Lãi suất cho vay cao liệu có ảnh hưởng đến bình ổn giá?

VOVNEWS.VN
Cập nhật lúc : 8:05 PM, 10/12/2010

(VOV) - Việc lãi suất ngân hàng tăng không chỉ ảnh hưởng đến việc vay vốn của doanh nghiệp mà còn có thể tạo nên sự khó khăn trong việc bình ổn giá cả, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề

>> Siết chặt cuộc đua tăng lãi suất huy động đồng Việt Nam

Doanh nghiệp kêu khó

Thời gian qua, thị trường tiền tệ bất ngờ tăng “nhiệt” khi lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đột ngột tăng cao ngay sau đợt bùng phát của giá vàng và USD.

Lãi suất cho vay tại một số ngân hàng hiện đã lập “đỉnh” 19%/năm, khiến nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Trí Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Long Thành - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ván sàn gỗ công nghiệp cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã đến một số ngân hàng để xin vay nhưng đều khó khăn vì các ngân hàng chỉ ưu tiên khách hàng quen.

Một số ngân hàng vì nguồn vốn cuối năm cũng không dồi dào, hạn mức tín dụng cũng đã gần hết nên tạm ngưng cho vay.

Hạ lãi suất ngân hàng để giúp bình ổn giá

Ngoài ra, năm nay doanh nghiệp còn gặp thêm khó khăn khác là tỷ giá cao, USD ở thị trường tự do có lúc lên tới 21.500 đồng, cộng với lãi suất tăng cao ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí có lúc doanh nghiệp rơi vào tình trạng lỗ là chuyện bình thường. Ông Vũ Trí Dũng nói: “USD tăng, lãi suất cũng tăng khiến giá thành sản phẩm của công ty cũng tăng theo. Vì vậy lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm theo”.

Cũng theo ông Dũng để tiếp tục duy trì sản xuất, doanh nghiệp này phải thực hiện cắt giảm bớt các chi phí khác để đẩy mạnh doanh số bán hàng ra nhằm hỗ trợ lại việc tỷ giá và lãi suất tăng cao. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là nếu doanh số bán hàng không đạt yêu cầu thì thiệt hại còn nặng nề hơn.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa xuất nhập khẩu, quan hệ sản xuất kinh doanh nhiều với các doanh nghiệp nước ngoài, ông Nguyễn Hiền Vũ – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Logistic cho biết, những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần tiền USD để trả cho các đối tác ở nước ngoài, trong khi đó, giá USD lại tăng cao mà rất khó mua.

Mặt khác, nguồn USD ở các ngân hàng cũng không nhiều mà lại khó tiếp cận. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách cố gắng xoay sở, hoạt động cầm chừng, thắt lưng buộc bụng, cố gắng giảm mọi chi phí cần thiết, để khi nào vấn đề tỷ giá và lãi suất ổn định thì doanh nghiệp mới tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ cho rằng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hiện nay thì điều cần thiết là Nhà nước phải kiểm soát được vấn đề tỷ giá đừng để tăng cao quá. Hiện USD ở thị trường tự do đã lên đến gần 22.000 đồng, trong khi đó lại suất ngân hàng lại quá cao.

Theo ông Vũ, nếu lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 15% thì doanh nghiệp có thể chấp nhận được để có thể tiếp cận được vốn vay.

Hạ lãi suất để bình ổn giá cuối năm

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng tính đến cuối tháng 11 tăng hơn 22% so với cuối năm 2009, trong khi hạn mức đưa ra cho năm 2010 là 25%. Do đó những tháng cuối năm, hạn mức tín dụng cho vay ra thị trường sẽ được hạn chế, mức lãi suất cao đang là rào cản nguồn vốn ngân hàng đến với doanh nghiệp.

Hạ lãi suất ngân hàng để giúp bình ổn giá

Một vài ngày gần đây, nhiều ngân hàng đã phá vỡ thỏa thuận lãi suất huy động ở mức 12%/năm, tăng lãi suất huy động lên 13% - 14,5%/năm thậm chí có ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 18%/năm. Mặc dù lãi suất huy động ở mức cao nhưng một số ngân hàng cũng không dễ dàng huy động được vốn, dẫn đến việc các doanh nghiệp càng khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng chủ yếu là nguồn vốn tự có và chỉ vay thêm một ít của ngân hàng khi thiếu thì các doanh nghiệp trong nước chủ yếu hoạt động sản xuất dựa vào vốn vay.

Thế nên với lãi suất cao như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước rất khó tiếp cận vốn vay. Tính hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã thấp nay lại tiếp tục thấp đi. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị mất thời cơ và không phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình, sức cạnh tranh hàng hóa bị giảm rất nhiều.

Bởi vậy, doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì vẫn tiếp tục phải vay ngân hàng. Còn doanh nghiệp nào tính toán việc vay vốn quá cao chỉ có thể thực hiện co lại sản xuất và chờ thời cơ. Bởi vậy trong hoàn cảnh như hiện nay, các doanh nghiệp buộc phải thích nghi, khắc phục những yếu kém để bù lại những chính sách có phần chặt chẽ hơn và khả năng tiếp cận vốn khó hơn.

Mục tiêu tăng lãi suất vừa qua là để giảm lạm phát, giữ cho tỷ giá được ổn định. Thế nhưng, việc duy trì lãi suất cao không nên kéo quá dài bởi nó sẽ ảnh hưởng đến những dự án trung và dài hạn, tạo khan hiếm hàng hóa trong tương lai đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngân hàng Nhà nước cần kéo lãi suất ở mức chấp nhận được, lãi suất cho vay ở mức 15% - 16%/năm là hợp lý. Tình trạng lãi suất huy động cao, sẽ kéo lãi suất cho vay cao, khiến các doanh nghiệp có cớ đẩy giá hàng hóa dịch vụ tăng cao trong dịp Tết Nguyên Đán, ảnh hưởng đến mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế và mục tiêu kiềm chế lạm phát của nước ta trong năm nay./.

Văn Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét