Đàm phán 6 bên bị từ chối

LAODONG:

Thứ Tư, 1.12.2010 | 07:45 (GMT + 7)

(LĐ) - Cho đến giờ, cả Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều không nhiệt tình với lời kêu gọi của Trung Quốc về việc gặp khẩn cấp thành viên của 6 bên đàm phán về vấn đề Triều Tiên.

d
Xe bọc thép của Hàn Quốc đi tuần trên đảo Baengnyeong gần biên giới trên biển với Triều Tiên.

Ngoại giao con thoi

Ngày 30.11, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Thae Bok đã tới Bắc Kinh trong chuyến thăm 5 ngày, sau khi Trung Quốc kêu gọi cần lấy ý kiến khẩn cấp. Nhật Bản cũng sẽ cử đặc sứ tới Bắc Kinh trong tuần này. Ngoại trưởng Hàn Quốc, Nhật và Mỹ đã đồng ý gặp nhau tại Washington đầu tháng 12.2010. Đây là những dấu hiệu cho thấy các bên đang nỗ lực làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên cho đến giờ, cả Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều không nhiệt tình với lời kêu gọi của Trung Quốc về việc gặp khẩn cấp thành viên của 6 bên đàm phán về vấn đề Triều Tiên. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Đàm phán 6 bên không thể thay thế cho hành động để Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của họ. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc thúc giúp Triều Tiên kiềm chế và hành động có trách nhiệm vì hòa bình và ổn định”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cho biết hôm 29.11, HĐBA đang nghiên cứu xem nên đối phó thế nào với thông tin Triều Tiên xây dựng nhà máy làm giàu uranium mới và việc họ nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Trước đó, HĐBA đã có cuộc họp tham khảo ý kiến thường kỳ về lệnh cấm vận của Mỹ đối với Triều Tiên.

Trung Quốc không can thiệp quân sự

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và việc các bên quan tâm đến vai trò của Trung Quốc, nhiều thư tín ngoại giao mà WikiLeaks tung ra đã tiết lộ những trao đổi nhạy cảm giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Triều Tiên.

Một văn thư cho biết, tháng 2.2010, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với quan chức Sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh rằng, Triều Tiên cư xử như “một đứa trẻ hư” để thu hút sự chú ý của Mỹ bằng vụ thử tên lửa tháng 4.2009. Từ đó nhà ngoại giao Trung Quốc khuyến khích Mỹ tiếp tục can dự vào vấn đề Triều Tiên. Một văn thư khác vào tháng 9.2009 trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với người đồng cấp Mỹ James Steinberg: “Chúng tôi có thể không thích họ..., nhưng họ là láng giềng” và cho biết lãnh đạo Trung Quốc muốn thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cuộc thảo luận tháng 2.2010 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Yung-woo lúc đó và Đại sứ Mỹ tại Seoul Kathleen Stephens cũng bị tiết lộ. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ không còn coi Triều Tiên là đồng minh đáng tin cậy và sẽ không mạo hiểm kéo dài cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc không can thiệp quân sự nếu Triều Tiên rơi vào bất ổn. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho trường hợp xung đột nổ ra và người dân Triều Tiên di tản sang Trung Quốc.

Ông Chun nói Trung Quốc cũng ủng hộ việc thống nhất bán đảo Triều Tiên do Seoul kiểm soát, ủng hộ việc đất nước thống nhất đó là đồng minh tốt của Mỹ, chừng nào đất nước này không thù địch với Trung Quốc. Các thông điệp ngoại giao trên cảnh báo rằng Trung Quốc không chấp nhận sự có mặt của quân đội Mỹ ở phía bắc khu vực phi quân sự.

V.N (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét