Thừa Thiên - Huế: Kẻ trộm “khoắng” cổ vật trong lăng Khải Định
Chánh điện lăng vua (cung Thiên Định) được khoanh vùng điều tra trọng điểm
Gian phía bên phải cung Thiên Định, ngày xưa làm chỗ ở cho lính hộ lăng - nay làm nơi trưng bày tượng vua và hệ thống cổ vật liên quan đến hoạt động triều chính, quan hệ bang giao và sinh hoạt lúc sinh thời của vua Khải Định (giai đoạn 1916-1925)... |
Khu vực được khoanh vùng điều tra trọng điểm thuộc Chánh điện lăng vua (cung Thiên Định) - nơi cao nhất có thi hài vua cùng nhiều đồ thờ tự, cũng là khu trưng bày cổ vật hoàng cung thời Khải Định (phục vụ du khách tham quan từ tháng 3/2006).
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý và bảo vệ - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay: Giá trị tài sản mất cắp không lớn nhưng đây là vụ việc nghiêm trọng vì đồ bị mất cắp thuộc tài sản của di tích.
Ông Phùng Phu, GĐ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, nói: “Chúng tôi chưa thể phát ngôn gì xung quanh vụ việc vì còn phải chờ công an điều tra”.
Về phía Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, đơn vị tổ chức trưng bày cổ vật trong lăng Khải Định, ông Hải Trung - GĐ nói: “Do chúng tôi phải bảo vệ tính bí mật thông tin để phục vụ công tác điều tra tội phạm, tránh sự đánh động nên hiện tại không cung cấp được gì thêm xung quanh việc mất cắp”.
Theo những nguồn thông tin riêng chúng tôi có được, kẻ trộm đã lấy đi một số ít cổ vật và 1 thùng phước sương.
Bước đầu xác định có dấu vết cạy cửa ở khu vực chánh điện. Theo quan sát, bảo vệ lăng Khải Định có nuôi 2 con chó: một lai becgiê và một lông xù, các cổng ra vào đều có khóa chắc chắn. Một số bảo vệ cho rằng trộm đã đi theo con đường nhỏ bên cạnh lăng sau đó đột nhập vào chánh điện rồi thoát ra bằng đường cũ.
Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), trong 16 địa điểm di tích triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn Di Tích Cố đô Huế quản lý có 12 di tích đang bảo quản và trưng bày khoảng 2.400 cổ vật.
Riêng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, được xem là nơi cất giữ phần “hồn” của di tích, tập trung hơn 8.300 cổ vật, phần lớn được sưu tập từ các cung điện, lăng tẩm của triều Nguyễn. Đó là những vật dụng từng gắn bó mật thiết với cuộc sống của các bậc đế hậu; những đồ dùng cho các nhu cầu sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn; những tặng phẩm, thương phẩm phản ánh các quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Việt nam với các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Anh, Thái Lan... |
Đại Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét