Thứ Tư, 1.12.2010 | 07:51 (GMT + 7)
(LĐ) - Ngày 30.11, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên án việc Wikileaks công bố các bức điện mật trao đổi giữa các tòa đại sứ với Bộ Ngoại giao Mỹ, gọi đây là sự “tấn công vào cộng đồng quốc tế”.
Người sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange. |
Theo bà Clinton, đây là vụ tấn công vào cộng đồng quốc tế, vào những cuộc trao đổi và đàm phán nhằm giúp bảo vệ an ninh thế giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mỹ chỉ trích tham nhũng tại Afghanistan
Những tiết lộ mới nhất của Wikileaks đặt Đại sứ Mỹ tại Afghanistan lên ghế nóng, khi trích dẫn hàng loạt bình luận của ông này về sự tham nhũng tại quốc gia này. Trong bức điện với dấu “mật” năm 2009, Đại sứ Karl Eikenberry viết: “Một trong những thách thức lớn tại Afghanistan là làm cách nào để chống tham nhũng và liên kết người dân với chính phủ của họ, khi bản thân các quan chức chủ chốt cũng tham nhũng”. Bức điện còn cáo buộc rằng, anh trai của Tổng thống Hamid Karzai - ông Ahmed Wali Karzai - được biết đến như một kẻ buôn ma tuý và tham nhũng.
Các ngân hàng lớn của Mỹ ngồi “ghế nóng”
Người sáng lập ra Wikileaks - ông Julian Assange - cho hay, mục tiêu của trang mạng này vào đầu năm tới sẽ là một ngân hàng lớn của Mỹ. Trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Forbes, ông Assange cho hay, ông đã sẵn sàng để công bố hàng chục nghìn trang tài liệu có thể làm sụp đổ một hoặc hai ngân hàng lớn, ở quy mô có thể tương đương như vụ sụp đổ Tập đoàn Enron, với quy mô lên đến 65,5 tỉ USD. Theo ông Assange, các thông tin về ngân hàng mà Wikileaks dự kiến tiết lộ sẽ “cung cấp cái nhìn thực tế về cách các ngân hàng ứng xử ở tầm quản trị và có thể sẽ khuấy động các cuộc điều tra và cải cách”.
Ai lộ nguồn tin?
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho hay, cuộc điều tra hình sự về thủ phạm gây ra vụ rò rỉ điện tín ngoại giao vẫn đang tiếp tục và thủ phạm sẽ bị truy tố. Đa số điện tín mà Wikileaks tiết lộ được gửi đi trong thời gian từ 1966 đến 2010 và đều xuất phát từ một mạng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, có tên là Siprnet.
Mạng Siprnet được lập vào thập niên 1990 và nâng cấp lại sau vụ khủng bố 11.9.2001, với mục đích giúp chia sẻ dễ dàng hơn các thông tin mật. Mạng này sử dụng công nghệ tương tự như Internet, nhưng phức tạp và có đường truyền riêng và được bảo vệ nghiêm ngặt. Song nó đã trở nên dễ truy cập hơn trên toàn thế giới kể từ sau vụ 11.9. Theo ước tính, có khoảng 2,5 triệu nhân viên dân sự và quân sự Mỹ được truy cập vào mạng này. Một quy tắc là Siprnet không phát tán những thông tin dạng "tuyệt mật". Có 6% (hơn 15.000) trong số các thông tin mà Wikileaks nắm trong tay được liệt vào dạng "bảo mật" và 40% là “thông tin mật”.
Phần lớn các đại sứ quán Mỹ vẫn liên kết với Siprnet. Hiện chưa ai bị kết tội trong việc chuyển các tài liệu ngoại giao này cho Wikileaks, nhưng nghi phạm lớn nhất vẫn là binh nhì Bradley Manning - một nhân viên phân tích tình báo bị bắt tại Iraq hồi tháng 6 và bị kết án làm rò rỉ các tài liệu mật của Mỹ. Theo Adrian Lamo, một cựu tin tặc, Manning đã lấy thông tin bằng cách in ra một đĩa CD và giả vờ như anh ta đang nghe đĩa nhạc của Lady Gaga. Wikileaks đã bác bỏ việc nhận bất cứ tài liệu nào từ binh nhì Manning.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét