|
Ngày 29/11 (theo giờ địa phương) chính quyền Tổng thống Obama đã yêu cầu các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ xem xét lại cách bảo mật thông tin sau vụ trang mạng WikiLeaks tiết lộ số lượng lớn các hồ sơ ngoại giao chứa đựng các vấn đề nhạy cảm.
Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nhấn mạnh, việc các tờ báo đăng trên trang nhất những thông tin do mạng WikiLeaks cung cấp có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích, chính sách đối ngoại của Washington cũng như tác động tới đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới.
Một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ cho rằng, sự tiết lộ này sẽ làm xói mòn niềm tin của các nước coi Mỹ như là một đối tác ngoại giao tin cậy.
Trang WikiLeaks đã tung hơn 700.000 tài liệu ngoại giao mật của Mỹ lên mạng |
Phát biểu với báo chí tại thủ đô Washington, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder nói rằng, Bộ này bắt đầu mở cuộc điều tra hình sự việc trang mạng WikiLeaks đăng tải những thông tin ngoại giao nhạy cảm của Mỹ bởi vì nó đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.
Những thông tin này bao gồm các vấn đề như Mỹ bí mật tháo gỡ nhiên liệu hạt nhân của Pakistan, do thám lãnh đạo Liên Hợp Quốc, về quá trình thảo luận triển vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên, việc Saudi Arab hối thúc Mỹ tấn công Iran, và Mỹ ép các nước nhận tù nhân từ nhà tù vịnh Guantanamo.
Trong khi đó người sáng lập ra trang mạng WikiLeaks Julian Assange từ một địa điểm chưa được xác định đã nói với một tờ báo xuất bản bằng tiếng Arab rằng tổ chức của ông chấp nhận nhiều rủi ro để đưa những thông tin này nên mạng nếu không đưa thì mọi người sẽ không hiểu được Mỹ đã làm gì.
Liên quan đến việc thông tin ngoại giao nhạy cảm bị tung lên mạng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary cho rằng, việc số lượng lớn hồ sơ bị tiết lộ không chỉ là cuộc tấn công vào các lợi ích của Mỹ mà nó đã gây ảnh hưởng cho toàn bộ các vấn đề của cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ: Mỹ xin lỗi những rắc rối có thể gây ra cho các nước đồng minh của Mỹ |
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, việc đăng tải những hồ sơ ngoại giao này đã khiến cho người Mỹ bị rủi ro, nền an ninh nước Mỹ bị đe dọa và những nỗ lực của Mỹ với các nước khác để giải quyết những vấn đề chung bị phá hoại.
Ngoại trưởng Mỹ cũng trấn an các đồng minh của Mỹ rằng mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này vẫn bền chặt, đồng thời xin lỗi những rắc rối mà Mỹ có thể gây ra cho các nước.
Canada là một trong những nước có phản ứng sớm về sự việc này. Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon cho rằng việc tiết lộ thông tin này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Canada và Mỹ.
Trong một động thái mới nhất, chính quyền Tổng thống Obama đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ Mỹ xem xét lại toàn bộ các bước bảo quản thông tin mật. Bộ Quốc phòng Mỹ cấm nhân viên tải những tài liệu nhạy cảm vào các thiết bị có thể mang theo người.
Còn về phía Liên Hợp Quốc, tổ chức này sẽ không đưa ra lời bình luận nào về những tài liệu ngoại giao nhạy cảm của Mỹ bị trang mạng WikiLeaks đăng tải.
Một phần của tài liệu này cho rằng các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ khuyến khích các nhà ngoại giao nước này bí mật theo dõi các nhà lãnh đạo của Liên Hợp quốc và các hoạt động của họ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cho rằng việc các nhà ngoại giao Mỹ đang làm là nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ |
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, tổ chức này không thể bình luận sự việc khi tính chân thực của tài liệu đó chưa được xác nhận.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cũng từ chối đưa ra các bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên bà Rice bảo vệ các nhà ngoại giao của Mỹ. Đại sứ Mỹ Rice nói: “Các nhà ngoại giao của Mỹ đơn thuần làm công tác ngoại giao. Đó là công việc hàng ngày của họ. Họ đi làm việc với các đối tác và các nước khác trong Liên Hợp Quốc và trên toàn thế giới để giải quyết các vấn đề hóc búa nhất mà chúng tôi đang gặp phải để bảo đảm lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Đây là lần thứ ba liên tiếp WikiLeaks tiết lộ tài liệu mật liên quan tới Mỹ. Trước đó, website này đã công bố gần 500.000 hồ sơ của Mỹ về các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq gây chấn động dư luận thế giới./.
Minh Hiển (từ Washington)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét