Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Những liên kết lợi ích - dây cương kìm giữ xung đột
>> Triều Tiên - Hàn Quốc đấu pháo
Mỹ hôm nay tuyên bố sẽ thảo luận với các nước liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản về đề xuất của Trung Quốc nối lại đàm phán hạt nhân 6 bên. Hôm qua, Mỹ đã đưa tàu sân bay đến Hoàng Hải tập trận với Hàn Quốc.
Những luồng hơi nóng
Trong tuyên bố đầu tiên về tình hình Bán đảo Triều Tiên trước toàn thể người dân Hàn Quốc vào sáng nay, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak thề sẽ buộc Triều Tiên "trả giá" cho vụ pháo kích "vô nhân đạo" vào đảo Yeonpyeong hôm 23/11. Cùng ngày, báo chí Hàn Quốc loan tin chính phủ nước này “đang xem xét” tái liệt Triều Tiên là "kẻ thù chính" trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010.
Một ngày trước đó, trong buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc tại Seoul, ông Lee Myung Bak đã chính thức công khai bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc triệu tập các cuộc đàm phán đa quốc gia khẩn cấp khẩn trong tháng 12 nhằm thảo luận vấn đề Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, Hãng thông tấn chính thức KCNA cảnh báo rằng cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn bắt đầu từ 28/11 đang “đẩy bán đảo Triều Tiên tiến gần đến miệng hố chiến tranh”; Quân đội và nhân dân Triều Tiên không chấp nhận khiêu khích “và sẵn sàng giáng trả nếu kẻ thù liều lĩnh xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Triều Tiên”.
Hàn Quốc khẳng định quân đội Triều Tiên đã tiến hành diễn tập quân sự gần khu vực tranh chấp ở đảo Yeonpyeong, nơi đã xảy ra vụ pháo kích ngày 23/11. Trong khi đó, hàng không mẫu hạm USS George Washington, hệ thống vũ khí siêu hiện đại trên biển của Mỹ, đã đến khu vực gần biên giới biển với Trung Quốc để tham gia cuộc diễn tập hải quân chung Mỹ-Hàn. Cuộc tập trận đã bị Bắc Kinh chỉ trích, còn Bình Nhưỡng cảnh báo rằng không ai có thể lường được hậu quả nếu Mỹ đưa hàng không mẫu hạm vào Hoàng Hải.
Báo chí Hàn Quốc đưa đậm mối lo ngại của người dân Hàn Quốc trước tình hình căng thẳng hiện nay. Tại một số nơi, người dân đã bắt đầu tích trữ lương thực, còn người dân đảo Yeonpyeong thì vẫn chưa muốn trở lại nơi sinh sống.
Những chiếc dây cương lợi ích
Giới phân tích Mỹ cho rằng vụ đấu pháo vừa qua giữa hai miền Triều Tiên và những động thái qua lại giữa hai bên thực ra là động thái không có gì mới. Sau vụ đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3, mà Seoul và Washington đổ lỗi cho Bình Nhưỡng, bầu không khí nghi kị vẫn bao trùm khu vực. Trong khi đó, phía Mỹ và Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên khiêu khích với mong muốn đạt được một số tiến bộ về ngoại giao trong bối cảnh nước này đang có động thái liên quan đến chuyển giao quyền lực. Nhưng cũng vì trong bối cảnh này, không khí trên bán đảo Triều Tiên dễ bị thổi phồng căng thẳng và Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ rất dễ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.
Vụ đấu pháo chắc chắn để lại một vết thương nặng trong quan hệ hai miền Triều Tiên, song cũng sẽ không gây ra ảnh hưởng lớn đối với an ninh khu vực vì mục đích thực sự của Triều Tiên không phải là khai chiến mà là muốn thông qua hành động vũ lực này để gây sức ép với Mỹ và Hàn Quốc. Trong khi phản ứng của Hàn Quốc cũng hết sức kiềm chế, Nhật Bản thì không ủng hộ chiến tranh, bản thân Mỹ cũng không muốn tình hình xấu đi khi còn đang mắc kẹt với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, không đủ sức mở thêm một cuộc chiến mới. Do đó, xung đột giữa hai bên ít có khả năng bùng nổ thành chiến tranh.
Đi vào chi tiết, Triều Tiên thực tế không hề muốn mở ra một cuộc chiến toàn diện bởi thực lực quân sự hạn chế, không thể so sánh được với Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy, hiện nay Triều Tiên chưa phải phát động tấn công liên tiếp.
Tại Seoul, cho dù sức ép đòi mạnh tay hơn nữa, Tổng thống Hàn Quốc hiện không có nhiều sự lựa chọn để gây sức ép với Triều Tiên, kể cả các biện pháp ngoại giao hoặc cấm vận kinh tế. Mặc dù Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn sự khiêu khích của Triều Tiên, song Seoul không muốn tình hình xấu đi. Bên cạnh đó, nếu sự kiện pháo kích giữa hai miền Triều Tiên tiếp tục căng thẳng, dòng đầu tư đổ vào Hàn Quốc sẽ bị cắt đứt và hậu quả là quá trình hồi phục kinh tế sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Việc bán đảo Triều Tiên nằm bên bờ vực chiến tranh sẽ không chỉ không có lợi với Hàn Quốc mà cho sự phát triển kinh tế của toàn bộ khu vực Đông Á. Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục kiềm chế giống như đã làm trong vụ chìm tàu Cheonan.
Vụ pháo kích lẫn nhau ở khu vực ranh giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là một trong những vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai miền Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua và đây là một thách thức địa chính trị bất ngờ và nghiêm trọng đối với Mỹ. Tình hình Đông Bắc Á tiếp tục căng thẳng dường như có lợi cho sự hiện diện của quân Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp Mỹ tăng cường khống chế về mặt quân sự đối với hai nước này. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay là tránh để nổ ra cuộc chiến tranh tổng lực và ngăn Triều Tiên củng cố khả năng hạt nhân của họ, vì Mỹ biết rằng bên cạnh mối lợi, vụ đụng độ có thể gây nguy hiểm cho 25.000 binh sĩ Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc theo hiệp ước phòng thủ Mỹ-Hàn, cũng như khoảng 50.000 công dân Mỹ đang có mặt tại Hàn Quốc. Đó là lý do buộc chính quyền Barack Obama sẽ phải rất thận trọng để tránh đẩy tình hình đến khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Trung Quốc đang chứng tỏ nỗ lực hết mình để tạo dựng hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung Quốc hôm qua đã bắt đầu liên lạc với các bên liên quan, gồm Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên với mục đích đầu tiên là tránh lặp lại căng thẳng như những ngày qua, nhằm làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Vòng đàm phán 6 bên đã bị đình trệ từ năm 2008 do Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc kiên quyết chủ trương chỉ có thể nối lại các cuộc đàm phán một khi Bình Nhưỡng có các hành động thể hiện thiện chí thay vì chỉ bằng lời nói.
Nhiều nhận định cho rằng trong mấy ngày tới, tình hình có thể sẽ dịu hơn, Bình Nhưỡng thậm chí có khả năng sẽ đưa ra yêu cầu đàm phán đa phương. Bằng chứng mới nhất củng cố cho nhận định này là tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay, 29/11, cho biết Washington sẽ thảo luận với các nước liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản về đề xuất của Trung Quốc nối lại đàm phán hạt nhân 6 bên. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lo ngại về khả năng nổ ra nguy cơ ngoài ý muốn vì những vấn đề liên quan đến tình hình ở Triều Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét