Giao dịch điện tử vẫn chưa an toàn!

VOVNEWS.VN:
Cập nhật lúc : 6:25 PM, 30/11/2010

(VOV) - “Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, các địa chỉ giao dịch ảo, các hợp đồng mập mờ về giá cả, quảng cáo, chất lượng hàng hóa… đã và đang là những hành vi phổ biến vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng”

Đây là thực trạng đáng báo động trong giao dịch thương mại điện tử được bà Vũ Thị Bạch Nga – Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh) đưa ra tại cuộc hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch điện tử” diễn ra sáng 30/11, tại Hà Nội.

Thanh toán điện tử là một lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với cả người tiêu dùng và các cơ quan chức năng của Việt Nam nhưng đã có sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng tội phạm, trong đó có cả người nước ngoài đã thực hiện các vụ việc ăn cắp, lừa đảo lấy thông tin tài khoản cá nhân hoặc của doanh nghiệp để rút tiền hoặc mua bán hàng hoá kiếm lợi bất hợp pháp.

Ăn cắp, lừa đảo lấy thông tin tài khoản cá nhân

Lợi dụng sơ hở trong quản lý và quản trị hệ thống của ngân hàng không phát hiện kịp thời, một số đối tượng là cán bộ ngân hàng đã tranh thủ tham ô, chiếm đoạt gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngân hàng. Ngô Thanh Lam, giao dịch viên phòng giao dịch số 1 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong 8 tháng lập 311 chứng từ giả, lấy cắp mật khẩu của kiểm soát viên để duyệt chuyển tiền và bằng các thao tác trên máy vi tính điều chỉnh cân khớp giữa lượng tiền tốn thực tế hàng ngày với số liệu trên máy tính của mình, lọt qua sự kiểm soát của ngân hàng lấy hơn 4,5 triệu USD, chỉ khi kiểm kê thực tế cuối năm mới phát hiện được.

Cũng liên quan đến việc trộm dữ liệu thẻ tín dụng, Vũ Ngọc Hà đã thực hiện trót lọt việc dùng tiền ăn cắp để mua hàng trên mạng trị giá 441.226.215 đồng trong suốt quãng thời gian từ năm 2004 đến 2006. Hà đã mua một phần mềm domain, đăng ký trò chơi điện tử, rồi sau đó tự tìm kiếm thông tin tài khoản thẻ tín dụng bằng cách tung virus (Keylogger) vào các địa chỉ e-mail của họ để các chương trình diệt virus không phát hiện được, bẻ khoá lấy mật mã. Khi đã lấy được các thông tin từ các tài khoản mà chủ tài khoản tín dụng không biết bị virus xâm nhập, nên đã kích hoạt virus làm cho các thông tin về tài khoản tín dụng được gửi đến email của Hà. Nhiều khách hàng đăng ký tài khoản tại dịch vụ chuyển tiền trực tuyến trên mạng đã bị lộ thông tin và mật khẩu truy cập. Vũ Ngọc Hà thường sử dụng, thực hiện các lệnh chuyển tiền đến bất kỳ địa chỉ nào theo ý mình.

Lợi dụng việc một số hãng hàng không giá rẻ cho phép khách hàng đặt vé, thanh toán tiền qua mạng, Nguyễn Hoàng Yến đã sử dụng công nghệ cao để bẻ khoá, thâm nhập vào tải khoản cá nhân, thẻ tín dụng của hàng trăm chủ thẻ trong nước và nước ngoài để đặt vé máy bay, chi trả tiền vé cho các hãng hàng không giá rẻ, sau đó nhận “tiền tươi” từ khách hàng có nhu cầu mua vé thật. Việc làm này gây thiệt hại cho cả phía các hãng hàng không và các cá nhân bị xâm nhập tài khoản. Theo điều tra ban đầu, chỉ riêng Hãng hàng không Pacific Airlines (Việt Nam) đã bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng từ kiểu ăn cắp này của Nguyễn Hoàng Yến. Được biết, một số hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng của nước ngoài cũng là nạn nhân của Nguyễn Hoàng Yến.

Đến cuối năm 2009, tại Việt Nam đã có trên 9.500 máy ATM và 33.000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS). Cùng với sự phát triển của hệ thống ATM, một số hiện tượng vi phạm pháp luật mới đã xuất hiện liên quan tới hình thức thanh toán này. Các đối tượng đã đánh cắp hoặc mua thông tin cá nhân (như chứng minh nhân dân), sau đó lập tài khoản ATM rồi tiến hành lừa đảo.

Giải pháp nào?

Những vụ việc vi phạm liên quan đến giao dịch điện tử vẫn đang tiếp tục diễn ra, thế nhưng, theo bà Lại Việt Anh- Trưởng phòng Pháp chế Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương: “Cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các hành vi liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân một cách hệ thống. Khái niệm bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư về thông tin cá nhân trên môi trường điện tử vẫn còn là một vấn đề mới mẻ tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với khái niệm này”.

Theo ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh: “Người tiêu dùng trong thương mại điện tử có thể tiếp cận hàng hóa trên toàn cầu với nhiều lựa chọn và hưởng giá ưu đãi nhờ giảm thiểu khâu trung gian. Tuy nhiên, khi tham gia các giao dịch điện tử, người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm với lo lắng bị lợi dụng bởi các hành vi thương mại không công bằng, các biện pháp thanh toán không đảm bảo, mất hoặc tiết lộ thông tin cá nhân… khiến đời sống riêng bị xâm phạm. Đây chính là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của các giao dịch điện tử tại Việt Nam mà các cơ quan chức năng và bản thân các doanh nghiệp đang nỗ lực khắc phục”.

Những tác động tiêu cực của việc sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp đã ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Thực tế này đã khiến cho vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trở thành một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội.

Theo điều tra hàng năm của Bộ Công thương từ năm 2003 đến nay, vấn đề an ninh an toàn thông tin cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử ngày càng được doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm. Trong bối cảnh tình trạng thu thập, ăn cắp, sử dụng bất hợp pháp dữ liệu cá nhân như thông tin về địa chỉ email cá nhân, thông tin tài khoản… đang diễn ra ngày càng nhiều thì ý thức của doanh nghiệp và cộng đồng về bảo vệ thông tin cá nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Chính vì vậy, bà Vũ Thị Bạch Nga cho rằng: “Để thương mại điện tử phát huy tốt ưu điểm của mình, các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật còn phải xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng đặc biệt trong bảo mật thông tin, tôn trọng sự riêng tư của người tiêu dùng cũng như giao hàng đúng hạn, trả lời và giải quyết tốt khiếu nại của người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng cũng cần tăng cường việc giám sát các website bán hàng, nếu có nghi ngờ cần dừng ngay các giao dịch”.

Bà Lại Việt Anh cũng cho biết: “Thông tin cá nhân đã và đang trở thành thứ hàng hoá có giá trị đối với doanh nghiệp. Cá nhân, người tiêu dùng khó có thể hình dung hết được những nguy cơ thông tin cá nhân của mình bị khai thác bất hợp pháp khi tham gia giao dịch, mua bán trên môi trường mạng”.

Để có được đánh giá sơ bộ về thực trạng bảo vệ thông tin cá nhân trong các doanh nghiệp Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương đã tiến hành khảo sát hơn 130 tổ chức có ứng dụng thương mại điện tử trong cả nước (bao gồm các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng) về tình hình bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử.

Kết quả phân tích cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề nên chưa quan tâm thực sự tới việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng. Chính vì vậy, theo bà Lại Việt Anh “để có thể xây dựng được một cơ chế bảo vệ quyền lợi của khách hàng hiệu quả, các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu các quy định hiện hành của Nhà nước để xây dựng các cơ chế quản lý thông tin nội bộ phù hợp. Bên cạnh đó, cần áp dụng các công nghệ bảo mật hiện đại để phòng chống các hành vi trộm cắp xâm nhập bất hợp pháp vào hệ thống thông tin của doanh nghiệp”./.

Sáng 30/11, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tổ chức hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch điện tử” tại Hà Nội.

Mục đích của hội thảo nhằm mang đến cho người tham dự cái nhìn tổng quát về hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như các giải pháp của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chính sách và quy chế bảo vệ thông tin cá nhân nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Qua hội thảo, Ban tổ chức đã gửi đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng thông điệp: Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và các doanh nghiệp trong nước nói chung hãy thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng cung cấp sản phẩm/dịch vụ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và vì người tiêu dùng Việt; với người tiêu dùng hãy dành sự quan tâm và ủng hộ hơn cho các sản phẩm/dịch vụ điện tử được doanh nghiệp áp dụng (những doanh nghiệp có sản phẩm/ dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng, và thực hiện tốt quy định pháp luật).

Các diễn giả đã có phần trình bày về các quy định pháp lý đối với các website thương mại điện tử bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ cũng như các ứng dụng kỹ thuật nhằm nâng cao mức độ an toàn của các giao dịch điện tử. Ngoài ra, các đại biểu cũng được giới thiệu về hoạt động gắn nhãn TrustVn cho các website thương mại điện tử uy tín nhằm đảm bảo tính xác thực và tin cậy cho người tiêu dùng.

Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn mở để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người tiêu dùng và cơ quan báo chí gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi thẳng thắn về vấn đề này. Chương trình hội thảo đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các đại biểu tham dự. Những ý kiến được đề cập tại hội thảo sẽ góp phần tìm ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính./.

Đặng Khanh

01/12/2010 10:00


(VTC News) - Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng (NTD) Việt Nam tại các thành phố lớn đã khá quen thuộc với việc mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ qua website thương mại điện tử (TMĐT) như vé máy bay, đồ điện tử, điện thoại di động, máy tính, sách, tour du lịch, phòng khách sạn… Tuy nhiên, không ít khách hàng vẫn không an tâm về người bán cũng như lo lắng về chất lượng dịch vụ.

» Ngàn lẻ chuyện "mếu cười" mua hàng qua mạng
» NTD "dính quả đắng" mua hàng qua mạng được trả lại tiền
» Độc giả hiến kế cách mua hàng qua mạng không bị… hớ
» Dính "quả đắng" vì mua hàng qua mạng


Sau khi khảo sát 50 website TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã đưa ra con số thống kê: Tuyệt đại đa số các website (96%) đều mô tả khá rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Tuy nhiên, có đến 98% website không đưa đẩy đủ, trọn vẹn thông tin cơ bản về người bán, đơn vị kinh doanh như: Tên, địa chỉ, số điện thoại, email, giấy phép đăng kí kinh doanh.

Thêm nữa, tất cả các website đều đăng tải giá sản phẩm nhưng khi đi vào chi tiết, chỉ có 38% website công bố rõ ràng cơ cấu giá. 96% website không công bố cơ chế giải quyết tranh chấp. 12% website là có công bố chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, 6% xây dựng cơ chế cho phép khách hàng lựa chọn hoặc từ chối cung cấp thông tin cá nhân.

Thói quen mua sắm online vẫn chưa được xác lập đối với phần đông NTD Việt.

Tại buổi hội thảo về “Bảo vệ NTD trong giao dịch điện tử” diễn ra hôm 30/11, TS Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ NTD (Cục quản lý cạnh tranh) - nêu ra các thực trạng còn tồn tại trong TMĐT tại Việt Nam. Theo đó, tình trạng ăn cắp thông tin, gian lận tài chính cũng như vấn nạn tin nhắn rác vẫn thường xuyên diễn ra. Rất nhiều trường hợp NTD chuyển tiền qua mạng cho người bán nhưng không nhận được hàng hoặc nhận hàng kém chất lượng, không đúng nội dung mô tả.

Bà Nga nêu ra 2 ví dụ cụ thể: Trường hợp của Nguyễn Lê Việt (ngân hàng Eximbank), chiếm đoạt 5,1 tỷ đồng qua thẻ tín dụng của 57 khách hàng từ tháng 7/2005 – 6/2006, bị xử 36 năm tù, đền bù 1,3 tỷ đồng. Hay Nguyễn Anh Tuấn làm giả trang web thanh toán, sử dụng thông tin lấy cắp làm giả thẻ tín dụng và rút trộm hơn 800 triệu đồng.

Một thực trạng đáng báo động nữa mà bà Nga nhắc tới trong buổi hội thảo là: Vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn mạo danh liên tục quấy rối thậm chí có nội dung lừa đảo NTD, quảng cáo những dịch vụ Soi cầu lô đề, xổ số, mời chào dịch vụ xem bói, tải hình ảnh, trò chơi, lừa đảo khuyến mại, trúng thưởng,… Điển hình, vào tháng 4/2009, trường hợp vi phạm của Công ty P&T bị xử phạt 30 triệu đồng vì gửi tin nhắn quảng cáo khi chưa được sự đồng ý của người nhận, đã rung lên một hồi chuông cảnh báo đối với NTD.

Bà Nga còn cho biết: “Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, các địa chỉ giao dịch ảo, hợp đồng mập mờ về giá cả, quảng cáo, chất lượng hàng hóa… đã và đang là những hành vi phổ biến vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi NTD”.


NTD vẫn bị quấy rối bởi tin nhắn rác (Ảnh: ecomviet)

Cũng tại buổi hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, ông Nguyễn Phương Nam nêu lên những rào cản đối với sự phát triển của các giao dịch điện tử tại Việt Nam mà các cơ quan chức năng và bản thân các doanh nghiệp đang nỗ lực khắc khục. Ông Nam cho rằng: “NTD trong thương mại điện tử có thể tiếp cận hàng hóa trên toàn cầu với nhiều lựa chọn và hưởng giá ưu đãi nhờ giảm thiểu khâu trung gian. Tuy nhiên, khi tham gia các giao dịch điện tử, NTD vẫn chưa yên tâm với lo lắng bị lợi dụng bởi các hành vi thương mại không công bằng, các biện pháp thanh toán không đảm bảo, mất hoặc tiết lộ thông tin cá nhân… khiến đời sống riêng bị xâm phạm”.

Kinh doanh trực tuyến có thể được xem là cách thức kinh doanh mới với nhiều lợi ích như: Phạm vi giao dịch toàn cầu, tăng thêm nhiều lựa chọn, xóa bỏ các trung gian trong quá trình phân phối hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí… Cùng với sự phát triển của mạng internet và công nghệ điện thoại di động, TMĐT ngày càng phổ biến và hiện đại, NTD nhận thức ngày một sâu sắc hơn về loại hình kinh doanh này.


Trong tham luận của mình, ông Nguyễn Ngọc Điệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Vật Giá - đưa ra con số: kết nối internet trên thế giới hiện lên tới 1.8 tỷ người. Có hơn 700 triệu người online ở Châu Á. Tại Việt Nam, xu hướng bùng nổ internet cũng đang diễn ra. Tính tới tháng 10/2010, số người dùng internet tại Việt Nam lên tới 30 triệu người và dự đoán sẽ tăng lên 40 triệu đồng trong 3 năm tới.
Riêng trang vatgia.com, ông Điệp cho biết: Hàng ngày có 750 nghìn lượt người truy cập, tăng 15 – 20%/tháng, chiếm 35% lượng truy cập vào các website TMĐT tại Việt Nam.

Theo đánh giá của giới kinh doanh, TMĐT Việt Nam sẽ tăng liên tiếp 10%/tháng trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm 2 – 4% tổng tiêu dùng quốc nội trong 5 năm tới.


Chất lượng một số hàng hóa giao dịch qua mạng internet không đảm bảo, gây mất niềm tin nơi NTD. (Ảnh: Ecomviet).

Để TMĐT phát huy tốt ưu điểm của mình, Bộ Công thương khuyến cáo: Các DN tham gia TMĐT ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật còn phải xây dựng lòng tin đối với NTD đặc biệt trong vấn đề bảo mật thông tin, tôn trọng sự riêng tư của NTD cũng như giao hàng đúng hạn, trả lời và giải quyết tốt khiếu nại của NTD.

Về phía NTD, TS Vũ Thị Bạch Nga cảnh báo: Trước khi giao dịch TMĐT, người mua nên lựa chọn địa chỉ website bán hàng uy tín: thương hiệu tốt, địa chỉ đăng ký và liên lạc rõ ràng, được cộng đồng NTD đánh giá và giới thiệu tốt. Ngoài ra, NTD nên tham khảo kỹ các điều khoản sử dụng website, các chính sách mua hàng, thanh toán, vận chuyển, chính sách hoàn trả, chính sách bảo hành. Xác định rõ mức chi phí mua bán, nên so sánh giá bán, phí vận chuyển tại nhiều website khác nhau. Đồng thời, NTD cũng cần tăng cường giám sát các website bán hàng, nếu có nghi ngờ cần dừng ngay các giao dịch.

Trong tương lai, dự thảo Thông tư Quản lý hoạt động các website TMĐT bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ sẽ có hiệu lực thi hành vào 01/06/2011.

Chi cục Quản lý thị trường các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra tình hình thực thi pháp luật của doanh nghiệp TMĐT trên địa bàn, lưu ý các doanh nghiệp có website bán hàng hóa và dịch vụ. Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì triển khai những qui định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD liên quan tới vấn đề bảo vệ NTD trên môi trường điện tử. Cục TMĐT và CNTT phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt một số website TMĐT vi phạm.

P
hương Phương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét