Học thêm mà vẫn lơ mơ!

LAODONG:

Thứ Bảy, 4.12.2010 | 11:52 (GMT + 7)

(LĐO) - Thời xưa học sinh học rất ít, chỉ có một buổi học còn phải đi làm giúp gia đình mà vẫn đâu ra đấy, trẻ bây giờ suốt ngày học thêm mà vẫn lơ mơ. Học thêm là cần thiết nhưng học thế nào cho đúng hướng là vấn đề rất cần phải bàn.

Có phải cứ thêm là thừa?

Học thêm vốn là từ để chỉ hoạt động học ngoài giờ chính khoá nhằm bổ xung kiến thức theo hướng nâng cao, bổ trợ. Tuy nhiên, theo thời gian, chuyện học “ngoài lề” đó đã dần thành một điều hiển nhiên với mỗi học sinh ở mọi cấp học. Học sinh THPT học để đi thi ĐH, CĐ đã đành. Nhưng ngay ở cấp tiểu học, học thêm cũng đã xuất hiện với mục đích chính là giúp các em nhỏ hoàn thiện những kĩ năng đọc, viết, làm phép tính, viết câu văn miêu tả…

Ảnh mih họa
Ảnh mih họa

Chắc hẳn khi động đến điều này nhiều người sẽ lại nói: Thời xưa học sinh học rất ít, chỉ có một buổi học còn phải đi làm giúp gia đình mà vẫn đâu ra đấy, trẻ bây giờ càng học càng lơ mơ. Quả thật. Nếu nhìn hiện tượng bề ngoài thì quả có thế. Nhưng nhìn vào bản chất của việc học bây giờ thì mới hay học thêm bây giờ may lắm thì mới…đủ. Hàng ngày chúng ta dễ dàng nhận ra mọi thứ xung quanh đều phát triển, nâng tầm chóng mặt. Từ việc điều khiển các thiết bị gia dụng thế hệ mới đến những vấn đề kinh tế xã hội đều đòi hỏi người tham gia phải tự nâng trình độ. Trong xu thế đó đương nhiên giáo dục phải tự nâng cấp về kiến thức mà không phải lúc nào chương trình, phương pháp, khả năng người giảng dạy cũng khiến người học tiếp thu ngay trong giờ chính khoá.

Không thể áp đặt chuyện học thêm giờ để học sinh không có thời gian tự học và tham gia các hoạt động khác là hoàn toàn đúng. Nhưng, với mỗi người lại có một năng lực tiếp thu và nhu cầu tích luỹ kiến thức khác nhau. Khi đã thành sinh viên, các bạn trẻ có thể tự nghiên cứu thông qua sự định hướng của giảng viên. Còn ở các cấp học dưới, việc tự xử lí thông tin và mở rộng vùng kiến thức để đáp ứng đòi hỏi của các kì thi hay sự đam mê của mỗi học sinh e rằng còn hơi khó. Khi ấy, nếu có một người thầy giúp sức hẳn sẽ rất hữu hiệu. Chỉ có điều, nó phải xuất phát từ sự tự nguyện của người học và không đi quá giới hạn như “mớm kiến thức”. Mới đây, GS toán học Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields cao quý. Trong những tháng năm tuổi thơ cùng với lòng đam mê khoa học và tài năng thiên bẩm, GS đã được sự tận tình chỉ bảo của nhiều nhà khoa học chân chính. Điều đó nói lên rằng, với những con người đam mê học tập, nếu có được một sự chỉ bảo đúng cách sẽ giúp họ bứt phá tích cực.

Hãy coi học thêm là một nhu cầu tự thân

Sự ồn ào và ồ ạt trong dạy thêm, học thêm đã và đang diễn biến theo những hình thức khác nhau. Từ một nhu cầu chân chính đã bị nhiều thầy, cô hám lợi bóp méo thành một hoạt động kiếm lời mà không mang lại lợi ích cho người học. Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh cũng ngộ nhận về sức mạnh của học thêm mà coi nhẹ khả năng và nhu cầu thực sự của con em dẫn đến việc định hướng học thêm một cách lệch lạc. Sự “nhiệt tình” ấy đã vô tình tiếp tay cho một hoạt động đang gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Chắc hẳn, chỉ khi nào họ biết lắng nghe và đánh giá đúng năng lực của con em mình và tôn trọng nhu cầu tiếp thu kiến thức của mỗi một học sinh thì chuyện học thêm này mới được trở lại đúng hướng. Bên cạnh đó cũng cần cả sự cải thiện chất lượng giảng dạy từ phía nhà trường để làm vơi đi khoảng trống về kiến thức mà nhiều khi cái “thêm” ấy vẫn còn chưa đủ.

Lâm Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét