Thứ Năm, 02-12-2010, 07:30 (GMT+7) |
* Phản ứng trái chiều của quốc tế về vụ WikiLeaks
WikiLeaks cho biết hiện tổ chức này cũng đang có trong tay rất nhiều thông tin về các cuộc trao đổi ngoại giao giữa Việt Nam và chính phủ Mỹ. Mặc dù vậy, hiện tổ chức này vẫn chưa tiết lộ nội dung của bất kỳ cuộc trao đổi nào.
WikiLeaks, tổ chức chuyên rò rỉ thông tin mật hiện đang nắm giữ khoảng hơn 2.300 bức điện tín gửi đi từ Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và gần 800 điện tín từ Lãnh sự quán Mỹ ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong số hơn 3.000 bức điện tín ngoại giao này có cả những loại tài liệu thuộc diện “mật”, theo BBC. Hãng tin BBC còn cho hay, số đầu tài liệu về Việt Nam mà WikiLeaks đang có được xếp ở vị trí 37, ở mức “trung bình cao” so với các quốc gia ở châu Á như: Myanmar (35), Indonesia (33), Thái Lan (32) và Trung Quốc (5).
Sáng 1/12, Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) đã phát đi lệnh bắt giữ toàn cầu đối với sáng lập viên của WikiLeaks Julian Assange vì nghi ngờ người này có hành vi hiếp dâm 2 phụ nữ Thụy Điển. Cùng ngày, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết luật sư của các cơ quan chính phủ nước này đang nghiên cứu khả năng truy tố Assange theo đạo luật về gián điệp. Theo quan chức trên, các cơ quan chức năng của Mỹ đang tìm cách xác định xem liệu đạo luật về gián điệp có thể áp dụng đối với trường hợp của Assange hay không cũng như khả năng áp dụng luật này đối với trang mạng WikiLeaks.
Liên quan đến việc hàng vạn điện tín mật được các nhà ngoại giao Mỹ ở khắp nơi trên thế giới gửi về Washington vừa bị trang mạng WikiLeaks tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 30/11 cho rằng sự việc này rõ ràng khiến chính quyền “lúng túng” nhưng nó sẽ chỉ gây tác động “khiêm tốn” tới chính sách đối ngoại của Mỹ. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạn chế số nhân viên chính phủ có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu mật của cơ quan này nhằm phòng ngừa các vụ rò rỉ tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley, đây là biện pháp tạm thời nhằm khắc phục những điểm yếu trong hệ thống khiến các tài liệu mật của Mỹ liên tục bị phát tán. Ngày 30/11, trang mạng WikiLeaks cho biết đã bị tin tặc tấn công bằng DDoS trước đó một ngày khiến người dùng tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác không thể truy cập trang mạng này.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục có những phản ứng trái chiều sau khi trang mạng WikiLeaks công bố hàng trăm nghìn văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ cho nhiều tờ báo hàng đầu thế giới. Nhiều nước cho rằng những tiết lộ này hủy hoại nền ngoại giao, trong khi một số nước có cách nhìn nhẹ nhàng hơn đối với hành động này. Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, coi đây là một “tội ác” và cho rằng chỉ chính phủ các nước mới có quyền quyết định về việc công bố những tài liệu nhạy cảm này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã lên án việc WiliLeaks tiết lộ các văn thư ngoại giao trên, khẳng định đây là hành vi vô trách nhiệm không thể chấp nhận được. Trong khi đó, nhà sáng lập Julian Assange đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ một số quốc gia Nam Mỹ. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đánh giá cao sự dũng cảm của ông Assange khi công bố các tài liệu quân sự và ngoại giao tuyệt mật của Mỹ. Nhà lãnh đạo cánh tả cho rằng Ngoại trưởng H.Clinton nên từ chức. Một quan chức ngoại giao của Ecuador tuyên bố nước này dự định mời nhà sáng lập WikiLeaks tới nước này để công bố mọi thông tin đang nắm giữ. Còn Trung Quốc hối thúc Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan tới những văn thư ngoại giao bị rò rỉ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định Bắc Kinh không muốn bất kỳ sự xáo trộn nào trong quan hệ với Washington.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, LDO) |
WikiLeaks nắm nhiều tài liệu mật về Việt Nam
.: Phú Yên Online:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét