WikiLeaks - Thành trì không thể công phá?

Tiền Phong Online:
07:19 | 04/12/2010

>> WikiLeaks 'chạy' trở lại sau khi thay tên miền

TP - Sau khi công bố hàng trăm nghìn tài liệu quân sự, ngoại giao... nhạy cảm khiến một số nước, trong đó có Mỹ đứng ngồi không yên, trang web WikiLeaks đến nay vẫn bình an vô sự. Đó là nhờ ban quản trị biết tận dụng luật pháp nhiều nước, hệ thống tình nguyện viên thoắt ẩn thoắt hiện như ninja và nguồn tài trợ ngầm tinh vi như mafia.

Julian Assange - Người sáng lập WikiLeaks. Ảnh: Espen Moe
Julian Assange - Người sáng lập WikiLeaks. Ảnh: Espen Moe.

Từ khi ra đời từ năm 2006, WikiLeaks công bố nhiều loại tài liệu mật của nhiều nước. Từ đầu năm tới nay, trang web công bố gần 500.000 tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh Afghanistan và Iraq, 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ...

Tận dụng sự che chở của pháp luật

Theo bài trả lời phỏng vấn của người sáng lập WikiLeaks là Julian Assange trên trang Medien-Okonomie-Blog, không thể biết chính xác thành viên ban quản trị wikileaks.org là những ai. Chỉ biết rằng, một số trong đó là người tị nạn từ Trung Quốc (những người vẫn duy trì quan hệ với gia đình họ tại quê nhà), nhà báo, nhà toán học, chuyên gia kỹ thuật từ Mỹ, Đài Loan, châu Âu, Úc và Nam Phi. Theo ông Assange, lực lượng tình nguyện viên nòng cốt của WikiLeaks chỉ có 40 người.

Julian Assange (39 tuổi, sinh tại Úc, từng là hacker khét tiếng) là người sáng lập, phát ngôn viên và biên tập viên của WikiLeaks. Assange di chuyển qua nhiều nước trên thế giới và được cho là đang sống ở Anh. Ông và đồng nghiệp thu thập tài liệu và hình ảnh mà các chính phủ và tổ chức coi là tuyệt mật rồi công bố trên WikiLeaks.

Theo báo The New Yorker (Mỹ), WikiLeaks không hẳn là một tổ chức, mà nên được gọi là sự nổi loạn truyền thông. WikiLeaks không có đội ngũ nhân viên làm việc được trả lương, không có văn phòng. Người sáng lập Assange thậm chí không có nhà. Ông đi từ nước này sang nước khác, nhờ sự giúp đỡ của những người ủng hộ, hoặc bạn của bạn. Có thể nói, WikiLeaks tồn tại ở bất kỳ nơi nào Assange làm việc.

Cùng lúc đó, hàng trăm tình nguyện viên khắp thế giới đóng góp duy trì hệ thống làm việc phức tạp của WikiLeaks. Những thành viên chủ chốt của trang web này chỉ được biết đến với chữ cái đầu tiên của tên, ví dụ M. Các thành viên của WikiLeaks liên lạc với nhau thông qua dịch vụ chat được mã hóa có độ bảo mật cao.

WikiLeaks phân tán hoạt động ở nhiều nước để được pháp luật bảo vệ ở mức tối đa. Assange nói rằng, cơ sở dữ liệu của WikiLeaks được đặt trên máy chủ trung tâm ở Thụy Điển và hơn 20 máy chủ khác ở nhiều nước có hệ thống luật pháp bảo vệ thông tin được công bố trên trang web. Máy chủ trung tâm là của PRQ, một nhà cung cấp dịch vụ internet và lưu ký web của Thụy Điển.

Luật pháp Thụy Điển cấm cơ quan hành pháp yêu cầu cung cấp nguồn tin từ bất kỳ loại hình báo chí nào. Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), WikiLeaks đặt thư viện ở Australia, cơ sở ở Pháp, có một tờ báo ở Thụy Điển... Nhiều tài liệu được công bố từ Iceland - nơi luật pháp bảo vệ tự do ngôn luận ở mức độ rất cao.

Assange gọi trang web là “một hệ thống không thể kiểm duyệt dành cho những tài liệu rò rỉ không thể truy vết”, và một chính phủ hay tổ chức nào muốn xóa nội dung trên WikiLeaks thì phải dỡ bỏ internet. Dù trang web nhận được hàng trăm mối đe dọa kiện tụng, nhưng chưa tổ chức hay chính phủ nào thực sự đem hồ sơ ra tòa.

Những luật sư làm việc cho ngân hàng Northern Rock (Anh) từng đe dọa đưa WikiLeaks ra vành móng ngựa sau khi website này công bố cuốn sổ ghi nhớ chứa đựng thông tin nhạy cảm của ngân hàng, nhưng sau đó lại phải hạ mình xin xỏ. Một chính trị gia người Kenya cũng từng thề sẽ kiện sau khi Assange công bố một tài liệu tuyệt mật nói rằng Tổng thống Daniel arap Moi và đồng minh đã cuỗm hàng tỷ USD của đất nước.

Giao diện trang chủ WikiLeaks ngày 1-12. Ảnh: Richard Drew
Giao diện trang chủ WikiLeaks ngày 1-12. Ảnh: Richard Drew.

Tài chính mập mờ

Assange cho biết, WikiLeaks chỉ cần 200.000 USD mỗi năm để duy trì hoạt động nếu tất cả thành viên tự trang trải kinh phí. Nhưng phải trả lương cho một số người làm việc toàn thời gian cho WikiLeaks nên website cần khoảng 600.000 USD mỗi năm. Assange duy trì một hệ thống tổ chức và tài chính không rõ ràng để giúp trang web tồn tại trước các cuộc tấn công kỹ thuật và pháp lý. WikiLeaks có tài khoản tại một tổ chức ở Đức tên là Wau Holland Foundation.

Luật pháp của Đức cho phép không công bố danh tính nhà tài trợ. Hơn nữa, Wau Holland Foundation chỉ cung cấp tiền qua hóa đơn cho WikiLeaks, nên dù WikiLeaks khuyến khích đóng góp cho tổ chức, thì quá trình nhận lại tiền từ tổ chức này cũng vô cùng mập mờ.

Theo Assange, WikiLeaks không nhận tiền từ các chính phủ và doanh nghiệp. Hiện tại, nguồn tiền của họ đến từ các nhà báo, luật sư và chuyên gia công nghệ với tư cách cá nhân. Chỉ khoảng 10% là từ nguồn tài trợ trực tuyến.

Hôm qua, nhà cung cấp hệ thống tên miền EveryDNS (Mỹ) tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ đối với tên miền wikileaks.org vì website này đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công theo kiểu từ chối dịch vụ, đe dọa độ ổn định của cơ sở hạ tầng của EveryDNS (nơi cung cấp dịch vụ cho khoảng 500.000 website). WikiLeaks phản ứng bằng cách chuyển sang tên miền Thụy Sĩ (wikileaks.ch).

Thái An
Xaluan.com (3/12/2010):

Ông trùm WikiLeaks: Thăng trầm cuộc đời và những lần thoát hiểm

Kể cả những năm làm tổng biên tập của một trang web đình đám, cuộc sống của Julian vẫn kín tiếng và... khắc khổ. Dường như đó là sự chuẩn bị kỹ càng cho ngày WikiLeaks gây chấn động thế giới.


Một trong những công bố của Wikileaks gây chấn động thế giới.
Một trong những công bố của Wikileaks gây chấn động thế giới.

Cả thế giới đang “sôi sục” với cái tên Julian Assange khi WikiLeaks lần lượt công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật là những bức điện tín giữa các quan chức Mỹ với chính phủ các nước được bí mật ghi lại, sau đó giải mã và tung hê trước bàn dân thiên hạ.

Có những thông tin làm nhiều người giật mình, choáng váng rồi khiến cho khổ chủ nổi đóa, chính giới tức giận. Câu chuyện về WikiLeaks chưa có hồi kết, nhưng cái tên Julian Assange và những bí mật cuộc đời của anh ta lại đang nổi như cồn.

Những hộp thư thần chết

“Mã hóa tất cả mọi thứ” là những từ ngắn gọn nhất để miêu tả biệt tài của Julian Assange - người sáng lập ra trang mạng WikiLeaks. Năm 2006, Julian Assange và một nhóm người cùng tư tưởng đã lập nên trang web có tên WikiLeaks dựa trên ý tưởng từ những “hộp thư chết chóc”, để mã hóa và tìm kiếm sự thật bên trong.

Khi đó, Julian đã quyết định sử dụng kinh nghiệm trong những năm tháng làm hacker khét tiếng và chỉ số thông minh hiếm có xây dựng trang WikiLeaks. Mánh khóe ban đầu của Julian là đột nhập vào các hộp thư của các nhân vật nổi tiếng, mở khóa bí mật và giải mã thông tin cá nhân. Sau một thời gian hoạt động, WikiLeaks nâng cấp và bước vào một thế giới hacker cao cấp hơn.

Sự nổi tiếng của WikiLeaks gắn liền với việc thu thập những thông tin bí mật với khối lượng lớn, lưu trữ chúng bằng công nghệ đặc biệt để chính phủ và các tổ chức khác không thể thu hồi, sau đó công bố trên phạm vi toàn cầu. Những đợt công bố thông tin gây chấn động của WikiLeaks gồm 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ vừa qua cùng hơn 90.000 tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh Afghanistan và 400.000 tài liệu tương tự về Iraq, đều diễn ra trong năm nay.

Chính trường Mỹ như quay cuồng trong “làn sóng” tài liệu mật của WikiLeaks khi những người trong cuộc cũng nhận ra rằng, “chiếc áo” mà mình đang mặc bấy lâu nay đang bị WikiLeaks “cởi bỏ dần phần lưng”.

Cũng từ đó, cái tên Julian Assange xuất hiện dày đặc trên thế giới số, đến nỗi với những người ủng hộ, họ coi anh như một người hùng, còn giới chỉ trích lại cho rằng, Julian chính là kẻ “vô đạo”. Giới chức Mỹ cũng bị rối tung trong những luồng thông tin, sự thực Julian Assange là nhà báo hay nhà chính trị.

Những lần thoát hiểm


Kể cả khi chưa nổi tiếng Julian Assange cũng sống khá bí hiểm và rất hiếm khi xuất hiện. Bình thường cuộc sống của Assange nay đây mai đó, luôn mang theo một chiếc máy tính và ít quần áo trong ba lô. “Khẽ nào, nói khẽ thôi nào” dường như là câu nói quen thuộc nhất của Julian mỗi lần gặp bạn bè.

Ngay từ hồi trẻ, Julian đã gò mình vào những chuyến đi bộ dài ngày, không cần ăn uống, ngủ nghỉ, theo đúng phong cách của một hacker chuyên nghiệp. Sau này, kể cả những năm làm tổng biên tập của một trang web đình đám, cuộc sống của Julian càng kín tiếng và… khắc khổ hơn, dường như đó là sự chuẩn bị kỹ càng cho ngày WikiLeaks gây chấn động thế giới.

Ngày 3-12, trang web WikiLeaks đã trở lại hoạt động tại địa chỉ mới ở Thụy Sĩ là wikileaks.ch, 6 giờ sau khi tên miền cũ wikileaks.org bị ngừng hoạt động. Trước đó, WikiLeaks cho biết trang web của tổ chức này đã bị công ty cung cấp dịch vụ tạo tên miền trên Internet có trụ sở tại Mỹ đưa ra khỏi mạng do cho rằng các vụ tấn công nhằm vào WikiLeaks đe dọa tới các khách hàng khác của họ.

Nhưng phải đến khi lệnh bắt giữ Julian được phát đi rộng rãi trên khắp thế giới, người ta mới thực sự chú ý đến những lần thoát hiểm trước đây của hacker khét tiếng này.

Còn nhớ, năm 2005, sau nhiều lần “đi đêm”, Julian cũng đã có ngày “gặp ma” khi anh phải đối mặt với 25 cáo buộc liên quan đến tội danh tấn công hệ thống máy tính. Julian bị bắt giữ và phải cúi đầu nhận tội.

Tuy nhiên, với mức độ phạm tội và mức ảnh hưởng của những người bị tấn công không lớn, Julian Assange thoát cảnh ngồi tù sau khi lĩnh án phạt 2.000 đô la Australia với điều kiện không được tái phạm.

Sau “tai nạn” đó, Julian quyết nâng tay nghề bằng việc hợp tác với nhà nghiên cứu Suelette Dreyfus về các ảnh hưởng của Internet. Tiếp đến là tham gia nghiên cứu tại Đại học Melbourne và theo đuổi nghiên cứu môn toán và vật lý.

Nhưng điều thú vị nhất về “người hùng” Julian là anh chưa từng qua một trường lớp nào đào tạo về công nghệ thông tin mà vẫn có khả năng mở khóa và mã hóa tất cả mọi thứ thuộc về thế giới số. Nhưng tài mở khóa của Julian liệu có giúp anh thoát hiểm lần này?

Dự đoán của giới truyền thông là “hơi khó”, khi bàn tay “nhúng chàm” của Julian đã đụng đến những “ông lớn” trên thế giới và tội danh của Julian không chỉ dừng lại ở mức hiếp dâm mà còn đối mặt với những cáo buộc tày đình tiếp theo là làm gián điệp.

Hơn bao giờ hết, Mỹ và Thụy Điển đang làm tất cả có thể để nhanh chóng “tống” Julian vào tù. Mới nhất, Thụy Điển thông báo sẽ công bố lệnh bắt giữ mới đối với Julian Assange do lệnh bắt giữ trước có sai sót về mặt thủ tục.

Trong khi đó, các thượng nghị sỹ Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm trừng phạt Julian và trang mạng WikiLeaks, theo đó quy định việc công bố danh tính nguồn tin của lực lượng quân đội và tình báo Mỹ là phạm luật.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý Mỹ cho biết, việc truy tố là khó khăn do những tranh cãi pháp lý có thể nảy sinh, trong đó có lập luận bảo vệ quyền tự do ngôn luận đã được ghi trong Hiến pháp Mỹ.

Chân dung người …nổi loạn

Julian Assange sinh năm 1971 tại thành phố Townsville, bang Queensland, miền Bắc Australia. Cha mẹ anh đã gặp nhau trong một lần đi biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và Julian ra đời là kết quả của một tình yêu mãnh liệt kéo dài 2 năm.

Julian Assange sinh năm 1971 tại thành phố Townsville, bang Queensland, miền Bắc Australia. Cha mẹ anh đã gặp nhau trong một lần đi biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và Julian ra đời là kết quả của một tình yêu mãnh liệt kéo dài 2 năm.

Tuổi thơ của Julian là cuốn nhật ký dày đặc với 37 lần đổi trường học và di chuyển nơi cư trú vì cha mẹ điều hành một nhà hát lưu động.

Năm 1982, bố mẹ Julian ly dị, cuộc sống của anh cũng thay đổi từ đó với những chuỗi ngày bỏ nhà sống tự lập. Từ nhỏ Julian đã thể hiện tính cách của một đứa trẻ tò mò, ưa khám phá và thích thú khi phát hiện thấy bí mật của người khác.

Năm 13 tuổi, Julian được mua chiếc máy tính đầu tiên, và kể từ đó, Julian đắm chìm vào cuộc sống số, miệt mài học làm... hacker. Năm 18 tuổi, Julian Assange lên chức bố, đó cũng là quãng thời gian “người hùng” phải nếm trải cảm giác của một gã đàn ông bị phụ tình.

Người mẹ trẻ đã bỏ lại đứa con sơ sinh và Julian đã phải tự tay chăm sóc con trai mình trong khi vẫn đảm nhiệm công việc của một hacker khét tiếng. Cậu bé Daniel lớn lên bằng sự chăm sóc của cha và Daniel cũng bộc lộ tố chất thông minh khác thường từ thuở nhỏ. Cha con nhà Julian thậm chí còn tham dự cùng trường đại học với nhau khi Daniel bắt đầu học thạc sĩ về di truyền ở độ tuổi 15.

Bà Christine nhận xét, chính vì quá thông minh, nên Julian có thể sẽ gặp nguy hiểm. Trong khi giới chức Mỹ khăng khăng kết tội: Julian Assange là một "diễn viên chính trị" quyết tâm phá hoại ngoại giao quốc tế thì mẹ của Julian cầu viện giới truyền thông bằng những lời lẽ đầy yêu thương dành cho con:

“Nó (Julian Assange) là một người đáng yêu, một người cha tốt, một người luôn nói lên sự thật. Julian Assange là người cha có trách nhiệm tuyệt vời với con trai mình. Đó là điều quan trọng nhất và quan trọng hơn cả việc WikiLeaks đang gây chấn động trên toàn cầu".

Xaluan.com (3/12/2010):

“Nếu xảy ra chuyện gì với WikiLeaks, các tài liệu tối mật sẽ bị tung ra”

Tuyên bố này có thể xem như một lời thách thức của ông chủ WikiLeaks.Trao đổi trực tuyến với độc giả của tờ The Guardian, ông Julian Assange – người sáng lập WikiLeaks cho biết, hiện tại hơn 100.000 người đã được tiếp nhận thông tin của hàng nghìn tài liệu ngoại giao mật. Do vậy, “nếu có điều gì xảy ra với WikiLeaks, những tài liệu trọng yếu nhất sẽ tự động công khai.”


Julian Assange – Tổng biên tập WikiLeaks.
Julian Assange – Tổng biên tập WikiLeaks.

Hay nói cách khác, nếu các quan chức tìm cách chấm dứt hoạt động của WikiLeaks, những thông tin tối mật sẽ lập tức bị tung ra.

Về vấn đề liệu rằng những tài liệu WikiLeaks đã công khai có gây nguy hại đến tính mạng của nhiều người hay không, ông Assange nói: “Chẳng có luận điệu nào, thậm chí của các tổ chức như Lầu Năm Góc có thể kết tội WikiLeaks, bởi hành động của chúng tôi không gây tổn hại dù chỉ một người duy nhất.”

Trong khi đó, một số người cho rằng: “Julian Assange đã tiết lộ tài liệu ngoại giao nhạy cảm, ông ta là một tên khủng bố”, “'Julian Assange đã hiếp dâm”, “Julian Assange đáng bị ám sát”.

Hiện tại, ông Assange đang phải đối mặt với lệnh truy nã khẩn cấp của Cảnh sát quốc tế Interpol vì bị nghi ngờ có liên quan đến hai vụ hiếp dâm. Cảnh sát Anh mới đây cho hay ông Assange đang ẩn náu ở vùng Tây Nam nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét