Nguy cơ một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên?

VOVNEWS.VN:
Cập nhật lúc : 8:17 PM, 10/12/2010

Đảo Yeongpyeong, nơi xảy ra vụ đấu pháo liên Triều hôm 23/11
(VOV) - Bình Nhưỡng cảnh cáo rằng, những cuộc thao dượt pháo binh và những kế hoạch xây dựng của Hàn Quốc sẽ đưa bán đảo này tiến gần hơn tới bờ vực của chiến tranh.

Ngày 10/12, Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản tại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên Akitaka Saiki có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin để thảo luận khẩn cấp về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Đây là một trong những động thái ngoại giao mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm tháo gỡ bế tắc tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày. Với những diễn biến khó lường như hiện nay, người ta đang nhìn thấy một cuộc đối đầu ngoại giao giữa một bên là Mỹ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc với một bên là Trung Quốc và Triều Tiên.

Kể từ sau cuộc đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên hôm 23/11 đến nay, hàng loạt các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các bên tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã diễn ra.

Hôm 29/11, Trung Quốc đã đề nghị cuộc họp khẩn cấp 6 bên về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nhưng cũng đã nhận được sự từ chối vì các bên cho rằng, việc nối lại vòng đàm phán chỉ hữu ích nếu Bình Nhưỡng có biểu hiện muốn thực sự từ bỏ ý đồ chạy đua vũ trang. Ngay sau đó, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc gặp 3 bên tại Washington, tiếp đến là cuộc gặp song phương giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cuộc gặp song phương giữa Nga và Nhật Bản và sắp tới là cuộc gặp giữa Nga và Hàn Quốc. Tất cả các cuộc gặp này đều có chung một mục đích là giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, các cuộc gặp ngoại giao này sẽ chẳng thể đi đến một kết quả thực chất nào khi đằng sau đó là những toan tính của các cường quốc lớn giữa một bên là Mỹ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và một bên là Trung Quốc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Bằng chứng là ngay sau cuộc gặp 3 bên Mỹ - Nhật –Hàn, Trung Quốc đã chỉ trích cuộc gặp này như một chất xúc tác cho những mâu thuẫn trong mối quan hệ liên Triều hiện nay.

Theo giới quan sát, các cuộc tập trận phô trương sức mạnh ở Hoàng Hải và cuộc thảo luận giữa 3 Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn ở Washington đã dồn Bắc Kinh vào thế cô lập. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã tạo được một thế chân kiềng xung quanh vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh và Moscow đều không lên án bên nào và kêu gọi kiềm chế sau vụ đấu pháo. Trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn lên án Triều Tiên và liên tục tập trận chung thì Trung Quốc, Nga và Triều Tiên lại kêu gọi đàm phán.

Giới quan sát nhận định tình thế 3 chọi 3 trên đang là mối đe dọa lớn đối với hòa bình của cả khu vực.

Tình hình sẽ căng thẳng hơn nếu các bên không dừng ngay các hành động khiêu khích lẫn nhau. Sau vụ đấu pháo hôm 23/11 đến nay, người ta thấy đã có 3 cuộc tập trận quân sự quanh bán đảo Triều Tiên, hoặc là của Mỹ và Hàn Quốc, hoặc của riêng Hàn Quốc hoặc giữa Mỹ và Nhật. Chưa hết, Hàn Quốc thông báo sẽ có tiếp các cuộc tập trận với Mỹ trong thời gian tới, có thể là trong tháng này hoặc đầu năm sau. Thậm chí, một quan chức quân đội Hàn Quốc hôm 9/12 còn cho biết, một nhóm bao gồm các quan chức của Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc và Mỹ sẽ đến Đài Loan để thăm đảo Kim Môn vào ngày 20/12 tới, vì quân đội Hàn Quốc đang có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại 5 đảo trên biển Tây theo mô hình căn cứ ngầm trên đảo Kim Môn.

Bình Nhưỡng cảnh cáo rằng những cuộc thao dượt pháo binh và những kế hoạch xây dựng này của Hàn Quốc sẽ đưa bán đảo này tiến gần hơn tới bờ vực của chiến tranh. Không ai rõ, những cảnh cáo này đang ở mức độ nào, song không loại trừ một cuộc chiến tranh liên Triều năm 1950-1953 đang được tái hiện nếu các nỗ lực ngoại giao hiện nay không phục vụ mục đích chung của toàn khu vực Đông Á./.

Thu Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét