Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào - Ảnh: Reuters |
Website WikiLeaks hôm qua tung tiếp các tài liệu trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và các sứ quán, lãnh sự của nước này trên toàn thế giới. Một trong những tiết lộ gây chấn động nhất chính là về quan điểm của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên.
Thống nhất liên Triều
Các tài liệu cho thấy Bắc Kinh tỏ ra mất dần kiên nhẫn với Bình Nhưỡng. Các thư tín mới tiết lộ rằng Thứ trưởng Ngoại giao Hàn lúc đó Chun Yung-woo từng nói các quan chức cao cấp của Trung Quốc ngày càng khó chịu trước những động thái của CHDCND Triều Tiên và cho rằng có thể chấp nhận viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc. Ý tưởng này đã manh nha trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh từ khi Bình Nhưỡng thử thiết bị hạt nhân vào năm 2006. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với Mỹ trong một quan hệ “liên minh ôn hòa”, miễn sao nước Triều Tiên mới không tỏ thái độ thù địch, theo Đại sứ Mỹ tại Seoul Kathleen Stephens.
Ông Chun, hiện là Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, cũng bác bỏ khả năng Trung Quốc sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp miền Bắc sụp đổ, vì “lợi ích kinh tế chiến lược của Trung Quốc đang gắn liền với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chứ không phải CHDCND Triều Tiên”. Ông nói thêm rằng thế hệ lãnh đạo trẻ của Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn xem Bình Nhưỡng là đồng minh đáng tin cậy nữa và sẽ không mạo hiểm gây xung đột vũ trang ở bán đảo Triều Tiên, theo thư tín mật gửi đến Washington. Bắc Kinh cũng chuẩn bị xử lý bất cứ tình huống nào xảy ra ở biên giới một khi có nguy biến.
Việc tiết lộ các thư tín ngoại giao trên diễn ra giữa lúc căng thẳng đang leo thang dữ dội tại bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng trước các thông tin từ WikiLeaks, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thúc giục chính quyền Mỹ “nhanh chóng xử lý một cách thích đáng những vấn đề liên quan”. Ông Hồng không bình luận về tính xác thực của những tài liệu trên mà chỉ nói: “Chúng tôi không muốn quan hệ Trung - Mỹ bị ảnh hưởng”.
Phản ứng trái chiều
“Lời vàng” từ Ả Rập Xê Út Theo những hồ sơ từ WikiLeaks hôm qua, vua Abdullah của Ả Rập Xê Út đề nghị chính quyền Mỹ gắn chip điện tử vào cơ thể tù nhân Guantanamo để kiểm soát hành vi của họ, “giống như với ngựa và chim ưng”. Một quan chức cấp cao của Riyadh thì cảnh báo nếu Iran không ngưng việc làm giàu uranium, các nước khác tại vùng Vịnh cũng sẽ phát triển vũ khí hạt nhân. |
Thế giới cũng đã có những phản ứng trái chiều về các thông tin gây sốc này. AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast khẳng định: “Những tài liệu này là một phần của âm mưu do Mỹ và châu Âu dựng lên để tạo ra nỗi ám ảnh Iran trên thế giới”. Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon thì nhận xét: “Vụ rò rỉ này có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của chúng ta”. Bộ Ngoại giao Bulgaria gọi hành động của WikiLeaks là “bất hợp pháp và nguy hiểm”. Pháp và Singapore cũng chỉ trích mạnh mẽ website này. Ngoại trưởng Ý Franco Frattini kêu gọi lãnh đạo thế giới hãy đoàn kết và không rút lui khỏi con đường ngoại giao sau sự cố này. Trong khi đó, “sếp” của ông Frattini là Thủ tướng Silvio Berlusconi khẳng định không hề tổ chức những bữa tiệc “trác táng cuồng dại” tại dinh thự của mình như theo thư tín bị tiết lộ, mà chỉ có những bữa tiệc “tao nhã”.
Trong lúc nhiều nước kêu gọi khởi tố người sáng lập WikiLeaks Julian Assange và những người liên quan thì một số nước châu Mỹ La-tinh như Ecuador và Venezuela lại lên tiếng ủng hộ ông này. Thứ trưởng Ngoại giao Kintto Lucas tuyên bố Ecuador sẵn sàng cho ông Assange tị nạn nếu cần. Theo AFP hôm qua, ông Assange vừa kháng cáo lên Tòa thượng thẩm Thụy Điển để chống lại lệnh truy nã ông về cáo buộc cưỡng hiếp.
Trong lúc thế giới còn chưa hoàn hồn thì hôm qua ông Assange tuyên bố sẽ tiếp tục tung ra hàng chục ngàn tài liệu nội bộ của một ngân hàng chủ chốt ở Mỹ vào đầu năm sau. Theo tạp chí Forbes, ông Assange từ chối cho biết tên ngân hàng trên nhưng nói những tài liệu này sẽ dẫn đến các cuộc điều tra sâu rộng trong ngành ngân hàng Mỹ.
Thụy Miên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét