Khoanh vùng đối tượng tình nghi tấn công VietnamNet

Thanh Nien Online:
08/12/2010 0:23


Theo một nguồn tin có thẩm quyền đề nghị không nêu tên từ VietnamNet, cơ quan an ninh điều tra đã bước đầu khoanh vùng được đối tượng tình nghi trong vụ tấn công Báo điện tử VietnamNet hôm 6.12 vừa qua.

Theo đó, đối tượng này được xác định là người ở trong nước và có những mối liên hệ nhất định với nội bộ của VietnamNet. Tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về việc các đối tượng này có phải là “người trong nhà” của VietnamNet hay không. Nguồn tin của VietnamNet cũng cho biết, nhiều khả năng chỉ trong vài ngày tới sẽ xác định được cụ thể đối tượng này.

Trường Sơn


07/12/2010 1:07
Giao diện Báo điện tử VietnamNet khi xảy ra tấn công - Ảnh: T.Sơn

* Tên miền .vn đang được hacker “ưa chuộng”

Vụ báo điện tử VietnamNet (VNN) bị tấn công vào sáng 6.12 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an ninh mạng.

Thủ phạm đã đưa lên trang chủ VNN một số bài viết và đường liên kết dẫn tới các thông tin nội bộ VNN như mã nguồn, cơ sở dữ liệu, các báo cáo nội bộ, hợp đồng kinh doanh..., các thông tin lý giải các vụ việc VNN bị đánh sập trước đó... Đến khoảng 9 giờ 30 cùng ngày, các bài viết, đường liên kết đã được VNN gỡ bỏ.

Theo ông Bùi Bình Minh, trợ lý Tổng biên tập VNN về công nghệ thông tin, hacker đã lấy được mật khẩu của một trong số những cán bộ có quyền xuất bản, từ đó đưa các thông tin trên lên VNN. Một nguồn tin khác từ VNN cho biết hacker còn truy cập được vào hệ thống e-mail nội bộ của VNN từ đó lấy cắp các thông tin nội bộ của VNN để đưa lên mạng.

Sau khi vụ việc xảy ra, VNN đã giới hạn quyền xuất bản từ xa và yêu cầu tất cả các cán bộ có trách nhiệm phải tới cơ quan để thực hiện việc đăng tải tin, bài. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận an ninh mạng Công ty Bkav, trong vụ tấn công này, hacker đã kiểm soát được phần mềm quản trị nội dung (CMS) của VNN, từ đó có thể tự xuất bản lên các trang nội dung của VNN.

Theo ông Minh, điều tra ban đầu cho thấy có sự liên quan nhất định giữa cuộc tấn công này với cuộc tấn công hôm 22.11. “Mục tiêu của những kẻ tấn công là nhằm phá hoại, cản trở hoạt động, đồng thời gây tổn hại uy tín và tạo mâu thuẫn nội bộ trong VNN”, ông Minh nói.

Cũng theo đại diện của VNN, vụ tấn công cho thấy thủ phạm là người hiểu rõ hệ thống, quy trình vận hành cũng như một số vấn đề liên quan của VNN. Một chuyên gia về an ninh mạng đề nghị giấu tên cho biết vụ việc cho thấy nhiều khả năng vụ tấn công này là do “người nhà” của VNN gây ra nhưng các khả năng khác cũng không hoàn toàn được loại trừ. “Vụ tấn công đã giúp VNN có thêm nhiều thông tin điều tra xác định đối tượng. Đến nay đã có nhiều cơ sở để khẳng định đối tượng tấn công là hacker Việt Nam”, ông Minh cho biết.

Vào ngày 22.11, VNN cũng đã bị tấn công, xóa đi rất nhiều dữ liệu làm cho báo điện tử này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về công nghệ cao và Công ty an ninh mạng Bkav đã vào cuộc và bước đầu khoanh vùng các đối tượng tình nghi.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, vụ việc này lại tiếp tục là một lời cảnh báo đến các website VN về vấn đề an ninh mạng. Ông Đức nói rằng nhiều DN, đơn vị hiện mới chỉ tập trung đầu tư cho hệ thống kỹ thuật, phần mềm mà chưa chú trọng đến quy trình vận hành và yếu tố con người. Theo đại diện của Bkav, các đơn vị nên áp dụng bộ tiêu chuẩn về an ninh, an toàn thông tin ISO 27001 trong đó quy định các vấn đề liên quan, các biện pháp kỹ thuật vào điều kiện của mình. Từ đó mới có thể đưa ra giải pháp tổng thể để giải quyết dựa trên đặc thù riêng của mỗi hệ thống.

Cũng theo thông tin từ Bkav, trong tháng qua đã có 161 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 13 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 148 trường hợp hacker nước ngoài.

Tên miền .vn đang được hacker “ưa chuộng”

Xung quanh vụ VNN bị tấn công, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đỗ Thắng (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng Athena.

Có thể rút ra điều gì từ vụ VNN bị tấn công, thưa ông?

Về nguyên tắc bảo mật, nhất thiết phải có nhiều mật khẩu chia sẻ cho nhiều người cùng nắm giữ. Báo điện tử VNN bị tấn công dễ dàng, đó là do chỉ có một mật khẩu do một người đứng đầu nắm giữ, nếu hacker lấy cắp được thì hết sức nguy hiểm, bằng chứng là website này đã bị tấn công đến 3 lần từ đầu tháng 11 đến nay, thủ phạm cũng đã lấy được cả cơ sở dữ liệu và thay đổi nội dung trang chủ. Đó là do khâu bảo mật còn yếu.

Ông nhận xét thế nào về tình hình phá hoại mạng hiện nay?

Theo một số nguồn tin từ những cơ quan có thẩm quyền, xu hướng tội phạm tin học Việt Nam trong năm qua nổi lên một số đặc điểm như chủ yếu tấn công vào hệ thống thẻ tín dụng để trục lợi. Đây vẫn là hình thức tấn công phổ biến nhất. Xu hướng người nước ngoài phối hợp với người trong nước thực hiện các tấn công từ hệ thống máy tính của VN đang là một hiện tượng đáng ngại.

Đích tấn công đang ngày càng trở nên đa dạng hơn. Bên cạnh việc tấn công các máy chủ, hacker còn tấn công qua trò chơi điện tử, qua tin nhắn SMS, tấn công vào các điện thoại thông minh. Ngoài ra, các vi phạm truyền thống nhưng sử dụng công nghệ mạng như đánh bạc, cá độ bóng đá đang có xu hướng gia tăng.

Chỉ tính riêng các tháng đầu năm 2010 đã có trên 300 website của các cá nhân và tổ chức có tên miền .vn bị hacker nước ngoài tấn công và thăm dò. Các website bị tấn công chủ yếu là các website thanh toán trực tuyến, ngân hàng, các tổ chức cung cấp dịch vụ. Đồng thời, ước tính đã có 150.000 máy tính bị nhiễm vi-rút và phần mềm gián điệp.

Tình hình như trên đã đến mức báo động chưa, thưa ông?

Theo số liệu của Hãng bảo mật McAfee, năm nay, website sử dụng tên miền .vn đã lọt vào top 5 nhóm website có nguy cơ bị tấn công nhiều nhất trên internet, với tỷ lệ 29,4%. Năm 2009, vị trí đó là 39. Điều đó có nghĩa là tên miền .vn của VN đã trở thành đích ngắm của tội phạm mạng, xếp thứ 3 trong số những tên miền có nguy cơ bị tấn công cao nhất.

Theo báo cáo bảo mật của McAfee, VN nằm trong nhóm dẫn đầu về bị tấn công “SQL Injection” (nhằm vào lỗi của các ứng dụng chạy trên web) chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Cũng theo báo cáo của McAfee, số lượng phần mềm độc hại được phát hiện hoạt động nhiều hơn bao giờ hết trong 6 tháng đầu năm 2010. Cùng lúc, tốc độ tăng trưởng của thư rác là 2,5% so với quý 1/2010.

Đáng chú ý trong báo cáo này, VN nằm trong top 15 quốc gia phát tán mã độc nhiều nhất. Trong xu hướng sắp tới, các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng công nghệ tin học, việc gia tăng các hành vi tấn công như trên thật sự là một điều đáng báo động.

Quang Thuần (thực hiện)

Trường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét