Lời cảnh báo nghiêm khắc

VOVNEWS.VN
Cập nhật lúc : 10:24 AM, 10/12/2010

Ông Putin cảnh báo Mỹ về việc không phê chuẩn START 2
(VOV) - Thủ tướng Nga Vladimir Putin vừa cảnh báo, sẽ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang, nếu Mỹ không phê chuẩn Hiệp định cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (START-2 )

Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc, bởi nếu trở thành sự thật, Mỹ sẽ mất nhiều lợi thế hơn.

Trong những ngày qua, các nhà lãnh đạo Nga đã có tới 3 lần đề cập tới khả năng đó. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo “Thương gia” của Nga ngày 5/12/2010, Thủ tướng Putin nói kiên quyết rằng: “Một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ xảy ra, nếu Nga và khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO không đạt được thỏa thuận tạo ra lá chắn tên lửa và Mỹ thì không phê chuẩn START mới”.

Trước đó, trong thông điệp liên bang đọc trước Duma Quốc gia hôm 30/11/2010, Tổng thống Nga Dimitry Medvedev cũng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng cùng các nước liên quan củng cố các cơ chế chống lại việc mở rộng kế hoạch tên lửa và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa NMD. Nhưng nếu Mỹ và phương Tây đi ngược lại quyết tâm này, cũng có nghĩa họ bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới, trong 10 năm tới, hoặc sớm hơn.

Kể từ sau chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra những tuyên bố kiên quyết như vậy đối với Mỹ. Với mục đích gây áp lực để Washington phê chuẩn START mới và phối hợp với Nga trong việc triển khai hệ thống NMD.

START-2 được Tổng thống Nga D.Medvedev và Tổng thống Mỹ B.Obama ký tháng 4 năm nay. Theo đó, hai bên cắt giảm khoảng 30% kho vũ khí hạt nhân trong vòng 7 năm tới. Khi Nga và Mỹ sở hữu tới 90% vũ khí hạt nhân thế giới, thì đây là điều rất có ý nghĩa đối với hòa bình, an ninh thế giới. START mới này còn có những điều khoản có lợi cho cả hai nước, như Nga có thể kiểm soát được kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Mỹ sẽ kiểm chứng được kho vũ khí hạt nhân của Nga. Bởi thế, đối với Mỹ, không quá khó để cùng Nga thực thi Hiệp ước cắt giảm vũ khí này, khi được Quốc hội hai nước thông qua.

Thế nhưng, vào thời điểm hiện nay, chính quyền của Tổng thống Obama đã lâm vào tình thế khó, không thể tự quyết định các quyết sách quan trọng liên quan tới các lĩnh vực an ninh, kinh tế, an sinh xã hội, do họ đã để mất quyền kiểm soát tại Quốc hội vào tay Đảng Cộng hòa. Thực tế, từ đầu tháng 12 đến nay, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã phong tỏa START-2, bằng cách không đưa Hiệp ước này vào chương trình thảo luận, phê chuẩn của Quốc hội. Mục đích của Đảng Cộng hòa là gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Obama trong việc thực thi các chính sách quan trọng về đối nội và đối ngoại, để củng cố vị thế trên chính trường, tạo lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống nước Mỹ vào năm 2012.

Đối với Tổng thống Obama, việc trì hoãn hoặc không phê chuẩn START-2 còn làm tiêu tan hy vọng của ông về việc đạt được một thành tựu đáng kể trong lĩnh vực an ninh và đối ngoại. Bởi theo ông, START-2 có hiệu lực là đòi hỏi cấp bách đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ. Và việc không phê chuẩn hiệp ước này sẽ đặt quan hệ Washington - Moscow vào thế nguy hiểm.

Nhận định này là có cơ sở. Vì với Nga, khi START-2 không được thực thi, cũng có nghĩa, không còn quyền kiểm soát hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, mà theo Moscow là đang nhằm vào lãnh thổ nước mình. Để bảo vệ an ninh, như Thủ tướng Putin nêu rõ, Nga buộc phải tăng cường kho vũ khí của mình, thay vì cắt giảm như thỏa thuận.

Xét tương quan vũ khí hạt nhân hiện nay giữa Nga và Mỹ, Washington đều chiếm số lượng lớn hơn. Đúng là nếu để bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Nhưng như người đứng đầu nước Nga tuyên bố: “Vì an ninh đất nước, Nga buộc và có quyền phải hành động cứng rắn”.

Trong khi đó, Mỹ lại bị mang tiếng đã đẩy Nga vào tình thế đó. Thậm chí họ còn bị cuốn vào cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm. Vì vậy, để tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới chỉ dừng lại là những lời cảnh báo, Chính quyền của Tổng thống Obama cần có giải pháp để Quốc hội Mỹ nhanh chóng phê chuẩn START-2, tiếp tục thúc đẩy nỗ lực cùng giải trừ vũ khí, phù hợp với lợi ích và hòa bình, an ninh của mỗi nước và thế giới./.

Vân Hương (Báo TNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét