mỹ về xây dựng NATO ở châu Á là việc kết nạp Ấn Độ - đối tác lớn nhất và chiến lược quan trọng nhất trong sự phát triển của NATO sang phía đông. Mỹ đang dần thay thế Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ và xây dựng quốc gia Nam Á này để kiềm chế Trung Quốc.

Mối quan hệ và ý đồ của các tổ chức và quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay là khá đa dạng và rất phức tạp, chưa thể loại trừ hết bất trắc, nhưng xu thế hợp tác mạnh hơn xu thế đối đầu.

Vì lợi ích của mình, các nước lớn tuy có nhiều điều chưa hài lòng với nhau nếu không muốn nói là mâu thuẫn, nhưng họ đều muốn đối thoại và tránh để xảy ra xung đột hoặc một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.

Thanh Mai (tổng hợp)

- Sent using Google Toolbar"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét