Đó là nhận xét của họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại cuộc hội thảo Mỹ thuật Việt Nam – Hội nhập và phát triển” diễn ra tại Hà Nội ngày 10/12.
Các tham luận tại hội thảo đã khẳng định: lớp họa sĩ trẻ ngày nay là lực lượng kế cận của mỹ thuật Việt Nam mai sau, là chìa khóa để mỹ thuật Việt Nam hội nhập và phát triển. Họ táo bạo trong ý tưởng và phương pháp thể hiện, mạnh dạn đi tìm đối tác và sống bằng nghề. Bên cạnh đó, các họa sỹ trẻ có nhiều điều kiện như nguyên vật liệu để sáng tạo đa dạng và nhiều chủng loại, có thị trường, có môi trường cổ vũ sáng tạo, có điều kiện mở rộng nội dung, tìm tòi phong cách, có điều kiện giao lưu quốc tế…
Nói như họa sĩ Trần Khánh Chương: Lớp họa sĩ trẻ tự biết trau dồi kinh nghiệm ngay trên ghế nhà trường, họ thể nghiệm cái sáng tác của mình trong đường biên đề tài rộng rãi, họ sẵn sàng thể nghiệm để tìm ra cho mình một cái gì đó phù hợp. Họa sĩ Trần Khánh Chương đánh giá: “Đó là một điều rất tốt bởi rõ ràng họ là trụ cột cho triển lãm Mỹ thuật 2010. Còn về mặt nghệ thuật tôi thấy rất phong phú và đa dạng về phong cách, có thể nói là lớp trẻ đang làm cho hội họa và điêu khắc Việt Nam có một bước chuyển”.
Tuy nhiên, liệu lớp họa sỹ này đã đủ sức để chèo lái con thuyền mỹ thuật Việt Nam chưa? Có thể nhận thấy ngoài những ưu điểm nhận được, trong sáng tạo nghệ thuật lớp họa sỹ trẻ còn tồn tại một số hạn chế. Như nhà lý luận phê bình mỹ thuật Trần Thức nhận xét: các họa sỹ trẻ hiện nay đã tìm sự mới lạ trên tranh nhưng lại quên mất cái gốc của nghệ thuật là tình cảm. Dường như trong tác phẩm, họ chăm chăm đưa đến một thông điệp nhanh mà quên mất xây dựng những kinh điển. Như tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010 có trưng bày bức tranh sơn dầu lớn nhất Việt Nam của một họa sĩ trẻ, đây là bức tranh có kích thước đồ sộ, nhưng chất lượng nghệ thuật còn chưa đến tầm chỉ mang tính chất minh họa là chính. Bên cạnh đó, chính sự hội nhập ngày càng sâu rộng của xã hội phát triển một số họa sĩ trẻ đã đánh mất bản sắc cá nhân chạy theo con đường sao chép, dập khuôn.
Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Trần Thức nói: “Đa số họa sĩ trẻ đã cố gắng trong sáng tạo nhưng vẫn còn chịu nhiều sự ảnh hưởng hơi lộ liễu, thậm chí còn có sự sao chép. Muốn hòa nhập thì phải giữ vững sự phát triển bền vững và khác biệt của nền mỹ thuật”.
Có thể thấy dám nghĩ, dám làm là bản sắc của lớp họa sĩ trẻ ngày nay. Họ đã khẳng định được vị thế của mình trong nền mỹ thuật Việt Nam qua số lượng tác phẩm phong phú, nhiều triển lãm cá nhân đặc sắc. Mà đặc biệt, đó chính là sự chịu khó học hỏi của các họa sĩ này.
Họa sĩ Trương Tuấn Tú chia sẻ: “Là họa sĩ trẻ mình cố gắng hết mình ở trong mọi hoạt động để bổ xung kiến thức. Đến thời điểm này mình chưa hài lòng với tác phẩm nào”.
Bài toán “Mỹ thuật Việt Nam hội nhập và phát triển” vẫn đang được những người làm nghệ thuật tìm lời giải đáp thỏa đáng. Đội ngũ họa sỹ trẻ ngày nay với những thuận lợi đang có cùng sức bật của tuổi trẻ hứa hẹn sẽ đưa nền mỹ thuật đến tầm cao mới. Tuy nhiên họ sẽ không thể tạo dấu ấn đậm nét nếu thiếu đi sự chỉ dẫn của các bậc đàn anh cũng như sự định hướng từ các nhà quản lý./.
Ngọc Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét