Tổng biên tập WikiLeaks đang ở đâu?

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 03/12/2010, 08:21 (GMT+7)

Anh chưa muốn bắt Assange

TT - Báo Anh khẳng định người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đang ở Anh nhưng cảnh sát chưa thèm bắt giữ.

>> Interpol truy nã tổng biên tập Wikileaks
>>
Wikileaks"tấn công cộng đồng quốc tế"

Người phát ngôn của WikiLeaks Kristinn Hrafnsson (giữa) khẳng định hoạt động của WikiLeaks là hoàn toàn hợp pháp ngày 2-12 tại London - Ảnh: Reuters

Tờ The Independent của Anh ngày 2-11 cho biết cơ quan tình báo Anh đã biết rõ nơi ở của Julian Assange từ hơn một tháng nay, song vẫn chưa bắt giữ vì chưa nhận được chỉ thị bắt giữ. Tờ báo dẫn nguồn tin cảnh sát khẳng định họ có số điện thoại của Assange và biết rõ ông này đang ở miền nam xứ sương mù - nơi đang vô cùng lạnh lẽo. Tuy nhiên, cảnh sát Anh đã không đưa ra bình luận gì về thông tin trên The Independent.

Nếu bị bắt sẽ bị dẫn độ về Thụy ĐiểnJulian Assange có rất ít nơi để trú ẩn. Theo phóng viên New York Times John F.Burns - người đã phỏng vấn Assange, nhân vật này đổi điện thoại như đổi áo, dùng tiền mặt chứ không dùng thẻ, ở với bạn bè hoặc tại khách sạn dưới tên giả. Khi họ gặp nhau, Assange nói thì thầm vì sợ tình báo phương Tây nghe lén. Khi đó Assange chưa phải là người bị truy nã.

Các luật sư của Chính phủ Mỹ đang hi vọng khởi tố Julian Assange với tội gián điệp, và Liên minh châu Âu thì đang muốn để điều tra về cáo buộc liên quan tới “hiếp dâm và quấy rối tình dục” của ông ở Thụy Điển. Đến nay, Assange có thể bị bắt tại bất kỳ 1 trong 188 quốc gia thành viên của Interpol, từ Afghanistan tới Zimbabwe, và sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển.

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy Julian là ở London, và có nhiều thông tin cho thấy nhiều khả năng ông này vẫn ở London, dù vẫn liên tục di chuyển. Nếu nhân vật này xuất hiện nơi công cộng, cảnh sát Anh sẽ buộc phải bắt giữ theo lệnh bắt giữ châu Âu do chính quyền Thụy Điển ban hành.

Tung tích của Julian Assange bắt đầu trở nên cực kỳ bí ẩn từ tháng 7-2010, sau khi WikiLeaks tiết lộ 77.000 tài liệu quân đội Mỹ về chiến tranh Afghanistan, và gần 400.000 tài liệu mật về cuộc chiến Iraq vào tháng 10-2010. Sau khi tiết lộ vụ Afghanistan, Julian Assange tới Thụy Điển đăng ký xin tạm trú và giấy phép làm việc. Với truyền thống tự do báo chí, đất nước này có thể đã trở thành thiên đường an toàn.

Thế nhưng, ít lâu sau Assange đã phải đối mặt với cáo buộc “hiếp dâm và quấy nhiễu tình dục” hai phụ nữ Thụy Điển. Và đây là đe dọa lớn nhất với tự do của ông hiện nay, dù ông vẫn tuyên bố mình không làm gì sai và đã “làm việc đó” khi có sự đồng ý của cả hai phía. Tháng 11-2010, lệnh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks được đưa ra, sau đó là lệnh bắt giữ ở khắp châu Âu. Assange kháng cáo lần một thất bại, lần hai thì đơn kháng cáo vẫn đang bị treo.

Đến nay, Thụy Điển đã từ chối cho Assange sinh sống lâu dài tại đây. Úc, quê hương của Assange, cũng thông báo đang điều tra việc rò rỉ thông tin mới nhất có vi phạm pháp luật của Úc hay không. Một quan chức cao cấp từng cảnh báo Assange rằng vì chơi “ngoài vòng lửa” nên sẽ được đối xử theo kiểu “ngoài vòng lửa”! Dù nước nào có nhận Julian đi nữa thì vấn đề lớn nhất là làm thế nào ông có thể đến được đó. Nếu đang ở một quốc gia thuộc EU, ông có nguy cơ bị bắt ngay khi trình hộ chiếu ở biên giới.

Đứa con thông minh, người cha tốt

Trong khi đó, trả lời báo chí Úc, mẹ của Julian Assange, bà Christine Assange, nói đứa con “rất thông minh lại có tính tò mò” của bà đang gặp nguy hiểm vì đang trở thành người “quá thông minh”. “Tôi lo lắng vì vấn đề nó đặt ra quá lớn, và các lực lượng mà nó phải đối đầu cũng quá lớn”. Bà cho biết xuất phát điểm của Julian Assange không phải là từ công nghệ mà là sự sáng tạo, thích học hành và sách vở. “Dù bạn có đồng ý hay không với những gì Julian làm thì việc sống với niềm tin của mình và chiến đấu vì niềm tin đó là điều rất tốt”.

Julian Assange, 39 tuổi, đã có con trai là Daniel hiện 20 tuổi và là chuyên viên phát triển phần mềm ở thành phố Melbourne. “Nó là người cha rất tốt - bà Christine không giấu vẻ tự hào - Không phải đứa trẻ nào ở tuổi đó cũng dám chịu trách nhiệm như vậy”.

Cuộc hôn nhân đã không kéo dài, dù Julian Assange tạm dừng đam mê nghề nghiệp để lo cho đứa bé và hai vợ chồng cũng tranh cãi về quyền chăm sóc con. Có thời gian hai cha con nhà Julian còn cùng học tại Đại học Melbourne. Julian học toán và vật lý, còn Daniel khi đó mới 15 tuổi học chuyên ngành sinh học gen.

Bà Christine cho biết Julian đã giữ khoảng cách với gia đình vì sự an toàn của họ, nhưng khẳng định con bà là “chàng trai đáng yêu, nhạy cảm, yêu súc vật và có tính hài hước”. Người phát ngôn của website WikiLeaks Kristinn Hrafnsson cho biết Julian đang có nguy cơ bị ám sát và sẽ tiếp tục ẩn náu để đảm bảo an toàn.

Kristinn Hrafnsson khẳng định tại hội thảo ở CLB báo chí tại London: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cho rằng WikiLeaks đã tấn công vào cộng đồng thế giới, nhưng WikiLeaks không làm gì bất hợp pháp, vì cho tới nay chưa ai chỉ ra được tổ chức này vi phạm luật ở chỗ nào.

Ai có lợi từ thông tin rò rỉ của WikiLeaks?

Các “tác giả” của vụ WikiLeaks mới nhất đã thành công khi gây ra hiệu ứng mà nhiều báo thế giới so với vụ khủng bố 11-9! Dư luận tò mò, xôn xao về những gì có thể lộ ra sau khi bức màn nhung của bộ máy ngoại giao Mỹ trên thế giới bị WikiLeaks xé toạc với chỉ một số thông tin ban đầu.

Beth Lane, tác giả của “Đọc báo là đọc cái gì?”, từng căn dặn phải tự đặt các câu hỏi sau khi đọc một tin bài: Thông điệp này nhắm đến ai? Ai muốn nhắm đến ai và vì sao? Hướng đến cái gì? Ai được lợi? Ai mất mát?

Từ đó, có thể thấy mục tiêu nhắm đến của WikiLeaks chính là guồng máy ngoại giao của Mỹ cùng những “giá trị Mỹ”. Và WikiLeaks đã “đánh sập” chỉ trong một ngày, đến nỗi nay Bộ Ngoại giao Mỹ đã lệnh cho chính các nhân viên của mình chớ có “lướt” trên WikiLeaks! Bởi thế mà trong các buổi họp báo liên tiếp sau vụ WikiLeaks, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley đã phải ra sức thanh minh và ráng tranh thủ lại dư luận vốn đã nhìn sự thể bằng cặp mắt khác trước.

Nhờ vụ này, nay được nghe định nghĩa thế nào là “làm ngoại giao” từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Các nhà ngoại giao của chúng tôi là những nhà ngoại giao, chứ không phải là cơ sở tình báo. Họ có thể thu thập thông tin. Công việc của họ là tương tác với người khác, nắm bắt viễn tượng các sự kiện trên thế giới, và báo cáo lại các ghi nhận đó sao cho có thể cung cấp thông tin cho các chính sách cùng các hành động của chúng tôi. Thật là hữu ích đối với một nhà ngoại giao ở Washington khi có được các nhà ngoại giao tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới, nơi có những vấn đề được quan hệ đặc biệt đối với Chính phủ Mỹ. Nếu các bạn có thông tin liên quan đến các vấn đề đó, hãy cho chúng tôi biết. Đó là điều mà các nhà ngoại giao hiện đang làm mỗi ngày. Thành ra, không thể chỉ vì một bức điện đặc biệt nào đó mà có thể biến một nhà ngoại giao thành một cơ sở tình báo” (Daily Press Briefing, ngày 30-11-2010).

Thế nhưng, vẫn còn đó câu hỏi: ai (hay thế lực nào) đứng đằng sau những thông tin được rò rỉ của WikiLeaks? Ai (hay thế lực nào) được hưởng lợi nhất từ sự tan tác của nền ngoại giao Mỹ?

DANH ĐỨC

KHỔNG LOAN

_____________________

Jordan không là nước an toàn

“Jordan không phải là đất nước an toàn nhất khi mà CIA đang truy đuổi bén gót mình” - Julian Assange, tổng biên tập WikiLeaks, không khỏi mỉa mai khi nói câu này trong một cuộc họp báo điện tử được truyền từ Jordan ngày 28-11 vừa qua, một vài giờ trước khi công bố 250.000 bức điện mật về “hậu trường” nền ngoại giao Mỹ.

Assange đang bị Washington xem là kẻ thù số 1, kẻ đã gây nên “vụ 11-9 về ngoại giao” mà đến nay vẫn chưa thể lường hết những tác hại của nó, dù Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cố tranh thủ hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Kazakhstan ngày 1-12 để trấn an các nhà lãnh đạo được đề cập trong các thông tin mật bị rò rỉ. Với “chiến dịch xức dầu thơm lên những vết thương” như báo chí mô tả, bà Hillary Clinton cho rằng những thông tin đó “không nhất thiết phản ánh quan điểm của Mỹ”.

Vậy thì Julian Assange đang ở đâu? Ngày mà lệnh truy nã được đưa ra, Assange đã ở London, ít ra là theo khẳng định của Mark Stephens, luật sư riêng của Assange, khi ông này đảm bảo thân chủ của mình “đã không chạy trốn”! Cho đến lúc có lệnh truy nã, đã diễn ra nhiều cuộc họp báo của tổng biên tập WikiLeaks từ thủ đô nước Anh. Nhưng kể từ đó bí ẩn bao trùm. Chắc chắn nước Mỹ, nơi mà người phát ngôn Nhà Trắng đã mô tả Assange là “tên tội phạm”, không phải là nơi ông tìm đến trú ẩn.

Julian Assange có thể tìm đến Ireland, nơi đang chuẩn bị một đạo luật thuận lợi cho hoạt động báo chí và là nơi ông từng lui tới thường xuyên. Trả lời phỏng vấn AFP vào tháng 8 vừa qua, Assange chỉ mơ màng nói về “một tuổi thơ du mục qua 37 ngôi trường của nước Úc”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác của AFP, Assange kể ông đã từng lưu trú lâu tại Kenya... Nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cả!

Có thể là Ecuador? Nước này vừa tuyên bố sẵn sàng đón nhận Assange “vô điều kiện” với lời mời chính thức của Thứ trưởng Ngoại giao Kinto Lucas. Nhưng Assange chưa sẵn sàng chấp nhận và có tin là Ecuador đã rút lại đề nghị này.

TRỌNG THÀNH (Theo Le Monde, AFP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét