|
Nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS, ngày 30/11, tại Hà Nội, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp tổ chức cuộc gặp mặt báo chí.
Tại cuộc gặp mặt, ông Steve Kraus, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bác sĩ Gottfried Hirnschall, Giám đốc chương trình phòng, chống HIV/AIDS của WHO khẳng định rằng: Sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong 20 năm ứng phó với HIV vừa qua là một tấm gương cho các quốc gia khác và là động lực dẫn đến những thành tựu đáng kể của Việt Nam trong việc mở rộng các dịch vụ dự phòng và điều trị bao gồm các dịch vụ giảm hại cho những người tiêm chích ma tuý và điều trị kéo dài cuộc sống cho những người sống với HIV.
Nhấn mạnh chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống AIDS “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”, hai quan chức cấp cao này thúc giục Việt Nam tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh các nỗ lực, nhất là các nỗ lực nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tới các dịch vụ toàn diện về HIV cho những nhóm chính chịu ảnh hưởng do HIV ở Việt Nam gồm: Người tiêm chích ma túy, gái mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng bao cao su và bơm kim tiêm sạch.
Tỷ lệ nhiễm HIV ở Việt Nam đã chững lại và số bệnh nhân AIDS tử vong ít hơn. Tính trên phạm vi toàn quốc, cứ 5 người tiêm chích ma tuý thì có 1 người bị nhiễm HIV, và ở một số tỉnh thành tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma tuý là hơn 50%. Theo một nghiên cứu năm 2009, tỷ lệ nhiễm HIV trong những phụ nữ bán dâm ở 10 tỉnh thành trung bình là 8,5%. Cả nước, ước tính có khoảng 243.000 người đang sống chung với HIV vào cuối năm 2009.
Bác sĩ Hirnschall đánh giá: Việt Nam đã mở rộng chương trình điều trị cho đối tượng này bằng thuốc kháng virus tăng 16 lần trong vòng 5 năm qua là một thành công nổi bật. Hiện, vẫn còn 53,7% những người sống với HIV ở Việt Nam cần điều trị kháng virus đang được nhiều trị. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ và trẻ em chưa tiếp cận được dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Lao và HIV vẫn còn là một gánh nặng đáng kể. Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh và cải thiện hơn nữa các dịch vụ giảm hại, chương trình điều trị các chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng methadone và cải thiện tính bền vững của chương trình điều trị HIV để ngăn ngừa HIV lan tràn ra cộng dồng bởi dịch còn đang tập trung trong nhóm có nguy cơ cao.
Bác sĩ Hirnchall nói: “Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc thực hiện các hướng dẫn của WHO, bao gồm hướng dẫn mới về dự phòng lao cho những người sống với HIV. Dự phòng lao rất quan trọng vì lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với những người nhiễm HIV. Điều đáng lo ngại là tình trạng phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn tồn tại”.
Ông Stave Kraus nhấn mạnh: Ở nơi nào có kỳ thị thì nơi đó HIV phát triển nhanh, ít kỳ thị tỉ lệ này sẽ giảm. Thay vì đẩy những người có HIV ra xa, chúng ta hãy kéo họ lại gần để họ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của mình và có những biện pháp phòng tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Dành ngân sách trong nước để đầu tư phòng chống AIDS là lựa chọn đầu tư sáng suốt cho tương lai./.
Hà Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét