Hàn Quốc bác bỏ họp khẩn, kêu gọi Trung Quốc “kiềm chế” Triều Tiên

Thế giới - Dân trí:
Thứ Hai, 29/11/2010 - 07:01

(Dân trí) - Tổng Thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm qua đã công khai kêu gọi Trung Quốc “kiềm chế” Triều Tiên, và bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc triệu tập tức thời các cuộc đàm phán đa phương nhằm làm dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng Thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Ðới Bỉnh Quốc.

Trung Quốc cho biết họ muốn chủ trì các phiên họp khẩn trong tháng 12, với sự tham dự của cả hai miền bán đảo Triều Tiên, với Mỹ, Nhật Bản và Nga. Lời kêu gọi đó được đưa ra giữa lúc Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài 4 ngày “nhằm phô trương lực lượng để thuyết phục Bình Nhưỡng không tiếp tục gây hấn” sau vụ giao tranh hôm 23/11.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã bác bỏ việc nối lại lập tức cuộc đối thoại đa phương liên quan tới Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, bằng lời lẽ ngoại giao, nói rằng đề nghị của Trung Quốc xứng đáng được “xem xét một cách kỹ lưỡng.”

Hôm qua, Tổng Thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tiếp phái đoàn Trung Quốc, do Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Ðới Bỉnh Quốc dẫn đầu, đến thăm Seoul. Báo chí Hàn Quốc dẫn lời Tổng thống Lee nói với các quan chức Trung Quốc rằng hiện không phải lúc để nối lại đàm phán, mà cấp bách hơn là làm thế nào ứng phó với sự hiếu chiến của Triều Tiên.

Phát ngôn viên của Tổng Thống Hàn Quốc Hong Sang Pyong cho hay, Tổng Thống Lee Myung Bak đã nói với ông Ðới Bỉnh Quốc rằng Seoul trông đợi Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Hàn Quốc còn cho biết là dịp này, Tổng Thống Lee đã truyền đạt thông điệp rằng Seoul sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất cứ hành động khiêu khích quân sự nào khác từ miền Bắc.

Những cuộc thảo luận trên diễn ra 5 ngày sau khi Triều Tiên tấn công một hòn đảo Hàn Quốc bằng một loạt đạn pháo, làm chết 4 người. Hàng không mẫu hạm George Washington của Mỹ và hai tàu khu trục của hải quân Hàn Quốc cùng nhiều tàu khác, hiện đang có mặt trên vùng biển Hoàng Hải để tham gia cuộc tập trận 4 ngày.

Các giới chức Mỹ nói cuộc diễn tập này đã được lên kế hoạch trước cuộc tấn công bằng trọng pháo của Triều Tiên. Tuy nhiên, họ không bác bỏ nhận định cho rằng cuộc thao dượt đang tiến hành là một hành động phô trương lực lượng nhằm mục đích răn đe Bình Nhưỡng không nên tiếp tục đưa ra những hành động khiêu khích khác.

Dự kiến, hôm nay, Tổng Thống Hàn Quốc Lee Myung-bak sẽ đọc một bài diễn văn gửi đến người dân. Cho tới nay, ông chưa lên tiếng trước công chúng, hoặc nói chuyện với các nhà báo, kể từ khi xảy ra cuộc tấn công hôm 23/11.

Hà Khoa
Theo AP, Reuters

laodong.com.vn:

Triều Tiên cảnh báo xung đột có thể nổ ra bất kỳ lúc nào

Thứ Hai, 29.11.2010 | 08:36 (GMT + 7)

(LĐ) - “Cuộc tập trận Mỹ - Hàn lần này cực kỳ quyết liệt và diễn ra suốt 24 giờ mỗi ngày. Tập trận bao gồm cả bắn đạn thật, ném bom, diễn tập phòng vệ và tấn công – mạnh hơn so với kế hoạch đã định".

Một quan chức Bộ Chỉ huy hỗn hợp Hàn Quốc cho biết thông tin trên. Trước đó, khoảng 6h sáng 28.11, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung 4 ngày trên biển Hoàng Hải với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ chạy bằng hạt nhân USS George Washington, 75 máy bay chiến đấu và 6.000 binh lính Hàn Quốc.

d
Lính Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung.

Vũ khí hiện đại

Cảm giác nguy hiểm hiện rõ khi quân đội Hàn Quốc đã ra lệnh sơ tán dân thường, phóng viên và công nhân xây dựng lúc trưa cùng ngày, sau khi phát hiện dấu hiệu Triều Tiên bắn súng phóng lựu 122mm và pháo bờ biển, nhưng sau đó hơn nửa tiếng, lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ. Đến trưa 28.11, trên đảo còn khoảng 40 dân thường, hơn 200 nhà báo trong và ngoài nước. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc yêu cầu tất cả các nhà báo rời khỏi đảo Yeonpyeong trên chuyến phà cuối cùng lúc 7h tối 28.11. Thông cáo của bộ viết: “Các hoạt động quân sự đang diễn ra trên đảo Yeonpyeong và chúng tôi không thể dự đoán Triều Tiên sẽ có hành động gây hấn nào”. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội đang trong tình huống rất khó khăn và không thể đảm bảo trách nhiệm về sự an toàn cho cánh phóng viên trên đảo.

Để gây sức ép với Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã huy động trong cuộc tập trận nhiều thiết bị quân sự cốt lõi. Mỹ triển khai hệ thống radar giám sát chung E-8C để giám sát các động thái của bộ binh, tên lửa đất đối không, xe bọc thép của Triều Tiên. Hệ thống này đã được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nổi bật bởi sự chính xác trong việc tìm kiếm và theo dõi các vật thể mặt đất của kẻ thù từ trên độ cao 9 đến 12km. Ngoài tàu USS George Washington 97 nghìn tấn, Mỹ cũng triển khai các tàu sân bay USS Cowpens 9.600 tấn, USS Shiloh 9.750 tấn, USS Stethem và USS Fitzerald.

Còn phía Hàn Quốc triển khai tàu khu trục Vua Sejong vĩ đại KDX-III 7.600 tấn, hai tàu khu trục 4.500 tấn, một số tàu hậu cần, tàu chiến hạng trung và hạng nhỏ cùng với máy bay chống tàu ngầm P3-C. Tàu KDX-III có thể phát hiện và theo dõi khoảng 1.000 mục tiêu bằng hệ thống radar của nó và đồng thời tấn công khoảng 20 mục tiêu. Trong cuộc họp nội các khẩn cấp một ngày trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã kêu gọi quân đội Hàn Quốc chuẩn bị đầy đủ đề phòng phản ứng của Triều Tiên từ cuộc tập trận và hỗ trợ dân cư trên 5 hòn đảo gần biên giới trên biển. Dân cư các đảo xung quanh Yeonpyeong cũng đã bắt đầu đi sơ tán.

d
Tàu USS George Washington tham gia tập trận.

Triều Tiên triển khai tên lửa

Vài tiếng sau khi cuộc tập trận bắt đầu, vài lần trong buổi sáng 28.11, từ trên đảo Yeonpyeong có thể nghe rõ từ phía Triều Tiên vang lên tiếng súng và tiếng pháo 122mm. Hàn Quốc cũng nhận thấy Triều Tiên đã triển khai tên lửa đất đối không SA-2 trên bờ biển phía tây để nhằm vào máy bay của Hàn Quốc bay gần biên giới trên biển. Loại tên lửa này do Liên Xô chế tạo, có tầm bắn 13 đến 30km. Các loại tên lửa khác như Samlet và Silkworm có tầm bắn từ 83 đến 98km cũng đã được triển khai.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 28.11 phát đi bản tin của Ủy ban Hòa bình quốc gia Triều Tiên lên án cuộc tập trận chung là mưu đồ khiêu chiến và cho rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên là “cực kỳ khẩn cấp”. Ủy ban này nói, vùng biển phía tây bán đảo “là khu vực nghiêm trọng nhất và nhạy cảm nhất, nơi xung đột quân sự có thể nổ ra bất kỳ lúc nào”.

Ủy ban này nói rằng cuộc tập trận Mỹ - Hàn “là mưu đồ để tìm cớ xâm lược và châm ngòi chiến tranh với bất kỳ giá nào”, đồng thời cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc “phải chịu mọi trách nhiệm vì đã để leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và toàn bộ phần còn lại ở Đông Bắc Á”.

Tờ Rodong Sinmun cùng ngày viết: “Chúng ta sẽ phản công không nương nhẹ đối với sự khiêu khích trên lãnh hải của chúng ta”. Triều Tiên cũng bày tỏ sự thương tiếc với 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng trong cuộc nã pháo của họ, song cáo buộc Hàn Quốc đã dùng “lá chắn người”, đặt dân thường giữa các căn cứ quân sự và pháo binh.

Sau vụ nã pháo tuần trước, Triều Tiên đã ra một chỉ thị yêu cầu đơn vị hải quân bờ biển của họ xác định tình hình hiện nay là “điều kiện gần như chiến tranh” và củng cố tính sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị này thuộc Bộ chỉ huy Hạm đội Biển Tây của Triều Tiên – hạm đội này có 70 tàu hải quân, trụ sở tại tỉnh Hwanghae cách biên giới trên biển khoảng 32km.

“Công bằng và trách nhiệm”

Trung Quốc đã ra tay vào phút cuối cùng. Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc - Đặc sứ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo - đã tới Seoul và gặp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 28.11. Ông Lee kêu gọi Bắc Kinh “có thái độ công bằng và có trách nhiệm” với mối quan hệ liên Triều và giúp khôi phục hòa bình trên bán đảo.

Ông Đới cam kết Trung Quốc sẽ nỗ lực duy trì tình hình không xấu đi, nhưng không chỉ trích Triều Tiên về vụ nã pháo tuần trước. Trung Quốc đã hoãn chuyến đi đã định của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tới Seoul hôm 26.11, cử ông Đới Bỉnh Quốc là quan chức cấp cao hơn, khiến người ta dự đoán rằng ông sẽ làm trung gian giữa hai miền Triều Tiên.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề xuất tổ chức cuộc gặp của trưởng đoàn đàm phán 6 bên vào đầu tháng 12 tới. Tuy nhiên, Trợ lý của Tổng thống Hàn Quốc nói rằng giờ không phải lúc thảo luận việc nối lại đàm phán 6 bên.

Vĩnh Nguyên (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét